Thế vận hội người khuyết tật thế giới (Paralympic) 2024 chính thức khai mạc lúc 1 giờ sáng 29/8 (theo giờ Việt Nam) tại quảng trường Place de la Concorde ở trung tâm Thủ đô Paris (Pháp). Đây là kỳ Paralympic lần thứ 17 với chủ đề “Thế vận hội rộng mở”, có số lượng vận động viên (VĐV) đông kỷ lục, hứa hẹn những cuộc đua tài hấp dẫn, mang nhiều ý nghĩa nhân văn với khát vọng chinh phục những đỉnh cao thể thao.
Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham dự Paralympic Paris 2024. (Ảnh CTDTT) |
Paralympic Paris 2024 sẽ diễn ra từ ngày 28/8 đến 8/9 tại các địa điểm thi đấu mang tính biểu tượng của Thủ đô nước Pháp. Tham dự có 4.400 VĐV của 168 đoàn thể thao người khuyết tật các nước, bao gồm cả một đoàn thể thao người tị nạn (có tám VĐV) và 88 VĐV người Nga và 8 VĐV người Belarus thi đấu với tư cách VĐV trung lập. Các VĐV sẽ tranh tài ở 549 nội dung của 22 môn thể thao, trong đó có 1.983 VĐV nữ, chiếm khoảng 45% số lượng VĐV.
Số nội dung dành cho nữ cũng chiếm kỷ lục trong các kỳ Paralympic với 235 nội dung thi đấu. Theo Chủ tịch Ủy ban Paralympic Quốc tế (IPC) Andrew Parsons, sự gia tăng số lượng VĐV, nhất là VĐV nữ cho thấy phong trào thể thao người khuyết tật đã và đang phát triển mạnh mẽ, sự quan tâm của các nước và sự bình đẳng giới có những tiến bộ vượt bậc.
Theo thống kê của Ban Tổ chức Thế vận hội, có 35 đoàn giữ kỷ lục về số lượng VĐV nữ tham dự, 27 đoàn có số lượng VĐV nữ nhiều hơn VĐV nam. Cũng như các kỳ Paralympic trước đó, đoàn Trung Quốc luôn chiếm số lượng đông nhất, có 282 người (124 nam và 158 nữ), đồng thời là đoàn thường dẫn đầu trên bảng xếp hạng thành tích huy chương.
Xếp thứ hai là đoàn Brazil, có 255 VĐV (138 nam, 117 nữ), xếp ngay sau là đoàn nước chủ nhà Pháp với 237 VĐV (155 nam, 82 nữ). Pháp còn là quốc gia có VĐV dự thi đấu ở tất cả các môn thể thao. Sau ba đoàn nêu trên, ở vị trí thứ tư và thứ năm là đoàn Mỹ, có 220 VĐV (110 nam, 110 nữ) và Anh có 201 VĐV (109 nam, 92 nữ).
Ở kỳ Thế vận hội năm nay, điền kinh có số lượng VĐV tham gia nhiều nhất với 1.135 VĐV tranh huy chương ở 164 nội dung. Bơi là môn thể thao lớn thứ hai, với 608 VĐV thi đấu ở 141 nội dung và thứ ba là môn bóng bàn với 281 VĐV đua tranh ở 31 nội dung. Bên cạnh đó, 15 môn thể thao dành cho người khuyết tật như: Đua xe đạp, bắn cung, điền kinh, cầu lông, đua thuyền canoeing, cưỡi ngựa, judo, cử tạ, đua thuyền rowing, bắn súng, bơi, taekwondo, ba môn phối hợp, bóng bàn và bóng bầu dục có nhiều VĐV nữ tham gia thi đấu hơn so với kỳ Paralympic Tokyo 2020.
Đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam dự Thế vận hội năm nay có 14 thành viên, bao gồm bảy VĐV, ba huấn luyện viên, một bác sĩ và ba cán bộ đoàn. Đây là lần thứ bảy thể thao người khuyết tật Việt Nam góp mặt ở Thế vận hội kể từ năm 2000 và từng đoạt một Huy chương vàng, hai Huy chương bạc, hai Huy chương đồng ở các môn cử tạ, bơi, điền kinh.
Nước chủ nhà Pháp đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho Paralympic Paris 2024 trong suốt hai năm qua. Cũng như Olympic Paris 2024, lễ khai mạc Thế vận hội 2024 lần đầu được tổ chức ngoài trời dưới sự chứng kiến của 65.000 khán giả, các VĐV diễu hành qua Đại lộ Champs-Elysees để đến quảng trường lịch sử Place de la Concorde ở trung tâm Paris.
Thế vận hội người khuyết tật - Paralympic Paris 2024 sẽ kéo dài trong 10 ngày và bế mạc vào rạng sáng 9/9 (theo giờ Việt Nam).
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin