Hà Nội: Tầm nhìn xa trong đầu tư xây dựng và phát triển thể thao

08:16, 05/04/2015

Những năm qua, thành phố Hà Nội đã tập trung đầu tư phát triển toàn diện phong trào thể dục thể thao và luôn là địa phương dẫn đầu cả nước về thể thao quần chúng và thành tích cao. Nhiều vận động viên của Hà Nội đóng góp thành tích lớn cho nền thể thao nước nhà ở các giải đấu lớn khu vực và thế giới. Thành phố đã quy hoạch và đang xây dựng chiến lược cụ thể phát triển thể thao có tầm nhìn xa.  

Hà Nội đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có số lượng vận động viên năng khiếu, nghiệp dư và bán tập trung đạt khoảng 4.500 người, trong đó 1.100 vận động viên cấp cao. Số lượng huấn luyện viên các cấp đạt 850 người, số lượng trọng tài các cấp đạt 1.000 người. Với lực lượng vận động viên hùng hậu 3.500 người hiện nay, Hà Nội phấn đấu đến năm 2016 có 10 - 12 vận động viên tham dự và đạt huy chương tại Thế vận hội thể thao (Olympic) lần thứ 31 tổ chức tại Brazil, lần thứ 32 tổ chức tại Nhật Bản. Các kỳ Olympic tiếp theo, đến năm 2030 phấn đấu có 13 - 15 vận động viên tham dự và có trên 2 huy chương, trong đó có huy chương vàng.

 

Hà Nội dự kiến đến năm 2019 đóng góp 35-36% vận động viên cho đoàn Việt Nam và có 2 huy chương vàng tại Đại hội Thể thao châu Á (ASIAD) lần thứ 18; đảm bảo lực lượng nòng cốt của đoàn thể thao Việt Nam và đóng góp trên 30% tổng số huy chương vàng để đoàn Việt Nam giữ vững vị trí Top 3 khu vực Đông Nam Á. Hà Nội phấn đấu giữ vị trí thứ nhất toàn đoàn tại các kỳ Đại hội thể dục thể thao toàn quốc.

 

Trong chiến lược xây dựng và thực hiện kế hoạch phát triển các môn thể thao trọng điểm của thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, Hà Nội tập trung ưu tiên phát triển 20 môn là thế mạnh, gồm: điền kinh, thể thao dưới nước, cử tạ, taekwondo, vật, bắn súng, karatedo, bóng bàn, thể dục dụng cụ, đấu kiếm, bắn cung, đua thuyền rowing, canoeing & kayak, xe đạp, judo, boxing nữ, cầu lông, wushu, cầu mây, bóng đá, các môn thể thao có khả năng đạt huy chương tại các giải thi đấu quốc tế.

 

Thành phố tập trung đào tạo đội ngũ vận động viên thể thao tài năng, chú trọng các môn thể thao trọng điểm; đào tạo và phát triển các lớp vận động viên kế cận, có trình độ chuyên môn thành tích cao, có phẩm chất đạo đức tốt. Thành phố đổi mới cơ chế, nội dung tổ chức tuyển chọn và đào tạo tài năng thể thao thành tích cao theo hướng chuyên nghiệp; kết hợp đào tạo năng khiếu và rà soát lực lượng vận động viên ở các tuyến để kịp thời tuyển chọn, bổ sung cho lực lượng vận động viên đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng. Bên cạnh đó, ưu tiên đào tạo đội ngũ vận động viên tài năng các môn thể thao trọng điểm có tiềm năng với chế độ ưu tiên đặc biệt để hướng đến giành huy chương tại đấu trường ASIAD và Olympic.

 

Hà Nội giao các đơn vị nghiên cứu xây dựng ứng dụng quy trình khoa học trong các lĩnh vực như: phát hiện năng khiếu, tuyển chọn và đào tạo tài năng; ứng dụng khoa học công nghệ, y sinh cho công tác đào tạo vận động viên; điều trị chấn thương, phục hồi chức năng và phòng chống doping, giám định khoa học đối với quá trình huấn luyện vận động viên; xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý và thực hiện quản lý chế độ dinh dưỡng để không ngừng nâng cao thể lực, thể chất cho vận động viên; xây dựng dữ liệu về vận động viên kế cận và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về thông tin, khoa học, công nghệ, huấn luyện…

 

Xác định tầm quan trọng của c ơ sở hạ tầng, nơi tập luyện phát triển thể thao, thành phố tiến hành xây dựng, nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống sân vận động, nhà thi đấu theo quy hoạch phát triển thể dục thể thao đến năm 2020, định hướng năm 2030 và quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2050; tập trung ưu tiên cải tạo, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất Trung tâm đào tạo vận động viên cấp cao Mỹ Đình đồng thời xây dựng kế hoạch tập luyện, tập huấn, tổ chức giải và tham gia các giải trong nước và thế giới.

 

Thành phố đề ra 6 giải pháp chính, trong đó giải pháp quan trọng nhất là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với sự nghiệp phát triển thể thao; đổi mới chính sách đãi ngộ, ban hành những quy chế đặc thù cho vận động viên, huấn luyện viên đạt được nhiều thành tích; kết hợp hài hòa vinh danh động viên tinh thần và vật chất. Bên cạnh đó, đẩy mạnh chuyên nghiệp hóa, xã hội hóa; thực hiện lộ trình chuyên nghiệp hóa một số môn thể thao thành tích cao gắn với hoạt động kinh doanh giải trí; khuyến khích các đơn vị, tổ chức đầu tư cho thể thao; thí điểm chuyển giao một số hoạt động trong lĩnh vực thể thao thành tích cao cho các tổ chức xã hội và cơ sở ngoài công lập. Thành phố cũng mở rộng giao lưu, tăng cường hợp tác, vận động thu hút các nguồn tài trợ, các nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tư cho thể thao./.