Những năm gần đây, việc nở rộ các giải đấu theo hình thức xã hội hóa đã góp phần thúc đẩy phong trào bóng bàn tỉnh nhà phát triển. Trong đó, Giải Bóng bàn Thái Nguyên Premiership (Giải các câu lạc bộ bóng bàn Thái Nguyên) đã và đang khẳng định cách làm hiệu quả, tạo sân chơi bổ ích, kết nối niềm đam mê giữa những người chơi bộ môn này.
Manh nha ý tưởng thành lập một giải đấu có tính chất chuyên nghiệp, bài bản từ lâu, một số người tâm huyết với phong trào bóng bàn tỉnh nhà đã cùng nhau họp bàn, lên kế hoạch kỹ lưỡng để hình thành giải đấu. Đến tháng 5-2016, giải bóng bàn Premiership năm thứ nhất chính thức được tổ chức. Vượt qua những khó khăn, trở ngại về kinh phí, kinh nghiệm lần đầu tổ chức, mùa giải đầu tiên đã thành công ngoài sự mong đợi. Cùng với đó là sự ủng hộ nhiệt tình của những người yêu thích bóng bàn, các câu lạc bộ mạnh trong tỉnh như: Giấy xuất khẩu, Bảo An, Đức Quang, Dược Á châu, Việt Ý (T.P Thái Nguyên)… đã góp phần làm nên thành công của giải.
Tiếp nối thành công đó, giải năm nay, số lượng các đội và vận động viên tham dự đã tăng lên đáng kể. Hiện, Giải Bóng bàn Thái Nguyên Premiership lần thứ 2 năm 2017 đang diễn ra với sự tham gia của 130 vận động viên và 18 câu lạc bộ trong và ngoài tỉnh (so với 80 vận động viên và 12 câu lạc bộ trong năm đầu tiên). Với hình thức tổ chức chặt chẽ, điều lệ và lịch thi đấu cụ thể, rõ ràng, các đội thi đấu theo thể thức đồng đội (chia thành 2 hạng A-B và hạng C), đánh vòng tròn tính điểm lượt đi, lượt về trên sân nhà và sân khách. Các vòng đấu diễn ra từ tháng 6 đến hết thàng 12 vào các ngày thứ bảy, chủ nhật trong tuần. Bên cạnh đó, điểm cá nhân của các vận động viên cũng được tính qua mỗi trận để lựa chọn thi đấu đơn vào cuối mùa giải.
Anh Trần Đức Quỳnh, Trưởng ban Tổ chức giải cho biết: “Điểm khác biệt tạo nên sự lôi cuốn, hấp dẫn của giải đấu là việc phân hạng theo trình độ tương ứng của các vận động viên. Vận động viên có thứ hạng cao khi thi đấu với thứ hạng thấp sẽ phải chấp bóng theo quy định của Ban Tổ chức để tạo nên thế trận cân bằng. Vì vậy, các đội tham gia đều có cơ hội tranh chấp giải, những vận động viên cao tuổi, người trình độ thấp hơn vẫn có khả năng chiến thắng trước những người chơi giỏi hơn nhờ được chấp bóng. Đây là một trong những yếu tố thu hút đông đảo vận động viên tham gia giải đấu này. Qua mỗi giải đấu, Ban Tổ chức cũng xây dựng bảng đánh giá vận động viên, phản ánh chính xác trình độ của từng cá nhân”.
Từ khi có giải đấu đã góp phần thúc đẩy phong trào tập luyện của các câu lạc bộ. Vận động viên từ khắp các địa phương trong tỉnh có điều kiện giao lưu, học hỏi, cọ xát thường xuyên hơn. Ông Nguyễn Tuấn Long, thành viên Câu lạc bộ Dược Á châu (phường Quang Trung, T.P Thái Nguyên) chia sẻ: Là một người chơi lâu năm, chứng kiến những thăng trầm của bóng bàn tỉnh nhà, tôi nhận thấy những năm gần đây, phong trào bóng bàn đã có bước chuyển biến mạnh mẽ. Đánh dấu sự chuyển biến đó là sự ra đời của nhiều câu lạc bộ và đặc biệt là những giải đấu theo phương thức xã hội hóa. Thông qua giải Premiership nói riêng, mỗi tuần tôi được giao lưu, gặp gỡ, kết nối với những người cùng chung niềm đam mê với trái bóng nhựa.
Có thể thấy, trên địa bàn tỉnh hiện nay, ít có môn thể thao nào xây dựng được một giải đấu quy mô, bài bản, một sân chơi có tính “dài hạn” bằng phương thức xã hội hóa như Giải Bóng bàn Thái Nguyên Premiership. Để hình thành được giải đấu này là sự nỗ lực rất lớn của những người yêu thích bộ môn bóng bàn trong tỉnh, những “mạnh thường quân” là các tổ chức, cá nhân đã nhiệt tình ủng hộ cả về vật chất và tinh thần cho giải. Thành công bước đầu của giải đấu là minh chứng rõ nét về cách nghĩ, cách làm trong công tác xã hội hóa hoạt động thể dục, thể thao. Hy vọng những mô hình như vậy sẽ được nhân rộng và phát triển ở các môn thể thao khác trên địa bàn tỉnh.