Trong “làng” thể thao Việt Nam, tỉnh Thái Nguyên đã có những vận động viên (VĐV) xuất sắc hàng đầu ở một số môn Điền kinh, Karatedo, Taekwondo, Vật nam, Vật nữ, Wushu, Đua thuyền… và đã đóng góp nhiều VĐV cho đội tuyển trẻ và đội tuyển Quốc gia.
Xây nên niềm tự hào về thể thao Thái Nguyên phải kể tới sự quan tâm đúng mức của các cấp, ngành; của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và người hâm mộ. Đặc biệt là sự lao động thầm lặng của đội ngũ huấn luyện viên (HLV). Trên sân tập, các thế hệ HLV đã theo nhau dốc trí lực, mồ hôi để gây dựng phong trào và làm nên những VĐV vàng như “nữ hoàng tốc độ” Vũ Thị Hương, VĐV Điền kinh có nhiều tài năng của Việt Nam; người đẹp mang tinh thần thượng võ bởi những cú đánh chân truyền là VĐV Taekwondo Nguyễn Thanh Thảo, từng đoạt Huy chương Bạc Olympic trẻ thế giới. Và một Nguyễn Thị Hằng luôn làm cho đối phương tâm phục, khẩu phục. Hằng từng giành Huy chương Bạc Vật nữ thế giới.
Hàng năm, vào các mùa giải khu vực, trong nước và quốc tế, thầy - trò trong ngôi nhà thể thao Thái Nguyên đã tích cực tham gia, và mang về những ánh huy chương cùng nụ cười của người chiến thắng. Nhưng năm gần đây, trung bình mỗi năm, Thái Nguyên cung cấp từ 5 đến 8 VĐV cho đội tuyển quốc gia, tập luyện và thi đấu ở các giải thể thao trong nước và quốc tế. Đây chính là cơ sở để bè bạn trong làng thể thao Việt Nam đánh giá rằng: Thái Nguyên là một trong những địa phương đi đầu trong công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện các vận động viên thể thao thành tích cao. Theo ông Phạm Thái Hanh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Tuy còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, cơ chế, chính sách trong huấn luyện và đào tạo VĐV thể thao thành tích cao, nhưng do tỉnh đã từng bước đổi mới, tăng cường công tác quản lý, cải tiến phương pháp tuyển chọn và đào tạo lực lượng VĐV. Đặc biệt là đội ngũ HLV hiện đã được chuẩn hóa, 100% có trình độ đại học và sau đại học.
Qua thực tế chúng tôi biết: Hiện Thái Nguyên đang tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể thao thành tích cao bằng cách xây dựng lực lượng VĐV; phát triển các môn thể thao thành tích cao; quan tâm đào tạo VĐV và thực hiện quy trình tuyển chọn, đào tạo, thanh lý VĐV. Đặc biệt là chủ trương nâng cao thành tích thi đấu thể thao ở các kỳ đại hội TDTT trong nước. Tuy nhiên, nhìn lại số HCV tại các kỳ Đại hội TDTT toàn quốc mà tuyển Thái Nguyên giành được, ghi nhận là thầy - trò đã không ngừng phấn đấu, và tự tin thi đấu hết mình, song nhiều khi vẫn mang tính chất đi “cọ sát học tập”. Cho đến Đại hội IV năm 2000, tuyển Thái Nguyên giành được 2 HCV; Đại hội V năm 2005, giành được 16 HCV; Đại hội VI năm 2010, giành được 7 HCV. Gần đây nhất, tham gia Đại hội TDTT toàn quốc lần thứ VII năm 2014, tuyển Thái Nguyên có 62 VĐV tham gia tranh tài ở 8 môn, gồm: Vật, Wushu, Karatedo, Boxing, Đua thuyền, Cầu lông, Điền kinh, Cử tạ. Kết quả thi đấu, tuyển Thái Nguyên đã giành được 3 HCV, do công của Hà Văn Dĩnh, Vật tự do nam hạng 90kg; Đỗ Thị Nam, Wushu và Dương Thị Huyền, Dương Thị Ngân Đua thuyền đôi.
Theo ông Trần Cơ Trường, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, kiêm Giám đốc Trung tâm TDTT tỉnh: Những năm 1995-2000, các môn thể thao mũi nhọn của tỉnh được xác định là: Điền kinh, Bắn nỏ, Karatedo, Vật nam, Vật nữ và Cầu lông. Đến những năm gần đây, vì nhiều lý do khác nhau, các môn thể thao được đánh giá cao và có nhiều thành tích là: Vật nam, Vật nữ, Wushu Tán thủ, Wushu Tao lu và Đua thuyền. Các môn Cử tạ và Boxing có chiều hướng phát triển tương đối tốt.
Trong thể thao, kết quả cao nhất được thể hiện bằng số huy chương VĐV giành được từ các đài đấu. Chỉ trong thời gian 5 năm gần đây, VĐV của trung tâm TDTT tỉnh đã tham gia hàng chục mùa giải khu vực, trong nước và quốc tế, và mang về tổng số 131 HCV. Trong đó, năm 2010 đạt 21 HCV, 2011 đạt 39 HCV, 2012 đạt 26 HCV, 2013 đạt 26 HCV, 2014 đạt19 HCV và hàng trăm HCB, HCĐ.
Những mùa giải mới đang tiếp tục được mở ra, hy vọng một bứt phá đối với tất cả những VĐV đăng đài thi đấu. Riêng Thái Nguyên, trọng trách đặt lên vai những người làm công tác thể thao là: Phải làm như thế nào để xứng đáng là trung tâm vùng Đông Bắc. Theo Tiến sĩ Trần Đức Phấn, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao (Tổng cục TDTT) thì: Thái Nguyên nên tập trung vào các môn thể thao mũi nhọn như: Điền kinh, Karatedo, Taekwondo, Vật, Cử tạ, Boxing. Ngoài ra, nên đầu tư thêm cho một số môn như: Kiếm, Bơi lội, Xe đạp, Cầu lông, Bắn cung…
Còn nhiều người làm công tác thể thao Thái Nguyên cho rằng: Quan trọng là người “cầm quân xung trận” phải tạo được khí thế thi đấu cho từng VĐV. Và để tự tin hơn trên đấu trường, các khâu tuyển chọn, đào tạo VĐV cần có tính thường xuyên, liên tục và có tính hệ thống, khoa học giữa tuyến trên và tuyến dưới. Chỉ có như thế mới tạo được sự bền vững ở từng môn thể thao.