Diễn ra trong hơn một tháng, Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 9 năm 2022 bế mạc ngày 21/12 và để lại ấn tượng về một kỳ đại hội có quy mô lớn nhất về số môn thi đấu, số lượng vận động viên (VĐV) tham dự, nhưng chất lượng chưa tương xứng như kỳ vọng, chưa đánh giá đúng về thực lực các đoàn.
VĐV đoàn Quân đội Bùi Thị Nguyên (381) phá kỷ lục đại hội nội dung chạy 100m rào nữ. (Ảnh MINH ANH) |
Với 933 nội dung thi đấu thuộc 42 môn, thu hút 9.654 VĐV, trong đó có 5.715 VĐV nam, 3.939 VĐV nữ, thuộc 65 đoàn thể thao (63 tỉnh, thành phố và hai ngành Quân đội, Công an), đây là kỳ đại hội có quy mô lớn nhất trong lịch sử thể thao nước ta về cả số lượng VĐV và số môn thi đấu. Đại hội chủ yếu diễn ra tại Quảng Ninh và 10 tỉnh, thành phố khu vực phía bắc (Hà Nội, Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Hòa Bình, Vĩnh Phúc).
Tại đại hội lần này, đã có 53 kỷ lục quốc gia ở các môn: điền kinh, bơi, lặn… được xác lập; 96 kỷ lục đại hội được phá (trong đó có 24 kỷ lục môn cử tạ, 17 kỷ lục môn bơi, 16 kỷ lục môn lặn, bốn kỷ lục môn bắn cung, 15 kỷ lục môn điền kinh…). Kể từ khi vươn lên dẫn đầu từ kỳ Đại hội lần thứ 4 năm 2002 đến nay, Hà Nội liên tục giành ngôi vô địch toàn đoàn. Tại đại hội lần này, Hà Nội giành 175 Huy chương vàng (HCV), 143 Huy chương bạc (HCB) và 157 Huy chương đồng (HCĐ) bỏ xa đoàn Thành phố Hồ Chí Minh xếp thứ hai với 128 HCV. Sau ba lần dẫn đầu từ năm 1985 đến năm 1995, đoàn Thành phố Hồ Chí Minh đã mất vị trí dẫn đầu và hy vọng việc giành quyền đăng cai Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 10 năm 2026 sẽ giúp họ tạo nên cuộc cạnh tranh mạnh mẽ hơn.
Điền kinh là môn thể thao thành công nhất tại đại hội với năm kỷ lục quốc gia và 15 kỷ lục đại hội được phá. Sự xuất hiện của VĐV mới trẻ 17 tuổi Trần Thị Nhi Yến (Long An) đã giành HCV cự ly chạy 100m nữ (thời gian 11 giây 75), HCB chạy 200m nữ (24 giây 18) và được kỳ vọng sẽ sớm trở thành “nữ hoàng” tốc độ của điền kinh Việt Nam. Thêm nữa, VĐV Lê Thị Tuyết (Phú Yên) tạo nên bất ngờ lớn khi giành HCV với thời gian 2 giờ 47 phút 30 giây, phá kỷ lục đại hội ở nội dung siêu bền marathon. Năm nay mới 18 tuổi và mới lần đầu dự cự ly marathon, nữ VĐV trẻ này sẽ tiến xa ở SEA Games sắp tới.
Sau nhiều năm, kỷ lục quốc gia ở đường chạy 100m nam được cải thiện đáng kể. Với thành tích 10 giây 35, VĐV Ngần Ngọc Nghĩa (Công an) đã mở ra hy vọng HCV tại SEA Games 32 (VĐV người Thái Lan Puripol Booson giành HCV SEA Games 31 thành tích 10 giây 44). Bên cạnh các VĐV trẻ, một số VĐV kỳ cựu vẫn chứng tỏ được ưu thế như Nguyễn Thị Oanh giành bốn HCV nội dung chạy 1.500m và 3.000m vượt chướng ngại vật, 5.000m và 10.000m, trong đó có kỷ lục quốc gia ở cự ly 10.000m với thành tích mới 33 phút 13 giây 23 (kỷ lục quốc gia cũ là 34 phút 2 giây 59).
Tuy nhiên, ở môn bơi lội việc các VĐV đỉnh cao như Ánh Viên, Huy Hoàng vẫn giành nhiều HCV dù thành tích tụt lùi cho thấy lực lượng kế cận cũng như phương án đầu tư trọng điểm để hướng tới thành tích cao của môn thể thao này ở các đấu trường lớn còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, việc Đại hội Thể thao toàn quốc mở rộng số môn thi đấu, trong đó có nhiều môn thể thao phong trào như kéo co, đẩy gậy, vật dân tộc, đá cầu... giúp 55/65 đoàn tham gia đại hội giành được HCV, nhưng lại “cào bằng” làm lu mờ thành tích của các đoàn đã đầu tư và giành được những tấm HCV đỉnh cao ở các môn thể thao cơ bản của Olympic như điền kinh, bơi lội...
Đại hội Thể thao toàn quốc được tổ chức trong nhiều năm qua không theo chu kỳ nhất định, có lúc bảy năm mới tổ chức một kỳ rồi lại thay đổi bốn năm một kỳ, nhưng điều lệ thi đấu chỉ được ban hành khoảng ba tháng trước ngày khai mạc khiến nhiều đoàn bị động trong công tác chuẩn bị. Vì chạy theo thành tích, điều lệ thi đấu lại thiếu thống nhất, lỏng lẻo (cho phép VĐV chỉ cần ký hợp đồng trước ngày 1/9/2022 là được phép thi đấu) dẫn đến tình trạng “mua bán” VĐV, để xảy ra khiếu kiện ở nhiều môn thi đấu.
Có những VĐV một năm đăng ký thi đấu cho ba đơn vị khác nhau để tranh tài. Thậm chí, giá trị của những tấm huy chương ở nhiều môn thi đấu không phản ánh được thực lực VĐV. Ở nhiều trận đấu tranh huy chương, đã xảy ra tình trạng có VĐV bỗng nhiên bỏ thi đấu để đối thủ dễ dàng giành huy chương có giá trị hơn. Đây được xem là biến tướng “phân bổ huy chương” từng xảy ra ở một số kỳ đại hội khi xác định thành tích huy chương bằng điểm số dẫn tới các VĐV từng vô địch thế giới có số điểm giống hoàn toàn với VĐV có trình độ kém hơn rồi đều được trao HCV.
Tại Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ 9 năm 2022, mô hình đào tạo thể thao thành tích cao của đoàn Quân đội được ghi nhận. Đứng thứ ba trên bảng xếp hạng huy chương với 90 HCV, các VĐV Quân đội nổi bật với thành tích dẫn đầu ở môn bắn súng (16 HCV), bơi (15 HCV), điền kinh (10 HCV), bóng chuyền (vô địch cả nam và nữ). Đoàn Quân đội giành HCV chủ yếu là ở các môn thi đấu có trong chương trình Olympic, có 15 HCV ở các môn vật dân tộc, võ cổ truyền, bi sắt, kurash, wushu.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin