Vận động viên thiếu sân, phòng tập

17:39, 11/03/2015

Trong “làng” thể thao Việt Nam, “mái nhà” thể thao Thái Nguyên đã có những vận động viên (VĐV) xứng tầm quốc tế, như: Vũ Thị Hương (Điền kinh), Nguyễn Ngọc Thành (Karatedo), Nguyễn Thị Vân (Cử tạ), Hà Văn Hiếu (Vật nam), Lê Thái Ngọc (Wushu Thao lu) và rất nhiều VĐV khác từng đăng đài tại các giải thi đấu toàn quốc và quốc tế giành được huy chương.

Gần đây nhất, năm 2014, tại Giải Wushu thế giới (tổ chức ở Thổ Nhĩ Kỳ) tuyển Thái Nguyên giành được 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Đồng; Giải Vô địch đua thuyền trẻ Đông Nam Á, tuyển Thái Nguyên giành được 1 Huy chương Vàng, 2 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng. Nhiều VĐV của tỉnh đạt đẳng cấp kiện tướng và VĐV cấp I được bổ sung vào đội tuyển Quốc gia.

 

Sau khi đăng đài, những VĐV lại trở về với sàn tập thường nhật. Điều làm chúng tôi bất ngờ là những VĐV vàng của Thái Nguyên đã tập luyện trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, tạm bợ. Hằng ngày, VĐV Boxing được tập luyện tại một góc nhà trông giữ xe của Trường Phổ thông Năng khiếu Thể dục - Thể thao; VĐV điền kinh tập luyện ở đường băng chưa đạt chuẩn; VĐV đua thuyền về Hà Nội tập luyện nhờ… Một VĐV môn Vật từng dành nhiều huy chương trong nước và quốc tế thổ lộ: Vì chưa có phòng tập dành cho VĐV, nên chúng tôi được bố trí cho tập luyện nhờ ở Trung tâm Dịch vụ và Thi đấu thể thao tỉnh.

 

Trung tâm Dịch vụ và Thi đấu thể thao tỉnh được xây dựng từ năm 1998 và chính thức hoạt động từ năm 2002, với diện tích mặt sàn 1.008m2, có sức chứa 3.000 chỗ ngồi. Trung tâm được xây dựng phù hợp với yêu cầu luyện tập và thi đấu một số môn thể thao hiện đại, nhưng hiện đã xuống cấp, đã có lúc tấm trần từ mái trên rơi xuống khán đài, rất nguy hiểm cho VĐV và người hâm mộ.

 

Không riêng Nhà thi đấu của Trung tâm, hầu hết các công trình thể thao của tỉnh đều ở tình trạng xuống cấp, cần được đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Ngay như “cái nôi” đào tạo nhân tài thể thao của tỉnh là Trường Phổ thông Năng khiếu Thể dục - Thể thao. Cán bộ, giáo viên, huấn luyện viên đang làm việc trong khu nhà cấp 4 đã xuống cấp. Trường chưa có nhà luyện tập dành cho VĐV; các phòng làm việc của Ban Giám hiệu, phòng chuyên môn và học sinh nội trú được bố trí ở, sinh hoạt dưới khu vực gầm khán đài A của sân vận động tỉnh. Bên Trung tâm Thể dục - Thể thao tỉnh, nơi huấn luyện các VĐV thể thao thành tích cao cũng chưa có đất để xây dựng cơ sở hạ tầng. Hiện đơn vị chưa có phòng tập luyện cho các môn thể thao và nhà VĐV. Do đó, VĐV các môn thể thao mũi nhọn của tỉnh: Wushu, Vật nam, Vật nữ, Đua thuyền, Tenis, Boxing, Cầu lông, Điền kinh, Karatedo, Taewoondo, Cử tạ, Bóng đá nữ, Bóng chuyền hầu hết phải đi tập nhờ địa điểm hoặc tập luyện trong điều kiện sân bãi, phòng tập chưa đạt chuẩn.

 

Theo ông Lưu Công Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Từ nhiều năm nay, cơ sở vật chất kỹ thuật thể dục - thể thao của tỉnh đã được các cấp, ngành quan tâm đầu tư, song còn rất nhiều khó khăn. Hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu tập luyện và thi đấu thể thao, nhất là chưa đáp ứng được yêu cầu đào tạo các môn thể thao thành tích cao cũng như tiêu chí tổ chức các giải quốc gia và quốc tế, như môn Điền kinh chưa có đường chạy chất dẻo tổng hợp; môn Đua thuyền VĐV động viên về Hà Nội tập luyện nhờ tại Hồ Tây; môn Vật chưa có nhà tập riêng; môn Wushu Sansau chưa có đài thi đấu…

 

Trong điều kiện khó khăn như vậy, Thái Nguyên vẫn đào tạo được những VĐV cấp kiện tướng; VĐV cấp I. Nhiều VĐV được đào tạo, huấn luyện tại Thái Nguyên được bổ sung vào Đội tuyển Quốc gia; được tham gia thi đấu tại các nước trong khu vực đã giành được Huy chương Vàng. Những VĐV vàng luôn là niềm tự hào của người hâm mộ. Hơn thế, các thế hệ VĐV Thái Nguyên đã luôn vượt lên khó khăn về cơ sở vật chất, hăng say tập luyện để khẳng định rằng ở tương lai không xa: Thái Nguyên thật sự trở thành trung tâm vùng Đông - Bắc về lĩnh vực thể thao.

 

Được biết, một số dự án lớn về xây dựng các công trình thể thao của tỉnh đã được các cấp, ngành liên quan phê duyệt, với tổng trị giá hàng nghìn tỷ đồng, như: Dự án Trung tâm Đua thuyền Thái Nguyên tại khu vực phía Nam hồ Núi Cốc; Dự án Khu Liên hiệp Thể thao tỉnh ở Khu đô thị phía Tây Thành phố và Dự án đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp sân vận động Thái Nguyên, với các hạng mục: Mặt sân, đường chạy phủ chất dẻo tổng hợp; làm khán đài A, B, C, D, trong đó khán đài A, B có mái che và nhiều dự án thể thao khác.

 

Chắc chắn, những dự án thể thao được triển khai xây dựng, đưa vào sử dụng, VĐV Thái Nguyên sẽ không phải tập luyện trong điều kiện thiếu thốn, và hơn thế, Thái Nguyên sẽ thực sự trở thành địa chỉ đào tạo những VĐV, huấn luyện viên thể thao đỉnh cao của vùng Đông - Bắc và Quốc gia.