Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035” (gọi tắt là Đề án) được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 223/QĐ-TTg phê duyệt ngày 22-2-2019 thực sự tạo ra bước ngoặt quan trọng đối với thể thao Việt Nam. Để thực hiện Đề án hiệu quả, đòi hỏi các đơn vị chức năng sớm triển khai, thực hiện để đạt mục đích đề ra.
|
Niềm vui của huấn luyện viên Nguyễn Mạnh Hiếu và vận động viên Bùi Thị Thu Thảo sau khi giành Huy chương vàng ASIAD 18-2018. Ảnh: Trần Quang |
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng thể thao và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035” xác định rõ việc chăm lo, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng và phát triển các tài năng thể thao là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành và toàn xã hội. Đề án cũng đề cao việc đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy tính độc lập, khơi dậy mọi nguồn lực sáng tạo của các tài năng thể thao.
Đối tượng được tập trung đầu tư của Đề án gồm những vận động viên là trẻ em có năng khiếu thể thao đặc biệt; học sinh, vận động viên đang theo học thể thao hoặc đang tập luyện, thi đấu tại các trung tâm huấn luyện thể thao quốc gia... Cùng với đó là các huấn luyện viên, vốn là các vận động viên đỉnh cao hết khả năng thi đấu, hoặc các vận động viên xuất sắc có khả năng đào tạo trở thành huấn luyện viên cấp cao...
Cụ thể, Đề án đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2035, tuyển chọn và đào tạo, huấn luyện 3.700 vận động viên đội tuyển quốc gia, 600 huấn luyện viên tài năng, trong đó có 400 vận động viên đạt thành tích quốc tế; 60 huấn luyện viên cao cấp; tuyển chọn và đào tạo 400 cử nhân, 300 thạc sĩ, 150 tiến sĩ, bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn cho 680 người.
Bên cạnh đó, Đề án cũng tập trung lựa chọn nhân lực của 16 môn thể thao trọng điểm, gồm: Điền kinh, bơi lội, cử tạ, taekwondo, bắn súng, bắn cung, vật, đấu kiếm, boxing, thể dục dụng cụ, xe đạp, đua thuyền, karatedo, pencak silat, bóng đá, wushu. Số lượng các môn thể thao sẽ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét điều chỉnh, bổ sung định kỳ 2 năm một lần theo chu kỳ SEA Games hoặc tùy thuộc tình hình thực tế.
Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Phó Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I, Tổng cục Thể dục - Thể thao, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên đoàn Thể dục Việt Nam Nguyễn Thị Kim Lan cho biết, đây là cơ hội để tìm kiếm và đào tạo thêm nhiều tài năng cho thể thao Việt Nam và nâng cao trình độ cho cán bộ, huấn luyện viên.
Còn vận động viên số 1 của thể thao Việt Nam năm 2018 Bùi Thị Thu Thảo chia sẻ: "Nếu các vận động viên giỏi sau khi giải nghệ được đào tạo một cách khoa học và bài bản, họ hoàn toàn có thể trở thành các huấn luyện viên có trình độ giỏi không kém các chuyên gia nước ngoài. Bản thân tôi thực sự mong muốn được tham gia các khóa đào tạo chất lượng để có thể trở thành một huấn luyện viên, vừa có kinh nghiệm thực tế, vừa cập nhật được những kiến thức thể thao khoa học hiện đại".
Những bước đi quan trọng
Sau khi có Quyết định phê duyệt Đề án, Kế hoạch tổ chức thực hiện Đề án đang từng bước được xây dựng. Trước mắt, trong giai đoạn 2019-2025, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm hướng dẫn, tập trung triển khai thực hiện những nhiệm vụ chính, bao gồm lựa chọn các cơ sở tham gia tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng, nhân lực thể thao thành tích cao theo Đề án; xây dựng hệ thống tiêu chí và kế hoạch tuyển chọn, đào tạo tài năng; xây dựng chương trình, biên soạn giáo trình, tài liệu bồi dưỡng, tập huấn và tổ chức bồi dưỡng, tập huấn đội ngũ huấn luyện viên, cán bộ quản lý và nhân lực.
Bên cạnh đó, việc đầu tư nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, các trang thiết bị kỹ thuật hiện đại cũng cần được chú trọng, bảo đảm chuẩn quốc tế trong việc phục vụ công tác tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện tài năng thể thao, thi đấu thể thao...
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục - Thể thao Trần Đức Phấn cho rằng, tổ chức thực hiện được đúng mục tiêu của Đề án đặt ra, chắc chắn sẽ tạo bước ngoặt quan trọng đối với thể thao Việt Nam. Bởi lẽ, ngoài hoạt động thường xuyên, ngành Thể dục - Thể thao có thêm một chương trình có quy mô lớn trong việc phát triển thể thao thành tích cao, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ khả năng gánh vác nhiệm vụ, tiến tới giảm thiểu việc thuê chuyên gia nước ngoài, tăng tính tự chủ của các huấn luyện viên, vận động viên Việt Nam.
Thực tế cũng cho thấy, bằng nội lực, Việt Nam đã có những tấm Huy chương vàng rất quý giá ở những môn rất khó. Chẳng hạn như tấm Huy chương vàng ASIAD 18-2018 của vận động viên điền kinh Hà Nội Bùi Thị Thu Thảo, mang đậm dấu ấn đào tạo của các huấn luyện viên nội, đặc biệt là huấn luyện viên trẻ Nguyễn Mạnh Hiếu.
Ông Trần Đức Phấn khẳng định, thể thao Việt Nam đang có những huấn luyện viên rất giỏi. Với Đề án này, những gương mặt tài năng và giàu triển vọng đó sẽ có thêm cơ hội được đào tạo một cách hệ thống, bài bản và khoa học, đáp ứng yêu cầu của quy trình tuyển chọn, đào tạo vận động viên, huấn luyện viên tài năng, phấn đấu đưa Việt Nam đến năm 2035 trở thành quốc gia có nền thể thao chuyên nghiệp, phát triển ở châu lục.
Có thể thấy rằng, trong bối cảnh đầu tư kinh phí ngân sách cho ngành Thể dục - Thể thao còn hạn hẹp, Đề án này sẽ hỗ trợ phát triển nhân lực thể thao thành tích cao. Điều quan trọng là chúng ta xác định đúng đối tượng cần được tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện gắn với các môn thể thao trọng điểm, các nội dung trọng điểm, nhằm tạo bước đột phá trong đào tạo tài năng.