Góp phần phát triển phong trào thể dục - thể thao

16:42, 10/03/2017

Nhiều năm nay, bóng bàn Thái Nguyên gặp khó khăn trong việc phát triển vận động viên (VĐV) thành tích cao do thiếu nguồn nhân lực và thiếu đầu tư. Thế nhưng, ở mảng phong trào, bộ môn này đã và đang có những chuyển biến tích cực với sự ra đời của nhiều câu lạc bộ (CLB), các giải đấu phong trào theo phương thức xã hội hóa.

Trước đây, bộ môn này đã từng được ngành thể dục thể thao (TDTT) tỉnh đầu tư, huấn luyện các lứa VĐV trẻ, song, bóng bàn vẫn chưa từng được xem là môn thể thao mũi nhọn, chỉ duy trì đào tạo ở hệ nghiệp dư.

 

Vì một số lý do về cơ chế, từ năm 2011, bóng bàn bị loại khỏi các môn thể thao được đầu tư, đào tạo tại Trường Phổ thông Năng khiếu - TDTT tỉnh. Điều này khiến đội ngũ VĐV kế cận đã hiếm lại càng thêm mai một. Cùng với đó, các địa điểm tập luyện môn bóng bàn không có nhiều cũng là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến phong trào. Theo xu hướng, nhiều bạn trẻ, cán bộ công chức, viên chức, lao động đón nhận nhiều môn thể thao khác như quần vợt, cầu lông, bóng đá mini… khiến số lượng VĐV môn bóng bàn bị chi phối.

 

Tuy nhiên, khoảng 5 năm trở lại đây, sân chơi bóng bàn đã có những chuyển biến tích cực. Nhiều CLB được mở ra đã góp phần tạo sức lan tỏa sâu rộng, thu hút lượng người tham gia ngày càng đông. Trong đó, điểm nhấn là sự ra đời của các CLB tư nhân, tự phát do những người yêu thích bộ môn này. Có mặt tại CLB Bảo An, tổ 7, phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) vào một buổi chiều, dễ dàng nhận thấy không khí tập luyện, thi đấu sôi động với những tiếng hò reo, cổ vũ rộn ràng cả một góc phố. Chủ nhân CLB là anh Nguyễn Thế Anh, một VĐV có thứ hạng trong tỉnh. Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học TDTT Bắc Ninh chuyên ngành Bóng bàn, năm 2016, anh bỏ ra hơn 120 triệu đồng thuê mặt bằng, đầu tư xây dựng nhà tập, bàn bóng để thành lập CLB. CLB có diện tích gần 200m2, với 4 bàn bóng, hệ thống ánh sáng, cơ sở vật chất đầy đủ, đảm bảo tiêu chuẩn thi đấu. Anh cho biết: “CLB hiện có trên 30 người. Đảm nhiệm việc hướng dẫn kỹ thuật cho các hội viên ngoài tôi còn có thêm vài anh em nữa đều là những người chơi bóng lâu năm, từng đạt thành tích cao tại các giải bóng bàn phong trào. Bên cạnh tập luyện thường ngày, trong năm, CLB còn tổ chức các giải đấu nội bộ, giao hữu giữa các tay vợt trong và ngoài tỉnh”.

 

Cách CLB Bảo An chừng 300m, trên địa bàn tổ 8, phường Phan Đình Phùng là địa điểm của CLB Bóng bàn Đức Quang. Được thành lập từ đầu năm 2014 với 3 bàn bóng, CLB này cũng thu hút 24 thành viên tham gia thường xuyên. Ngoài duy trì tập luyện, chủ nhiệm CLB, anh Tống Đức Quang còn tổ chức các lớp đào tạo VĐV lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng và những người có nhu cầu tập luyện. Mỗi dịp hè, CLB của anh thu hút khá đông em nhỏ theo học.

 

Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh hiện có trên 120 địa điểm chơi bóng bàn. Trong đó, T.P Thái Nguyên là nơi tập trung nhiều nhất với hơn 40 bàn. Tại các huyện, thành, thị khác, nhiều điểm chơi bóng ở các cơ quan, đơn vị, xã, phường, thị trấn hay các tổ dân phố, xóm mở ra ngày càng nhiều. Mỗi địa điểm, CLB thu hút khoảng 15-30 người tập luyện thường xuyên. Bên cạnh đó, một số người đam mê, có kinh nghiệm, kỹ năng tốt đã thành lập các điểm, nhóm để dạy bóng bàn cho trẻ em và người có nhu cầu học, thu hút một lượng lớn người tham gia tập luyện.

 

Những năm gần đây, ngoài các giải đấu do ngành TDTT hay Liên đoàn Bóng bàn tỉnh tổ chức, các giải đấu phong trào theo phương thức xã hội hóa đang dần nở rộ. Một trong những nhân tố góp phần thúc đẩy các giải đấu này là sự tham gia tích cực của các thành viên Hội Bóng bàn Thái Nguyên. Hội gồm tập hợp những người có cùng đam mê, sở thích và tâm huyết với phong trào bóng bàn tỉnh nhà do anh Trần Đức Quỳnh, Ủy viên Ban Chấp hành Liên đoàn Bóng bàn tỉnh, Chủ nhiệm CLB Giấy Xuất khẩu đứng ra thành lập vào tháng 6 năm 2013. Từ khi thành lập, Hội đã tổ chức hàng chục giải đấu dành cho người chơi ở nhiều lứa tuổi, trình độ tham gia với phương thức xã hội hóa. Nhờ cách tổ chức quy củ, công khai tài chính rõ ràng, Hội đã tạo được uy tín trong giới bóng bàn sau nhiều năm hoạt động. Hiện, Hội Bóng bàn Thái Nguyên duy trì tổ chức nhiều giải đấu thường niên như: Giải chào Xuân, Giải các tay vợt mạnh trong tỉnh, Giải Thái Nguyên Premiership…

 

Có thể nói, phong trào bóng bàn Thái Nguyên đã và đang có nhiều khởi sắc, tuy còn nhiều khó khăn nhưng so với một số môn được tỉnh đầu tư hiện nay như vật, cờ vua hay một số môn võ, bóng bàn vẫn có lợi thế hơn ở nền tảng phong trào. Bên cạnh đó, qua các diễn đàn dành cho người chơi bóng bàn trên mạng, dễ nhận thấy vẫn còn rất nhiều người trăn trở, tâm huyết và sẵn sàng đóng góp cho sự phát triển chung. Vì vậy, thiết nghĩ, để phong trào bóng bàn phát triển sâu rộng, rất cần sự quan tâm, vào cuộc nhiều hơn nữa từ các cấp, các ngành và địa phương.