Sau nhiều tranh cãi, đúng 10h sáng ngày 28-11, Liên đoàn bóng đá Việt Nam VFF đã mở bán online 25.000 vé xem trận bán kết lượt về giữa ĐT Việt Nam và ĐT Philippines (sẽ diễn ra vào lúc 19 giờ 30 phút ngày 6-12 tới đây tại SVĐ Mỹ Đình). Tuy nhiên, nhiều bất cập đã ngay lập tức hiển hiện qua phương thức này.
Trước đó, sau phản ứng dữ dội của dư luận khi hàng vạn khán giả phải đội mưa, thức suốt đêm nhưng không thể mua nổi 1 tấm vé tại SVĐ Mỹ Đình (trước trận Việt Nam gặp Malaysia tại vòng bảng ngày 16-11), VFF đã quyết định bỏ 2 phương thức bán vé truyền thống là bán qua đường công văn và xếp hàng trực tiếp.
Theo đó, trong tổng số hơn 40 nghìn chỗ ngồi, VFF sẽ phải để lại khoảng 15.000 vé, một phần nộp lại cho Ban tổ chức giải đấu là Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á AFF Cup, phần khác là để trả quyền lợi cho các nhà tài trợ và công tác đối ngoại. 25.000 vé còn lại, VFF quyết định bán toàn bộ qua đường online ở địa chỉ www.vebongdaonline.vn.
Thời gian mở cửa bán vé online là từ 10 giờ ngày 28-11 đến hết 12 giờ ngày 29-11 (hoặc đến khi hết vé). Mỗi người chỉ được mua 1 lần bằng Chứng minh nhân dân hoặc Thẻ căn cước công dân với số lượng vé tối đa cho 1 người/1 lần đặt lệnh là 4 vé cùng mệnh giá.
9 giờ 30 sáng ngày 28-11, tức 30 phút trước khi VFF chính thức mở bán vé, chúng tôi đã sử dụng cùng lúc 2 chiếc máy tính có tốc độ truy cập mạng cao để sẵn sàng đăng nhập. Tuy nhiên, khoảng 10 phút trước khi bắt đầu, chúng tôi đã gần như không thể truy cập vào website này.
Cố gắng truy cập lại và nhấn F5 liên tục (nút làm mới trang web), có lúc, chúng tôi đã vào được đến phần chọn mệnh giá vé và đặt số lượng vé. Tuy nhiên, ngay khi ấn nút đến phần xử lý tiếp theo, thì hệ thống trả lời: “Tất cả các vé của mệnh giá này đã được bán hết hoặc số lượng vé còn lại đang ở trạng thái chờ khách hàng khác thanh toán. Xin quý khách vui lòng chọn mệnh giá khác hoặc quay lại sau”. Lúc đó là 10 giờ19 phút, tức chỉ 19 phút sau khi trang web chính thức mở cửa! Thậm chí, có người khẳng định rằng, họ nhận được câu trả lời hết vé ngay sau khi website mở cửa 3 phút (tức lúc 10 giờ 3 phút).
Ngay lập tức, chúng tôi lần lượt chọn từng mệnh giá một (có 4 mệnh giá là 500.000 đồng; 400.000 đồng; 300.000 đồng và 200.000 đồng) với tất cả các số lượng vé (từ 1 đến 4). Tuy nhiên, chúng tôi đều nhận được câu trả lời hết vé như trên. Chúng tôi kiên trì thực hiện thao tác này đến gần 12 giờ trưa, kết quả vẫn không thay đổi.
Không riêng gì chúng tôi, anh Dương, nhà ở phường Kim Giang, quận Thanh Xuân cũng cho biết, nắm được thông tin bán vé này, trước giờ mở bán cả giờ đồng hồ, anh cũng bật cùng lúc 3 chiếc máy tính lên và nhờ 2 người bạn hàng xóm sang cùng thực hiện thao tác. Tuy nhiên, anh Dương còn gần như không thể truy cập vào 3 địa chỉ mà VFF đã thông tin trước đó.
Ngoài anh Dương, chúng tôi có liên hệ với hàng chục người khác nhưng tất cả cùng chung kết quả. Trên Bản tin Thời sự lúc 12 giờ trưa ngày 28-11 của VTV, phóng viên Đại Cán, nhân vật trải nghiệm của phóng sự phản ánh về tình trạng mua vé này cũng không thể thành công. Phóng viên Đại Cán cho biết, anh đã kiên trì ngồi hơn 1 giờ đồng hồ.
Có thể nói, tình trạng nghẽn mạng và hết vé sau thời gian chỉ hơn 10 phút từ khi mở bán đã gây bức xúc rất lớn cho người hâm mộ. Rất đông khán giả đã lên trên các mạng xã hội như facebook bày tỏ quan điểm. Nhiều người đặt câu hỏi rằng, ai chứng minh được tất cả 25.000 vé đều được đưa lên mạng để bán công khai? Ai khẳng định được là không có gian lận trong phương thức bán vé này?
Có một vấn đề khác rất cần lưu tâm đó là, trước phản ứng mạnh mẽ của dư luận về việc khan hiếm vé trước ngày 16-11, đại diện của VFF đã từng trả lời báo giới rằng, sở dĩ ở thời điểm đó, VFF chưa thể triển khai bán toàn bộ vé qua mạng internet là do phần mềm của hệ thống website VFF không đáp ứng được nhu cầu. Tuy nhiên chỉ hơn 10 ngày sau, VFF đã quyết định bán toàn bộ vé bằng cách này. Như vậy, không khác gì một người thấy rõ phía trước là đường cùng rồi nhưng vẫn cố dấn thân!
Ở các nền bóng đá phát triển hay các giải bóng đá lớn, câu chuyện bán vé luôn minh bạch và bài bản. Tại World Cup 2018 vừa qua, nước chủ nhà Nga qui định, mỗi một người chỉ được đăng ký mua 1 vé. Khi đăng ký, họ phải cung cấp thông tin cá nhân như họ và tên, số chứng minh thư… Các thông tin này sẽ được in trực tiếp lên vé. Khi khán giả đến sân, họ phải xuất trình giấy tờ, nếu như trùng khớp thông tin trên vé thì mới được vào sân. Còn nếu là người khác, tấm vé sẽ không có giá trị. Vì vậy đương nhiên, sẽ không có tình trạng “phe vé” ở đây.
Bao nhiêu năm nay, mỗi khi đội tuyển thi đấu ở các giải quan trọng như AFF là tình trạng “cháy vé” và “phe vé” lại xuất hiện. Ở trận đấu trước trên sân Mỹ Đình với Malaysia, giá vé “chợ đen” đã bị “thổi lên” tới 5-6 triệu 1 cặp vé (trong khi giá vé của BTC đắt nhất chỉ là 800.000 đồng/1 cặp).
Minh bạch trong việc bán vé là điều mà người hâm mộ cần câu trả lời từ Liên đoàn bóng đá Việt Nam. Mong rằng trong thời gian tới, VFF sẽ tham khảo, học hỏi nhiều cách làm mới hiệu quả để người hâm mộ… bớt khổ! Còn nếu vẫn như thế này, “giấc mơ” chính đáng được sở hữu 1 tấm vé xem đội tuyển thi đấu của người hâm mộ bóng đá nước nhà sẽ rất khó khăn để trở thành hiện thực!