Hướng tới Đại hội Thể dục thể thao (TDTT) tỉnh lần thứ VIII - năm 2018, từ cuối năm 2017 trên địa bàn của tỉnh có 100% xã, phường, thị trấn và 9 huyện, thành phố và thị xã tổ chức thành công đại hội TDTT.
Bị cắt một phần ba dạ dày; mất một bên thận và một lần mổ tim, nhưng ông Nguyễn Ngọc Hải, phường chùa Hang (T.P Thái Nguyên) vẫn sống khỏe mạnh. Ông thường chia sẻ với mọi người: Cả lúc nằm mê mệt trên giường bệnh tôi cũng không có suy nghĩ tiêu cực. Mỗi lần “từ cõi chết” trở về, tôi lại tích cực tập luyện thể dục thể thao (TDTT), bởi đó là thần dược giúp tôi nhanh chóng bình phục sức khỏe, tinh thần để sống có ích cho bản thân, gia đình và xã hội.
Ông Hải và rất nhiều người khi ngã bệnh đã vượt lên “số phận” của mình bằng cách tự tập luyện TDTT hằng ngày. Hơn thế, nhiều người dân còn cho việc tập luyện TDTT là phương thuốc bổ dưỡng cả về thể chất và tinh thần. Nên từ nhu cầu tập luyện của nhiều người cộng lại, đã tạo thành một phong trào TDTT rộng khắp ở địa phương, với nhiều hình thức tập luyện phong phú, phù hợp cho từng giới và độ tuổi. Ví như người cao niên lựa chọn rèn luyện thể lực bằng các môn thể thao nhẹ nhàng là đi bộ, vẫy tay dịch cân kinh, yoga, kinh lược thao… Người trẻ hơn chọn luyện tập võ thuật, gym, Aerobic… Từng nhóm cùng tập luyện theo sở thích, tạo không khí sôi nổi, vui vẻ với tinh thần “Khỏe để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Nhằm xây dựng phong trào TDTT ngày càng phát triển sâu rộng, có chất lượng, hằng năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đều chủ động tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản quản lý Nhà nước trên lĩnh vực TDTT, như việc ban hành chế độ phù hợp cho huấn luyện viên, vận động viên tham gia tập luyện, thi đấu trong từng thời điểm. Sở cũng thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh mở lớp tập huấn, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ TDTT, kỹ năng xây dựng câu lạc bộ TDTT cho đội ngũ cán bộ, hướng dẫn viên, cộng tác viên cơ sở.
Ông Tạ Đình Chiến, Trưởng phòng Nghiệp vụ TDTT cho biết: Từ đội ngũ cán bộ TDTT ở cơ sở được tăng cường, bổ sung về số lượng và nâng cao chất lượng, trình độ, phong trào TDTT quần chúng đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của sự nghiệp phát triển TDTT trên địa bàn tỉnh. Hiện toàn tỉnh có 1.893 hướng dẫn viên TDTT; 1.213 sân chơi, bãi tập; 183 sân vận động đủ tiêu chuẩn thi đấu cấp cơ sở.
Trong phong trào TDTT quần chúng, các huyện, thành, thị đều linh hoạt trong triển khai thực hiện, như việc đề ra nhiều giải pháp để cổ động, vận động nhân dân tham gia xã hội hóa các hoạt động TDTT; vận động các doanh nhân tham gia tài trợ tiền, vật chất cho các giải thể thao quần chúng; khuyến khích nhân dân đóng góp kinh phí xây dựng sân bãi làm nơi tập luyện và các hoạt động TDTT. Vào tháng 3 hằng năm, Sở phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức Lễ phát động phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương bác Hồ vĩ đại”; hưởng ứng ngày chạy “Oympic vì sức khỏe nhân dân”; Giải Việt dã Tiền Phong “Cùng Sacombank chạy vì sức khỏe cộng đồng” thu hút hơn 5.000 người tham gia/đợt.
