Sau hơn hai tuần tranh tài sôi động, Olympic Paris 2024 đã cho thấy cuộc đua tranh quyết liệt để khẳng định vị thế và sức mạnh của các đoàn thể thao, đồng thời chứng kiến những kỷ lục mới liên tục được thiết lập.
Lễ bế mạc hoành tráng khép lại hai tuần đua tranh của Olympic Paris 2024 với liên tiếp các kỷ lục được thiết lập. (Ảnh Le Progrès) |
Đây cũng là một kỳ Thế vận hội đáng buồn của thể thao Việt Nam khi lần thứ hai liên tiếp không có huy chương, cho dù các vận động viên (VĐV) rất nỗ lực, đặt ra yêu cầu cần làm rõ hơn những vấn đề bất cập khiến thể thao nước ta chưa thể vươn tầm.
Olympic Paris 2024 đã trở thành kỳ Thế vận hội có cuộc đua ngôi vô địch toàn đoàn căng thẳng nhất trong lịch sử khi Đoàn thể thao Mỹ và Đoàn thể thao Trung Quốc luôn cạnh tranh sít sao số lượng Huy chương vàng (HCV). Đến phút cuối khi kết thúc thi đấu, cả hai đoàn cùng có 40 HCV và phải phân định vị trí dẫn đầu thành tích bằng số Huy chương bạc (HCB).
Cuộc đua khẳng định vị thế
Ở kỳ Olympic năm nay tại Paris, đoàn Mỹ vẫn chiếm ưu thế lớn nhất ở hai môn thể thao cơ bản là điền kinh và bơi. Theo đó, các VĐV điền kinh Mỹ dẫn đầu với 14 HCV nhờ thi đấu nổi bật ở hầu hết các nội dung chạy cự ly ngắn và trung bình, bỏ xa đoàn xếp thứ nhì là Kenya (giành 4 HCV). Trên đường đua xanh, các tay bơi Mỹ cũng dẫn đầu với 8 HCV. Tuy nhiên, họ không còn giữ được vị trí áp đảo khi chỉ hơn đoàn Australia đúng 1 HCV.
Thể thao Mỹ tiếp tục thể hiện sự đa dạng khi giành HCV ở rất nhiều nội dung, trong đó có những nội dung giữ được thành tích ổn định trong nhiều kỳ đại hội như 2 HCV môn bóng rổ 5x5 của nam và nữ (của nam là lần thứ năm liên tiếp và cũng là lần vô địch thứ 17, của nữ là lần thứ 10). Đoàn Mỹ cũng lần thứ năm giành HCV ở môn bóng đá nữ cùng 3 HCV môn xe đạp, 2 HCV môn đấu kiếm, 2 HCV môn vật... Sức mạnh của đoàn Mỹ còn đến từ những môn mà trước đây họ không mạnh, song được đầu tư tốt cho nên đã bứt phá mạnh mẽ như 3 HCV thể dục nghệ thuật.
Đoàn Trung Quốc cũng có một kỳ Thế vận hội ở nước ngoài tốt nhất trong lịch sử. Đất nước đông dân nhất thế giới đã tận dụng tốt khả năng khéo léo của VĐV để giành toàn bộ 8 HCV môn nhảy cầu, 5 HCV môn bóng bàn. Đoàn Trung Quốc còn cho thấy sự vượt trội ở nhiều môn thi đấu khác để giành 5 HCV cử tạ, 5 HCV bắn súng, bỏ xa các đoàn khác.
Nhiều môn thể thao của Trung Quốc giữ được thành tích ổn định như 5 HCV các nội dung thể dục, 2 HCV môn bơi. Sự đầu tư về bề rộng cũng giúp Trung Quốc giành HCV ở những môn không được xem là thế mạnh trước đây như quyền anh (3 HCV) hoặc ở điền kinh, tennis.
Tuy nhiên, việc không có sự tham dự của đoàn Nga đã giúp cả Mỹ và Trung Quốc giành được nhiều HCV hơn ở một số nội dung. Cho dù như vậy, nhưng số VĐV Nga thi đấu ở đoàn trung lập vẫn cho thấy tiềm năng thể thao Nga rất mạnh. Nên nhớ, Đoàn thể thao Liên Xô trước đây (chủ yếu là các VĐV Nga) và Liên bang Nga sau này từng vô địch toàn đoàn hoặc xếp thứ nhì ở các kỳ Thế vận hội năm 1988, 1992 và 1996.
