Hy vọng vào một kỳ đại hội thành công

17:44, 06/06/2016

"Có thể thấy rõ sự hài lòng của các đại biểu tham gia hội nghị trưởng đoàn Đại hội (ĐH) Thể thao bãi biển Châu Á lần thứ 5 (ABG 5) đối với công tác chuẩn bị của nước chủ nhà Việt Nam.

Với sự nỗ lực vào cuộc của các cơ quan hữu quan, tôi rất tin tưởng vào sự thành công của ABG 5, góp phần quảng bá hình ảnh và thúc đẩy phát triển du lịch biển ở Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung" - Tổng Thư ký Ủy ban Olympic Việt Nam Trần Văn Mạnh chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới.

 

ABG là một trong những ĐH thể thao lớn nhất Châu Á, do Hội đồng Olympic Châu Á (OCA) sáng lập, diễn ra lần đầu tiên vào năm 2008, tại Bali (Indonesia). ĐH được tổ chức theo chu kỳ 2 năm/lần và Việt Nam được trao quyền đăng cai ABG 5 năm 2016.

 

ABG 5 sẽ diễn ra từ ngày 24-9 đến 3-10-2016 với sự tham dự của khoảng 5.000 VĐV, HLV, quan chức thể thao, trọng tài… thuộc 45 đoàn thể thao của các quốc gia và vùng lãnh thổ Châu Á, tranh tài ở 14 môn thi đấu với 22 phân môn và 172 bộ huy chương. Quy mô và tầm vóc của ĐH cho thấy thách thức không nhỏ đối với nước chủ nhà để có thể tổ chức một kỳ ABG 5 thành công, nhưng cũng đồng thời mở ra cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến các quốc gia, vùng lãnh thổ trong châu lục, qua đó phát triển du lịch biển của nước nhà. Bà Nguyễn Tuyết Hoa - đại diện Tiểu ban Thông tin - Truyền thông ĐH cho biết: "Qua bốn lần khảo sát, lãnh đạo OCA đều đánh giá rất cao khả năng tổ chức ĐH thành công của nước chủ nhà Việt Nam. Bờ biển Đà Nẵng có những bãi cát dài, rộng, thoải, thực sự lý tưởng cho việc tổ chức thi đấu các môn thể thao bãi biển".

 

Mới đây, chia sẻ với báo giới, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao Trần Đức Phấn bày tỏ sự lo ngại về kinh phí tổ chức ĐH. Tuy nhiên, đến thời điểm này, mọi việc đã ổn thỏa. Ông Trần Văn Mạnh xác nhận: "Chúng tôi được ủy quyền báo cáo mọi vấn đề về công tác tổ chức ĐH. Đến giờ, có thể khẳng định rằng, mọi khâu tổ chức của nước chủ nhà đều diễn ra đúng tiến độ, đúng kế hoạch đề ra.

 

Được sự chỉ đạo nhất quán của Chính phủ, mọi khó khăn về tài chính đều đã được tháo gỡ. Điều khiến tôi lo nhất lúc này chính là việc nắm lịch đăng ký ăn, ở, đi lại của các đoàn trong thời gian diễn ra ĐH. Ủy ban Olympic Việt Nam sẽ phải là kênh liên lạc thông tin sâu sát nhất với các quốc gia và vùng lãnh thổ trong châu lục, bởi càng sớm nắm chắc thông tin này thì công tác chuẩn bị đón tiếp của nước chủ nhà càng chu đáo, an toàn và tránh được sự lãng phí".

 

Việc đăng cai tổ chức thành công ABG 5 có ý nghĩa rất lớn trong quảng bá du lịch, phát triển các môn thể thao và kinh tế biển. Đã có những dấu hiệu rất rõ cho thấy giá trị này, như chia sẻ của Tổng Thư ký Trần Văn Mạnh: "Qua phiên họp trưởng đoàn vừa rồi, rất nhiều đại biểu đã đề nghị Ủy ban Olympic Việt Nam lùi lịch về, bởi họ muốn tới T.P Hồ Chí Minh, Hà Nội để tham quan. Trước khi đến Việt Nam, nhiều đại biểu mà tôi quen đã bày tỏ sự lo lắng. Nhưng khi đến rồi thì họ thực sự hài lòng về công tác đón tiếp, sự thuận tiện, thoải mái và vẻ đẹp thanh bình ở Việt Nam. Nhiều quan chức khẳng định rằng họ sẽ đưa cả gia đình sang Việt Nam du lịch. Tôi nghĩ, đó là những giá trị rất thực chứ không chỉ là sự quảng bá chung chung".

 

Sau phiên họp, các đại biểu đã khảo sát các địa điểm thi đấu tại Đà Nẵng và đều bày tỏ sự hài lòng. Có 4 khu vực thi đấu, bao gồm Công viên Biển Đông (nơi diễn ra lễ khai mạc, bế mạc, các môn bóng đá, kabadi, thể hình, bóng rổ, muay, võ cổ truyền, vật, sambo, jujitsu, kurash, vovinam, pencak silat, bơi marathon, rowing ven biển và bóng nước); bãi biển Mỹ Khê (bóng chuyền, bóng ném, cầu mây); Khu Dự án Phương Trang (đá cầu và bi sắt); bãi tắm Sơn Thủy (điền kinh, bóng gỗ).