Hướng tới Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VIII - năm 2018, từ cuối năm 2017 trên địa bàn của tỉnh có 100% xã, phường, thị trấn tổ chức thành công đại hội TDTT; 100% huyện, thành phố và thị xã tổ chức thành công đại hội TDTT. Đại hội TDTT cấp cơ sở được chính quyền địa phương quan tâm, huy động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia, tạo không khí vui tươi phấn khởi và thực sự là ngày hội lớn của toàn dân. Đại hội TDTT cấp cơ sở đã huy động được 93.219 lượt vận động viên tham dự (có xã tổ chức 5 môn thi đấu; có xã tổ chức 11 môn thi đấu); tổng số người được huy động gần 200.000 lượt; tổng kinh phí huy động từ nguồn xã hội hóa được gần 1,3 tỷ đồng. Đặc biệt tại Đại hội TDTT, 100% cơ sở đều có chương trình diễu hành biểu dương lực lượng, đồng thời có màn đồng diễn chương trình nghệ thuật đặc sắc, ấn tượng, đẹp mắt. Nổi bật trong Đại hội TDTT cấp cơ sở là huyện Đại Từ, tổ chức 11 môn thi đấu, hơn 1.000 lượt vận động viên tham gia; huyện Đồng Hỷ tổ chức 9 môn thi đấu, hơn 900 lượt vận động viên tham gia ( có vận động viên tham gia 2 môn thi đấu). Thông qua TDTT phong trào, cơ quan chuyên môn của tỉnh lựa chọn được các vận động viên xuất sắc để đào tạo, cử tham gia thi đấu tại các giải khu vực và toàn quốc.
Qua tìm hiểu chúng tôi còn được biết: Trong năm vừa qua, cơ quan chức năng của tỉnh đăng cai tổ chức thành công các giải thể thao toàn quốc là: Giải Vô địch cầu lông đồng đội; Giải Vô địch cúp Wushu Quốc gia; Giải Vô địch Vật dân tộc; Giải Vô địch Vật tự do - Cổ điển; Giải Cầu lông trung cao tuổi toàn quốc… Cùng với đó, Sở tổ chức thành công 17 giải thi đấu thể thao cấp tỉnh, 28 giải thể thao của sở, ban, ngành. Cũng trong năm này, tỉnh đã tuyển các đoàn vận động viên tham gia thi đấu giải thể thao quần chúng do Trung ương tổ chức, gồm: Giải Vô địch trẻ; Giải Thể thao khuyết tật; Cầu lông; Bóng bàn gia đình toàn quốc; Giải Cầu lông trung cao tuổi toàn quốc; Giải Các môn thể thao ngày hội dân tộc Dao; Hội thi thể thao dân tộc thiểu số toàn quốc đạt tổng số 145 huy chương các loại, trong đó có 39 Huy chương Vàng, 49 Huy chương Bạc và 57 Huy chương Đồng. Để tạo cho các em học sinh Trường Phổ thông năng khiếu TDTT tỉnh được giao lưu, học hỏi, nâng cao kỹ, chiến thuật thi đấu, Sở cho các em tham gia thi đấu tại 19 giải khu vực và toàn quốc. Kết quả thi đấu, học sinh của Trường giành được 209 huy chương các loại, trong đó có 47 Huy chương Vàng, 67 Huy chương Bạc, 95 Huy chương Đồng.
Khi tập luyện TDTT đã trở thành một nhu cầu, thỉ ở mọi nơi, mọi chỗ “người ta” đều có thể thực hiện được sở thích tập luyện, như ở bên lề đường phố, trước khoảng sân nhỏ của gia đình; bãi cát bên sông, tập trung tập luyện đông người nhất vẫn là khu vực sân nhà văn hóa xóm, tổ dân phố và các sân trường. Tại cơ sở nhiều câu lạc bộ của nhóm sở thích được thành lập, như các câu lạc bộ: Cầu lông, kinh lạc thao, bóng chuyền hơi… với tổng số gần 2.000 câu lạc bộ TDTT khác nhau, thu hút gần 100.000 thành viên tham gia tập luyện thường xuyên (trung bình 50 người/câu lạc bộ).
Sự lan tỏa mạnh mẽ của phong trào TDTT đã tạo ra sợi dây liên kết chặt chẽ, kết nối cộng đồng nhân dân, từ đó gia tăng tinh thần đoàn kết, nghĩa tình giữa các cá nhân trong xã hội. Vì thế ngoài ý nghĩa rèn luyện nâng cao sức khỏe thân thể, phòng chống bệnh tật, TDTT còn mang ý nghĩa xây dựng nếp sống văn hoá lành mạnh, góp phần giảm thiểu các tệ nạn xã hội. Và hơn thế, mỗi người tự cảm nhận được cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn. Vì “Sức khỏe là tài sản quý giá nhất của con người”.