Những năm gần đây bóng đá Việt Nam có những tiến bộ khá nhanh, từ chỗ chỉ ở mức trung bình đã vươn lên nhóm các nước dẫn đầu trong khu vực Đông Nam Á.
Kết quả đó là đáng ghi nhận, tuy nhiên để đánh giá cho đúng thực chất thì bóng đá Việt Nam chưa thể trở thành quốc gia hàng đầu khu vực như không ít người vẫn ngộ nhận. Vậy nên để ngõ hầu làm cho bóng đá nước nhà tiến bộ, hướng tới chiếm lĩnh đỉnh cao trong khu vực, trước hết chúng ta phải dũng cảm nhìn nhận khách quan và thừa nhận thực tế để tìm cách vươn lên.
Có thể lấy điểm mốc thăng hoa của bóng đá Việt Nam trên đấu trường Đông Nam Á là chiếc Huy chương Vàng tại giải vô địch Đông Nam Á (AFF Cúp) năm 2008, thì bóng đá Việt Nam vẫn chỉ luẩn quẩn ở khu vực thuộc nhóm thứ 2 mà thôi. Vậy mà không ít người hâm mộ, trong đó có cả các cơ quan truyền thông đã luôn quá lời khi cho rằng Việt Nam tham dự các giải bóng đá trong khu vực đều là ứng viên nặng ký cho chức vô địch. Rồi bất cứ trận đấu nào khi gặp Thái Lan đều cho rằng đây là cuộc thư hùng của 2 đại kình định với nhau… Những nhận định trên e là hơi lạc quan thái qua và không đúng thực chất. Ứng viên hàng đầu gì mà cho tới hơn nửa thế kỷ mới chỉ có 1 Huy chương Vàng? Đại kinh địch gì mà khi đội Việt Nam gặp đội Thái Lan ở mọi cấp độ tại các giải thi đấu chính thức, chiến thắng luôn thuộc về đối thủ ? Rồi còn các cầu thủ thì sao? Chính sự truyền thông khen ngợi thái quá đã làm cho họ ngộ nhận về tài năng, thậm chí coi mình là những ngôi sao khi chưa đủ tầm, dẫn đến lười biếng, thi đấu cá nhân, thiếu tính đồng đội; hoặc do tâng bốc quá lời, theo kiểu ghi bàn là những siêu phẩm, là Messi của Việt Nam… đã làm cho cầu thủ bị căng cứng khi thi đấu.
Với bóng đá chuyên nghiệp, nhất là các giải thi đấu quốc tế thành tích không chỉ nhờ niềm tin mà có. Vậy nên số đông người hâm mộ cho dù rất yêu mến và mong muốn đội tuyển bóng đá Việt Nam chiến thắng, nhưng đều rất đồng tình với HLV T. Miura khi ông chỉ nhận chỉ tiêu lọt vào bán kết và đã hoàn thành tại SEA Games 28. Đây chính là một cách nhìn nhận đúng thực chất về thực lực của bóng đá Việt Nam.
Một vài nhận định nêu trên để nhận rõ rằng bóng đá Việt Nam thực chất đang ở đâu trên bản đồ bóng đá Đông Nam Á? Trước hết tại khu vực vùng trũng của bóng đá thế giới (Đông Nam Á) này, Thái Lan là đội bóng hàng đầu, ở một đẳng cấp cao hơn hẳn các quốc gia còn lại. Thái Lan trên thực tế đã có thành tích ở tầm châu Á khi họ thi đấu khá thành công tại các giải do châu Á tổ chức. Tất cả các đội bóng thuộc châu Á khi gặp Thái Lan đều phải kiêng dè, không bao giờ dám đánh giá thấp các đội bóng của Thái Lan. Tại Đông Nam Á, Thái Lan cũng là quốc gia có thành tích nhất khi luôn đoạt chức vô địch tại các giải bóng đá do Đông Nam Á tổ chức. Thực tế hiện nay, bóng đá Thái Lan không có đối thủ trong khu vực này mà họ đang hướng tới, tiến lên lọt tốp các quốc gia hàng đầu về bóng đá của châu Á.
Còn Việt Nam, nhờ có những tiến bộ khá nhanh trong khoảng hơn 15 năm qua, nay đang ở nhóm các nước xếp thứ 2 tại khu vực gồm: Việt Nam, Malaysia, Indonesia, Myanmar, Singapore. Các nước còn lại trong khu vực có nền bóng đá quá yếu, chưa có khả năng tạo nên thành tích tại khu vực. Khi tham dự các giải bóng đá do Đông Nam Á tổ chức, nếu có Thái Lan tham gia thì họ sẽ dành chức vô địch nếu họ muốn và các nước còn lại như Việt Nam, Malaysia, Singapore, Myanmar, Indonesia chỉ đua tranh để có vị trí thức nhì đã là thành công mỹ mãn.
Nêu nên thực tế để thấy rằng: Sẽ còn rất xa để bóng đá Việt Nam là kình địch thực sự của Thái Lan và cũng còn rất nhiều chông gai mà Việt Nam cần vượt qua để là quốc gia hàng đầu về bóng đá trong khu vực Đông Nam Á, bởi ta tiến, bạn cũng tiến. Thấy khó khăn như vậy để những người có trách nhiệm về thể thao nói chung, bóng đá nói riêng sớm tìm ra lối đi nhanh nhất cho sự phát triển bóng đá - môn thể thao được nhiều người ưa thích nhất hiện nay.