Trong số ba đoàn dẫn đầu tại Olympic Paris 2024, Nhật Bản là một hiện tượng. Quốc gia Đông Bắc Á dẫn đầu ở môn vật (8 HCV), giữ thành tích tốt ở môn võ cổ truyền quốc gia là judo (3 HCV), thể dục (3 HCV), đấu kiếm (2 HCV). Sự vươn lên mạnh mẽ của đoàn Australia thể hiện sự đầu tư rất tốt của họ ở môn bơi và nhiều môn thể thao dưới nước như đua thuyền (4 HCV) lẫn môn thể thao trên cạn như đua xe đạp (2 HCV) và cả những môn mới tại Thế vận hội là trượt ván (2 HCV)...
Olympic được tổ chức bốn năm một lần và không có giải thưởng bằng tiền mặt, song việc giành thành tích cao luôn thể hiện niềm tự hào của thể thao các nước. Thậm chí, việc có cả các VĐV là những tỷ phú, triệu phú đô-la Mỹ tham gia thi đấu ở môn bóng rổ hay như tay vợt huyền thoại Novak Djokovic, dù đã có bộ sưu tập giải thưởng đỉnh cao thế giới, vẫn quyết tâm “săn tìm” bằng được HCV Olympic ở tuổi 37 đã cho thấy điều đó.
Họ cũng chính là tấm gương cho các VĐV trẻ khắp thế giới rèn luyện gian khổ để mang về vinh quang tại Thế vận hội. Hàng loạt VĐV đã đi vào lịch sử thể thao thế giới và đất nước mình qua Olympic Paris 2024. Đó là đô vật Mijain Lopez (Cuba) giành HCV Olympic lần thứ năm liên tiếp; là Katie Ledecky (Mỹ) giành HCV thứ tư ở kỳ Thế vận hội thứ tư liên tiếp ở môn bơi; hay Sydney McLaughlin-Levrone (Mỹ) phá cả kỷ lục thế giới lẫn kỷ lục Olympic của chính mình ở nội dung chạy 400m rào nữ, Cùng với họ, có thể tự hào khi VĐV Arshad Nadeem (Pakistan) tự tập luyện bằng cây lao tự chế đã phá kỷ lục Olympic hay hiện tượng Leon Marchand (Pháp) giành cả 4 HCV bơi và nhất là VĐV Julien Alfred đến từ Saint Lucia - đất nước chỉ có dân số chưa tới 200.000 người đã đoạt HCV điền kinh nội dung chạy 100m nữ...
Bên cạnh chiến thắng, những thất bại không chỉ là niềm nuối tiếc mà cũng là bài học quý cho những nỗ lực sau này như đoàn Mỹ bất ngờ để vuột khỏi tay ngôi vô địch sau 40 năm “thống trị” ở cự ly tiếp sức 4x100m bơi nam.
Tuy không vượt trội, nhưng với việc đoạt được 5 HCV tại Olympic lần này, thể thao Đông Nam Á đã có những thành công nhất định và sự ổn định về thành tích trên đấu trường Thế vận hội trong những năm gần đây.
Các quốc gia như Philippines (2 HCV), Indonesia (2 HCV), Thái Lan (1 HCV), Malaysia (2 HCĐ), Singapore (1 HCĐ) đã cho thấy kết quả ấn tượng khi thể thao các nước trong khu vực có những định hướng chuyển đầu tư từ SEA Games sang tập trung vươn tầm tới những đấu trường lớn hơn như Olympic.
Cần gỡ “rào cản” để thể thao Việt Nam vươn tầm
Thể thao Việt Nam tiếp tục “trắng tay” tại kỳ Olympic thứ hai liên tiếp và có lẽ đây không phải là bất ngờ với giới chuyên môn. Nhìn vào thất bại lần này, có thể thấy thể thao nước ta đã tụt hậu nhiều so với các nước trong khu vực Đông Nam Á dù chúng ta liên tục đứng trong tốp đầu khi tranh tài ở các kỳ SEA Games. Để vươn tầm châu lục và thế giới, trách nhiệm hàng đầu thuộc về Cục Thể dục-Thể thao.
Song cũng phải nhìn nhận thực tế, các nhà quản lý, đào tạo thể thao tại Việt Nam đang có những rào cản “trói buộc” làm hạn chế thành tích cho dù có nhiều tiềm năng. Làm thể thao chuyên nghiệp trước hết đòi hỏi sự đầu tư về mặt kinh phí rất lớn, tuy nhiên các quy định pháp lý khiến ngành thể thao không thể đầu tư như mong muốn.
Theo Nghị định 152/2018/NĐ-CP hiện hành, lương trung bình của huấn luyện viên đội tuyển quốc gia vào khoảng 13,1 triệu đồng/người/tháng; VĐV đội tuyển quốc gia hưởng lương 270.000 đồng/người/ngày không tính ngày nghỉ. Những VĐV được đánh giá là có khả năng giành HCV ở đẳng cấp thế giới và châu lục cũng chỉ được nhận mức lương tương tự các VĐV đang tập huấn đội tuyển quốc gia ở các môn khác mà không hề có sự phân biệt.
