Được mùa huy chương

09:02, 23/08/2016

Trung tuần tháng Tám, Trung tâm Thể dục Thể thao tỉnh (Trung tâm) tiễn chân Đội bóng đá nữ TNG Thái Nguyên, vào T.P Hồ Chí Minh thi đấu lượt về Giải vô địch bóng đá nữ Quốc gia cúp Thái Sơn Bắc năm 2016. Trước giờ trái bóng lăn, cũng là lúc đội ngũ cán bộ, HLV, VĐV của Trung tâm có chút thảnh thơi bên đài tập, cùng nhìn lại mình ở những mùa giải đã qua.  

Ông Nguyễn Thế Hảo, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm tự hào: Ở những mùa giải gần đây, mỗi lần xuất quân đi thi đấu, là có tin chiến thắng báo về. Nhiều bộ môn như Bóng chuyền nữ, “xưa” chỉ dừng ở vòng loại. Nhưng năm nay, Bóng chuyền nữ lọt vào vòng Bán kết, tranh Cup Vô địch Quốc gia. Đội bóng đá nữ TNG Thái Nguyên lượt đi năm 2016 xếp thứ 4/8 đội, sau Hà Nội 1; Phong Phú Hà Nam và T.P Hồ Chí Minh 1. Còn hầu hết các bộ môn khi được cử đi thi đấu, đều có huy chương. Thậm chí là được mùa huy chương.

 

Có người bảo: Làm thể thao cũng giống việc nhà nông. Phải làm đất, gieo trồng, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh hại thật chu đáo thì mới được gặt hái thành quả. Ví như thế cũng bởi các VĐV cũng… từ nông dân mà ra. “Họ” được lựa chọn từ phong trào thể thao quần chúng, hoặc được cán bộ chuyên môn phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo, huấn luyện và bước vào mùa đấu để thỏa sức bộc lộ tài năng. Điển hình như Vũ Thị Hương (Điền kinh), Nguyễn Ngọc Thành (Karatedo), Nguyễn Thị Hằng (Vật nữ)… Nhiều VĐV Thái Nguyên đã tỏa sáng trong làng thể thao các nước trong khu vực và thế giới. Mới đây, Nguyễn Thị Ngân, VĐV bộ môn đua thuyền đã giành được 1 Huy chương Vàng cự ly 500m C2; 1 Huy chương Đồng cự ly 500m C4 giải “Canoeing Cup Thế giới” tại Pháp. Ông Phạm Ngọc Quang, Phó Giám đốc Trung tâm cho chúng tôi biết thêm tin vui: Trong tháng Bảy, Trung tâm cử VĐV tham gia 8 giải đấu, trong đó 6 giải toàn quốc, 1 giải thể thao sinh viên Đông - Nam Á và 1 giải Đại hội Thể thao thanh, thiếu niên châu Á. VĐV Thái Nguyên đã giành được 44 huy chương các loại, trong đó có 14 Huy chương Vàng, 16 Huy chương Bạc và 14 Huy chương Đồng.

 

Có thể nói, trong lịch sử thể thao thành tích cao Thái Nguyên, các thế hệ làm công tác thể thao đã bắt đầu gây dựng từ không đến có. Năm 1985 (khi đó là tỉnh Bắc Thái), tham gia Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ I, tuyển Bắc Thái không có huy chương. 10 năm sau, tại Đại hội III năm 1995, tuyển Bắc Thái giành được 1 Huy chương Đồng duy nhất, đứng thứ 47/56 đoàn tham gia. Đến năm 2005, tại Đại hội thể dục thể thao toàn quốc, tuyển Thái Nguyên giành được 65 huy chương các loại, trong đó có 16 Huy chương Vàng, 16 Huy chương Bạc và 33 Huy chương Đồng, xếp thứ 7/67 đoàn tham gia.

 

Trong các nghiệp, có lẽ thể thao là nghiệp khắc nghiệt, chịu nhiều áp lức nhất. Trước mỗi mùa giải, Ban Giám đốc Trung tâm, các HLV, VĐV đều mong muốn giành được thành tích cao nhất, hoặc chí ít là giữ được phong độ như trước đó. Nhưng từ sau năm 2005, thể thao thành tích cao của tỉnh bắt đầu trượt dài trên con dốc xuống hạng. Điều đó bộc lộ rõ ràng nhất tại Đại hội VI năm 2010, tuyển Thái Nguyên xếp thứ 26 toàn đoàn. Nhưng được sự quan tâm của các cấp, ngành, đội ngũ cán bộ Trung tâm. Trung tâm được kiện toàn nhanh chóng ổn định trở lại. Cán bộ, HLV yên tâm gắn bó, VĐV lấy lại được phong độ thi đấu. Minh chứng là trong 6 tháng đầu năm 2016, Trung tâm có VĐV tham gia thi đấu tại 11 giải toàn quốc; 1 giải Cup Đua thuyền thế giới; 1 giải Karatedo Việt Nam mở rộng. VĐV của Trung tâm giành được tổng số 92 huy chương các loại, nhiều hơn so với cùng kỳ năm trước 47 huy chương, trong đó có 18 Huy chương Vàng, 34 Huy chương Bạc, 40 Huy chương Đồng. (Huy chương Vàng tăng 15 chiếc; Huy chương Bạc tăng 18 chiếc, Huy chương Đồng tăng 14 chiếc). Cùng thời gian này, Tuyển Thái Nguyên giành 2 Cờ Ba toàn đoàn, 15 VĐV đạt kiện tướng; 18 VĐV đạt cấp I Quốc gia, Trung tâm cung cấp cho Đội tuyển Quốc gia 12 VĐV.

 

Ngồi trà nước ở Phòng Nghiệp vụ, nghe chuyện gặt hái huy chương của các VĐV, chúng tôi biết: Hiện Trung tâm đang đào tạo, huấn luyện VĐV thành tích cao để cử tham gia thi đấu giải quốc gia ở các bộ môn: Bóng đá nữ, Bóng chuyền nữ, Wushu tán thủ, Vật nam, Vật nữ, Cử tạ, Điền kinh, Karatedo, Taekwondo, Boxing, Quần vợt, Đua thuyền. Thầy - trò ở hầu hết các bộ môn đều đang tập luyện trong điều kiện… Vậy nhưng giữa HLV - VĐV các bộ môn luôn có sự hợp tác tốt trong tập luyện và tham gia thi đấu hết mình.

 

Trong thể thao, để giành được vinh quang, chúng tôi biết đội ngũ cán bộ lãnh đạo, trực tiếp là anh chị em HLV, VĐV ở Trung tâm phải đổ rất nhiều mồ hôi, nước mắt và sự hy sinh thầm lặng. Nhưng tất cả đã vượt lên mọi nghiệt ngã và áp lực của nghề để gặt hái được thành tích cao nhất trong thi đấu. Cụ thể với điều kiện chế độ đãi ngộ của Nhà nước dành cho HLV, VĐV còn hạn chế như hiện nay (60.000 đồng/người/ngày), thì sức mạnh của VĐV trong thi đấu không đơn thuần là chế độ dinh dưỡng, mà ở tinh thần đoàn kết nội bộ, sự công bằng, minh bạch, dân chủ và tình cảm của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, HLV dành cho VĐV kịp thời, đúng lúc.