Quan tâm đúng mức đến phong trào võ thuật trong các trường đại học

17:21, 19/03/2017

Võ thuật từ xưa đã được biết đến là  là vũ khí chống ngoại xâm của cha ông, là công cụ rèn luyện sức khỏe một cách tích cực, là phương thức giáo dục nhân cách. Vì vậy, học võ không chỉ là học cách tự vệ mà còn là lĩnh hội “đạo làm người” và những giá trị tinh thần quý báu.  

Trong cuộc sống hiện đại, bên cạnh những dịch vụ y tế giúp con người đảm bảo sức khỏe thì thể dục, thể thao và lối sống lành mạnh là giải pháp củng cố sức khỏe, phát triển hài hoà cơ thể và phòng chống bệnh tật. Hiểu được điều đó, tất cả những trường đại học, cao đẳng khi thành lập đều quan tâm phát triển giáo dục thể chất cho sinh viên. Nhiều bài tập thể chất, môn thể thao được nghiên cứu thành môn học, đồng thời cơ sở vật chất cũng được đầu tư phục vụ cho quá trình rèn luyện.

 

Tuy nhiên, không phải môn thể thao nào trong chương trình cũng phù hợp với 100% sinh viên. Vấn đề sức khỏe luôn là cản trở lớn nhất, đa số sinh viên “trượt” môn học do thể trạng không đáp ứng được yêu cầu thiết yếu. Hơn nữa, sự mất cân đối trong phân chia thời lượng khiến thời gian rèn luyện thể chất bị co hẹp, chương trình xuất hiện nhiều bất cập trong phương pháp giảng dạy nên không đạt hiệu quả. Việc đưa giáo dục thể chất vào chương trình học tuy làm sinh viên quan tâm hơn đến việc rèn luyện nhưng lại dẫn đến hệ lụy là việc học chống đối, học vì điểm và nguy hiểm hơn là xuất hiện tư tưởng “mua điểm” khi thi không đạt. Các trường đại học, cao đẳng là nơi đào tạo ra nguồn nhân lực cung ứng cho xã hội, những tồn tại này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thế hệ làm chủ tương lai đất nước.

 

Qua khảo sát tại một số trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, nhiều câu lạc bộ võ thuật được các võ sư đứng ra thành lập ngày càng nhiều và có vai trò như một giải pháp giúp các bạn sinh viên có thể luyện tập, thư giãn thoải mái sau những giờ học tập căng thẳng. Điển hình là các CLB của võ sư Dương Cảnh Đức tại Đại học Sư Phạm, Đại học Nông Lâm của võ sư Trần Quý Kiên, Phạm Viết Phương và CLB tại Đại học Công nghệ Thông tin của võ sư Nguyễn Hải Dương... Đây là hình thức thể thao mới mẻ bên cạnh môn giáo dục thể chất truyền thống.

 

Trao đổi với chúng tôi, võ sư Vũ Thái Hùng, Ủy viên Ban Chấp hành liên đoàn Taekwondo Việt nam, hiện đang phụ trách huấn luyện cho CLB Đại học Khoa Học và Cao đẳng nghề số 1 cho biết: “ Hiện nay, trong các trường đại học, cao đẳng của tỉnh có hơn 10 CLB võ thuật đang hoạt động, thu hút gần 700 trăm sinh viên thường xuyên tham gia tập luyện, mỗi CLB luôn duy trì số lượng học viên từ 30 - 50 người”.

 

Theo ông, võ thuật là một môn thể thao đa dạng, đa năng, phong phú, vận động điều hòa giúp cơ thể linh hoạt, nâng cao khả năng phản xạ tự nhiên nên rất hữu ích cho sự phát triển cơ thể. Khác với các môn thể thao trong chương trình giáo dục thể chất hiện nay như chạy, nhảy, bóng chuyền, cầu lông… được lặp đi lặp lại hết cấp học nọ đến cấp học kia, lại ít được tạo điều kiện và trang bị kỹ thuật cũng như thiếu đội ngũ giảng viên có chuyên môn cao để nâng cao trình độ. Kết quả làm người học nhàm chán, không có tác dụng rèn luyện tích cực. Hơn nữa, ngoài chức năng luyện tập sức khỏe, thể chất, võ thuật còn có chức năng thi đấu, biểu diễn như tất cả các bộ môn thể thao khác, học viên tùy theo thể trạng có thể lựa chọn hình thức học tập phù hợp với mình, góp phần vào sự phát triển thể thao tỉnh nhà. Qua tìm hiểu, trong hơn 15 năm giảng dạy và làm huấn luyện viên đội tuyển Taekwondo của tỉnh, Võ sư Vũ Thái Hùng đã đào tạo nhiều học trò xuất sắc, tiêu biểu là Nguyễn Thanh Thảo - người từng đạt Huy chương bạc Taekwondo giải Olympic trẻ quốc tế năm 2010, huy chương vàng tiền SEA games 25 cùng nhiều danh hiệu cấp quốc gia và CLB...

 

Quan trọng hơn, CLB võ thuật không chỉ là một võ đường mà còn là một “đạo đường”, là nơi duy trì truyền thống tôn sư trọng đạo, nền nếp, kỷ cương… là những phẩm chất quý báu đang dần mai một ở các đoàn thể hay giảng đường. Võ thuật không dừng lại ở rèn luyện sức khỏe mà luôn vươn tới mục đích cao hơn là “võ đạo”, giúp hoàn thiện phẩm chất đạo đức, phong cách sống.

 

Mặc dù có vai trò quan trọng nhưng trong quá trình hoạt động, những CLB này còn gặp không ít khó khăn. Trong đó, vấn đề nhận thức vẫn là gốc rễ của những cản trở với sự phát triển của các CLB, nhiều người quan niệm võ thuật gắn liền với bạo lực, học võ là học gây rối. Từ suy nghĩ đó, nhiều CLB chưa được nhà trường quan tâm đúng mực, cơ sở vật chất, phòng tập chuyên dụng chưa được chú ý đầu tư, đa phần do CLB tự túc.

 

Vì vậy, nếu võ thuật được quan tâm phát triển đúng mức, đúng thời điểm trong các trường đại học, cao đẳng thì đây không chỉ là nơi đào tạo tri thức, mà còn là nơi các thế hệ tương lai của đất nước rèn luyện và hoàn thiện cả về thể chất lẫn tinh thần, đạo đức, tạo điều kiện thuận lợi cho việc học tập đạt hiệu quả nâng cao khả năng tự phòng và tự vệ trước mọi tình huống nhằm phục vụ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.