Ghi nhận từ các sân cỏ nhân tạo

16:28, 09/03/2015

Những năm gần đây, mô hình sân bóng đá mini cỏ nhân tạo đã và đang phát triển mạnh trên địa bàn T.P Thái Nguyên đã giúp phong trào bóng đá phát triển, từ đó góp phần thúc đẩy mục tiêu xã hội hóa thể thao của địa phương.

Câu lạc bộ (CLB) bóng đá Giấy xuất khẩu được thành lập cách đây 3 năm, khi sân bóng đá mini cỏ nhân tạo bắt đầu xuất hiện trong T.P Thái Nguyên. CLB hiện có trên 30 thành viên là những người cùng yêu thích môn thể thao “vua”. Anh Trần Đức Quyến (tổ 10, phường Tân Long), thành viên CLB chia sẻ: “Mặc dù yêu thích bóng đá nhưng do trước đây điều kiện sân bãi còn ít nên chúng tôi không có nhiều cơ hội để luyện tập. Nay có dịch vụ sân cỏ nhân tạo đã tạo điều kiện cho tôi và bạn bè được chơi môn thể thao yêu thích theo khung thời gian phù hợp với toàn đội. Với giá thuê sân trung bình từ 150 đến 250 nghìn đồng mỗi giờ (tùy theo khung giờ) và tần suất tập luyện khoảng 2 buổi/tuần, mỗi thành viên trong CLB của tôi chỉ mất khoảng 100 nghìn đồng/tháng”.

 

Đến với cụm sân bóng đá mini cỏ nhân tạo Quang Vinh (tổ 1 và 2, phường Quang Vinh), chúng tôi cảm nhận được không khí luyện tập sôi nổi, hào hứng từ những cầu thủ “nghiệp dư”. Anh Tống Đức Giang, quản lý cụm sân cho biết: Là một trong những cụm sân cỏ nhân tạo đầu tiên tại Thành phố, hiện đang hoạt động với 4 sân, CLB thu hút trung bình trên 4.000 lượt người tham gia mỗi tháng. Vào thời gian cao điểm như mùa hè, hệ thống sân thu hút gần 6.000 lượt người chơi/tháng, trong đó có gần 500 người tham gia luyện tập thường xuyên. CLB còn là địa điểm được các cơ quan, đơn vị tại địa phương thường xuyên chọn để tổ chức các giải bóng đá nội bộ, giao hữu. Trong giờ vắng khách, chúng tôi thường mở cửa cho các em nhỏ vào đá bóng miễn phí để khuyến khích các em chơi bóng.

 

Còn anh Nguyễn Tuấn Hùng, quản lý cụm sân bóng đá X10 (nằm trong Trường Đại học Nông lâm - Thái Nguyên) chia sẻ: Ý tưởng xây dựng mô hình sân cỏ nhân tạo bắt nguồn từ niềm đam mê của tôi với bóng đá. CLB gồm 2 sân với vốn đầu tư ban đầu hơn 1 tỷ đồng, được xây dựng trên diện tích trên 4.000m2. Khi mới bắt đầu thực hiện ý tưởng, tôi cũng có chút lo lắng vì số tiền đầu tư là khá lớn. Thế nhưng, khi sân bóng đi vào hoạt động đã thu hút rất đông người đến chơi. Lịch thi đấu ngày càng dày thêm, có những ngày sân của tôi không bố trí được lịch cho các đội bóng. Chỉ tính riêng số đội bóng đăng ký giờ thi đấu, luyện tập cố định trong tuần đã là hơn 20 đội. Để đẩy mạnh phong trào thể dục, thể thao, sân còn phục vụ các buổi học thể chất của sinh viên Trường Đại học Nông lâm, đăng cai tổ chức các giải đấu dành cho cán bộ, giảng viên trong khối các trường thuộc Đại học Thái Nguyên…

 

Việc xuất hiện các sân bóng đá mini cỏ nhân tạo không những góp phần đáp ứng nhu cầu rèn luyện sức khoẻ, hưởng thụ các giá trị thể thao của người dân mà còn góp phần giảm các tệ nạn xã hội. Thay vì vùi mình vào những trò chơi game online hay đốt thời gian với bia rượu, thuốc lá... nhiều người đã tìm đến với sân cỏ nhân tạo để rèn luyện sức khỏe và giao lưu thể thao. Hàng ngày, các sân cỏ nhân tạo luôn tràn ngập không khí sôi nổi, hào hứng qua các trận đấu của những cầu thủ “nghiệp dư” ở đủ mọi lứa tuổi, thành phần.

 

Đồng chí Lâm Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể Thao Thành phố cho biết: Theo thống kê, trên địa bàn Thành phố hiện có 22 sân bóng đá cỏ nhân tạo. Các CLB bóng đá cũng được thành lập nhiều hơn kể từ khi xuất hiện các sân này. Nếu như năm 2010 toàn Thành phố chỉ có 5 CLB bóng đá, thì đến nay 28 đơn vị xã, phường đều đã có CLB bóng đá thu hút hàng nghìn lượt vận động viên thường xuyên luyện tập và tham gia thi đấu các giải của thành phố. Bên cạnh đó, còn nhiều CLB được thành lập từ các cơ quan, đơn vị... đăng ký lịch tập luyện theo tuần tại các sân cỏ nhân tạo này. Hoạt động kinh doanh sân cỏ nhân tạo đã góp phần đẩy mạnh sự phát triển của bóng đá phong trào, qua đó cũng tạo tiền đề cơ sở vật chất giúp cho phong trào luyện tập thể dục thể thao ngày càng phát triển.