Về tiền ăn, theo Thông tư 86/2020/TT-BTC của Bộ Tài chính, VĐV đội tuyển quốc gia được hưởng chế độ tiền ăn 320.000 đồng/người/ngày. Khi các VĐV được triệu tập vào đội tuyển quốc gia dự SEA Games, ASIAD, Olympic sẽ được hưởng chế độ tiền ăn 480.000 đồng/người/ngày, trong thời gian không quá 90 ngày.
VĐV có khả năng giành HCV của ASIAD, Olympic trẻ hoặc đạt chuẩn tham dự Olympic sẽ được hưởng chế độ 640.000 đồng/người/ngày. Số tiền này đã bao gồm toàn bộ tiền ăn, nước uống, thực phẩm chức năng... Cũng theo các quy định hiện hành, mức lương để thuê chuyên gia nước ngoài đang bị giới hạn khoảng 7.000 USD/tháng, không đủ để thuê chuyên gia giỏi.
Thực tế, không phải quốc gia nào cũng đầu tư lớn từ ngân sách cho các VĐV thể thao, nhưng VĐV của họ có được huy chương nhờ sự hậu thuẫn của các nhà tài trợ thông qua nguồn xã hội hóa từ các Liên đoàn thể thao quốc gia. Thể thao nước ta hiện mới chỉ có duy nhất Liên đoàn Bóng đá đã và đang có được sự tài trợ ở mức tính triệu USD bởi môn thể thao này mang lại hiệu quả quảng cáo rõ rệt cho các nhà tài trợ.
Trong vài năm trở lại đây, sự bùng phát của các giải chạy cũng thu hút số tiền tài trợ rất lớn. Mặc dù vậy, về mặt chuyên môn, cả bóng đá lẫn điền kinh Việt Nam hầu như không có khả năng tranh tài ở đẳng cấp châu lục, chứ chưa nói đến thế giới. Trong số các VĐV Việt Nam giành quyền tham dự Olympic Paris 2024, hầu hết kinh phí của họ được cấp từ ngân sách nhà nước thông qua Cục Thể dục-Thể thao, còn vai trò của các Liên đoàn thể thao hết sức mờ nhạt.
Nguồn kinh phí thấp dành cho thể thao khiến ngành thể thao rất khó thu hút tài năng trẻ, thiếu nguồn lực tài chính, cơ sở vật chất, chuyên gia giỏi để phát triển thể thao đỉnh cao.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 22.000 VĐV năng khiếu. Năm 2023, ngân sách nhà nước chi cho thể thao thành tích cao là 710 tỷ đồng nhưng rất dàn trải vì không thể chi vượt định mức. Vì hạn chế kinh phí, nhiều môn thể thao chỉ hoạt động kiểu cầm chừng. Cụ thể, môn bắn súng có VĐV Trịnh Thu Vinh vào chung kết ở hai nội dung Olympic lần này, nhưng mỗi năm bắn súng nước ta chỉ được cấp ngân sách khoảng 3,3 tỷ đồng trong khi nhu cầu thực tế cần từ 10 tỷ đến 12 tỷ đồng. Trong những năm tới, nếu không có những thay đổi cơ bản mang tính đột phá thì số tiền đầu tư cho thể thao sẽ không có biến động lớn.
Chúng ta đã và đang có những tài năng trẻ thể thao, song chưa phát huy được, thậm chí là “thui chột” vì thiếu kinh phí, cơ sở vật chất, chuyên gia giỏi huấn luyện... Qua Olympic Paris 2024, có thể thấy nhiều VĐV thành công, đoạt HCV đều không chỉ có nỗ lực khổ luyện tự bản thân mà họ còn được sự hỗ trợ về mặt tài chính từ nhiều nguồn khác nhau.
Nhìn lại kỳ Olympic Paris 2024, không phải chúng ta không có những tài năng như Trịnh Thu Vinh ở môn bắn súng và có thể sẽ có thêm nhiều tài năng khác được phát hiện. Tuy nhiên, yếu tố mang tính quyết định để đạt được thành tích cao, mang về những huy chương đẳng cấp thế giới trong tương lai là kinh phí đầu tư cho họ tập huấn, thi đấu cọ xát rồi chế độ dinh dưỡng, các loại thuốc hỗ trợ, bác sĩ tâm lý tư vấn... cần nhanh chóng thay đổi.
Việc đổi mới cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện và môi trường tốt hơn để các VĐV vươn tầm châu lục và thế giới cũng sẽ góp phần hạn chế sự đầu tư dàn trải, không ít lãng phí như hiện nay. Đầu tư tập trung, có trọng tâm, trọng điểm và thiết thực cho VĐV ở những môn có khả năng tranh chấp huy chương Olympic đòi hỏi phải làm một cách bài bản, có chiến lược dài hạn.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin