Người đứng sau những tấm huy chương

10:26, 17/08/2016

Sau khi giành được huy chương trên đấu trường trong nước, khu vực và quốc tế, một số vận động viên (VĐV) của tỉnh mắc chứng bệnh “ngôi sao”, tìm đến với lời mời được trả lương cao hơn. Nhưng không phải VĐV nào cũng vậy, phần lớn họ vẫn giữ được nếp sống giản dị, chân tình với đồng đội và có nguyện vọng được tiếp tục cống hiến cho quê hương. Trong số đó có chị Nguyễn Thị Hằng, huấn luyện viên (HLV) bộ môn Vật nữ, Trung tâm Thể dục thể thao tỉnh (Trung tâm).

Chị Hằng kể: Tôi rất thích môn Điền kinh, liên tục 3 năm tham gia Hội khỏe Phù Đổng các trường PTTH, tôi đều đoạt giải cao. Năm 2002, biết Trường Năng khiếu TDTT tỉnh tuyển học sinh năng khiếu cho bộ môn Vật nữ, tôi đã đạp xe từ nhà mình ở xóm Đảng, xã Dương Thành (Phú Bình) lên Trường để xin thử năng khiếu. Tôi đã dễ dàng vượt qua các “thử thách”, trở thành học sinh của Trường. Năm đó, tôi mới 17 tuổi. Bố mẹ hay chuyện, bực lắm, bảo: Con gái thiếu gì môn thể thao phù hợp mà lại chọn môn “Vật vã”. Nhưng biết không “lay chuyển” được sự đam mê của con gái, các cụ đành chiều lòng để con gái theo nghiệp.

 

Vừa học văn hóa, vừa học năng khiếu và tham gia một số giải trong nước và các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, Hằng liên tục giành được thành tích trong thi đấu, được các HLV của bộ môn đánh giá là VĐV có nhiều triển vọng. Chính vì thế, ngay sau tốt nghiệp THPT, Hằng được Trung tâm tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện và nhanh chóng trở thành một VĐV ở đẳng cấp cao. Hằng mộc mạc: VàoTrung tâm, chỉ có gần 3 năm tham gia thi đấu (2004-2006), song tôi đã giành được rất nhiều huy chương ở các giải vô địch quốc gia và quốc tế: Huy chương Đồng châu Á tổ chức tại Hàn Quốc (2005); Huy chương Bạc tại Segames 23 tổ chức tại Philippines và Huy chương Bạc giải vô địch thế giới tổ chức ở Nga. Từ những thành tích này, tôi được Tổng cục TDTT và UBND tỉnh Thái Nguyên tặng nhiều Bằng khen.

 

Hằng đã khép lại sự nghiệp của một nữ đô vật khi tuổi đời sung mãn nhất (21 tuổi). Người có kinh nghiệm bảo Hằng biết dừng đúng lúc. Nhưng Hằng mộc mạc nói: Vì tiếng gọi của tình yêu, tôi cần có một gia đình hạnh phúc… Năm 2006, Hằng lấy chồng. Chồng của Hằng là đô vật Phan Thanh Định. Anh Định là giáo viên bộ môn Vật của Trường năng khiếu TDTT tỉnh, đồng thời là người thầy đầu tiên hướng dẫn cho Hằng những “ngón nghề” cũng như kinh nghiệm khi bước vào thảm đấu. Hằng bảo: Phía sau những thành tích tôi giành được, đều có mồ hôi của anh Định. Anh luôn bên tôi những khi khó khăn nhất.

 

Sau ngày cưới, chị Hằng được Trung tâm giao nhiệm vụ làm HLV bộ môn Vật nữ. Ở vị trí này, chị có điều kiện để cống hiến tài năng, kinh nghiệm thi đấu của mình cho lớp sau thông qua công tác huyến luyện. Và dù không đăng đài thi đấu, nhưng hằng ngày chị vẫn gắn bó với thảm tập, hướng dẫn cho VĐV các động tác kỹ thuật căn bản của bộ môn vật. Chị Hằng tâm sự: So với chị em khác trong nghề, tôi có nhiều thuận lợi hơn, vì chồng là HLV bộ môn vật tuyến dưới (Trường Năng khiếu TDTT), nên tôi luôn nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của chồng về chuyên môn. Nhiều khi vợ chồng còn trao đổi, sáng tạo thêm một số đòn mới, thực nghiệm, thấy hiệu quả mới đưa vào truyền dạy cho VĐV.

 

Trong điều kiện tập luyện khó khăn, như địa điểm tập luyện hằng ngày cho VĐV chưa ổn định, trang thiết bị phục vụ tập luyện thiếu, chế độ dinh dưỡng hạn chế… đã ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý tập luyện cũng như chất lượng thi đấu của VĐV. Để các VĐV yên tâm, gắn bó với bộ môn, chị Hằng luôn gần gũi, chia sẻ, động viên chị em sống đoàn kết, thương yêu nhau như người một nhà, khắc phục khó khăn, cùng công phu tập luyện để khẳng định năng lực của mình ở trường đấu. Nữ VĐV kiện tướng Phùng Thị Huệ cho biết: Tôi vào bộ môn Vật của Trung tâm từ năm 2009. Tôi cũng như các bạn của mình, coi chị Hằng là một người thầy, người chị và là người bạn tri ân, tri kỷ. Cuộc sống mỗi ngày, gặp việc gì khó cũng xin chị cho ý kiến. Nhiều VĐV mới về Trung tâm, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn đã được chị đùm bọc như ruột thịt.

 

Ông Nguyễn Thế Hảo, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm cho biết thêm: Dưới sự dẫn dắt của HLV Nguyễn Thị Hằng, bộ môn Vật nữ của Trung tâm ngày một thêm trưởng thành. Hiện, bộ môn Vật này có 19 VĐV, trong đó 5 VĐV cấp kiện tướng là Phùng Thị Huệ, Nguyễn Hồng Thúy, Đặng Thị Khánh, Lương Thị Mão, Dương Thị Loan. Ngoài ra còn có 3 VĐV cấp I. Từ nhiều năm nay, Vật nữ Thái Nguyên đã xuất quân là có huy chương. Gần đây nhất, năm 2015, Vật nữ Thái Nguyên tham gia các giải toàn quốc giành 28 huy chương các loại, trong đó có 3 Huy chương Vàng, 6 Huy chương Bạc, 17 Huy chương Đồng và 1 giải Nhì toàn đoàn. 7 tháng đầu năm 2016, tham gia thi đấu tại các giải toàn quốc, Vật nữ của Trung tâm giành 32 huy chương các loại, trong đó có 6 Huy chương Vàng, 10 Huy chương Bạc, 16 Huy chương Đồng và 2 lần xếp thứ Ba toàn đoàn. Cũng trong những tháng đầu năm nay, VĐV của bộ môn tham gia thi đấu các giải châu Á, Đông Nam Á giành được 9 huy chương các loại, trong đó có 6 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc và 2 Huy chương Đồng.

 

Điển hình là VĐV Lục Lệ Giang, mới vào bộ môn từ năm 2014, nhưng Giang đã giành được khá nhiều huy chương, chỉ riêng 7 tháng đầu năm 2016, Giang giành 2 Huy chương Vàng giải vô địch Quốc gia; 2 Huy chương Vàng giải vô địch Đông Nam Á; 1 Huy chương Vàng giải vô địch châu Á. Hiện, Giang và 4 nữ VĐV của bộ môn được tuyển quốc gia triệu tập, thi đấu các giải ngoài nước.

 

Bên thảm tập được mượn nhờ của Trường Năng khiếu TDTT tỉnh, chị Hằng ân cần chỉ bảo cho các nữ VĐV từng động tác kỹ, chiến thuật thi đấu, những “ngón nghề bí truyền” chị có. Để mỗi lần học trò của mình bước lên bục danh dự nhận huy chương, chị lặng lẽ đứng ở hậu đài, xúc động, giấu đi giọt nước mắt của niềm vui chiến thắng.