Võ cổ truyền Việt Nam tại Thái Nguyên: Thời cơ và sứ mệnh

TNĐT 15:36, 13/12/2024

Trong bối cảnh đất nước hội nhập với các nền kinh tế thế giới, võ cổ truyền không chỉ dừng lại ở việc rèn luyện sức khỏe, hay bảo tồn giá trị truyền thống, mà còn là phương tiện quảng bá văn hóa hiệu quả. Tại Thái Nguyên, vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa - cách mạng, võ cổ truyền đang đứng trước những thời cơ lớn, đồng thời gánh trên vai một sứ mệnh quan trọng là làm như thế nào để thúc đẩy phong trào tập luyện thể dục thể thao phát triển xứng tầm, đặc biệt là võ cổ truyền Việt Nam.

Thời cơ phát triển võ cổ truyền tại Thái Nguyên

Trong thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên đã dành sự quan tâm đặc biệt đối với công tác bảo tồn và phát triển võ cổ truyền Việt Nam trên địa bàn. Ngay sau khi Kết luận số 70-KL/TW ngày 31/1/2024 của Bộ Chính trị về phát triển thể dục, thể thao trong giai đoạn mới được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Thái Nguyên đã ban hành Kế hoạch số 160-KH/TU ngày 22/3/2024, chỉ đạo toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh tập trung phát triển thể dục thể thao nhằm nâng cao sức khoẻ cho người dân, đặc biệt xây dựng các chương trình, kế hoạch bảo tồn và phát triển Võ cổ truyền Việt Nam.

Khai mạc Giải Võ cổ truyền tỉnh Thái Nguyên 2024 và triển khai Kế hoạch phát triển võ cổ truyền Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2025.
Khai mạc Giải Võ cổ truyền tỉnh Thái Nguyên năm 2024 và triển khai Kế hoạch phát triển võ cổ truyền Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2025.

Với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt và quyết tâm đó, Võ cổ truyền Việt Nam tại tỉnh Thái Nguyên nói riêng, thể thao Thái Nguyên nói chung đang đứng trước cơ hội lớn để vươn mình lên một tầm cao mới, xây dựng tỉnh Thái Nguyên xứng đáng là trung tâm vùng về kinh tế - chính trị, văn hoá - xã hội, trong đó có thể dục thể thao.

Ghi nhận trong những năm gần đây phong trào tập luyện võ cổ truyền trên địa bàn tỉnh được coi trọng, nâng cao, thu hút nhiều người dân tham gia tập luyện, nhất là trong giới trẻ. Tại nhiều trường học, các câu lạc bộ võ cổ truyền được thành lập, thu hút đông đảo học sinh, sinh viên tham gia. Một số trường học đang xây dựng kế hoạch đưa võ cổ truyền vào giờ học thể chất, giúp học sinh, sinh viên rèn luyện thể lực, đức tính kiên trì, không ngại khó và hiểu biết thêm về tinh thần thượng võ của người đất thép, xứ trà Thái Nguyên.

Nhiều gia đình ở Thái Nguyên xem việc học võ là cách để con cháu rèn luyện kỷ luật và gắn kết gia đình. Tại các khu dân cư, người dân tích cực tham gia sinh hoạt, trao đổi võ học tại sân chơi thể thao nhà văn hóa. Qua đó tạo thêm cho người dân cơ hội gặp gỡ, chia sẻ, giúp đỡ nhau ổn định cuộc sống kinh tế và gìn giữ hạnh phúc gia đình.

Học sinh luyện võ.
Học sinh luyện võ.

Sự quan tâm của chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư đã tạo thêm động lực để võ cổ truyền Việt Nam tại Thái Nguyên phát triển ngày càng lớn mạnh, xứng tầm. Hơn thế, đó là giải pháp hiệu quả góp phần bảo tồn, phát huy tinh thần thượng võ - một giá trị di sản văn hóa tinh thần được trao truyền qua nhiều thế hệ. Đó cũng là niềm tự hào dân tộc, nhất là giới trẻ đang hằng ngày cùng chú tâm rèn luyện, trau dồi công phu để đưa võ cổ truyền Việt Nam sánh với các môn võ đỉnh cao có tên tuổi trên thế giới.

Mang đến tiềm năng quảng bá du lịch văn hóa

Không dừng lại ở góc độ võ thuật, võ cổ truyền Việt Nam còn là một biểu tượng văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Trong dòng chảy lịch sử Việt Nam, tỉnh Thái Nguyên từng có những người anh hùng áo vải như: Lưu Nhân Chú (Đại Từ), Dương Tự Minh (Phú Lương) chiêu binh, luyện võ bảo vệ sự bình yên cho dân làng. Đến nay vẫn còn đó các di tích lịch sử văn hóa mang tên những người anh hùng áo vải: Núi Văn, Núi Võ (Đại Từ), đền Đuổm (Phú Lương)… Trải qua các thời kỳ lịch sử, Thái Nguyên trở thành vùng đất sở hữu hơn 1.000 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh.

Các Võ sinh Võ cổ truyền biểu diễn tại Không gian văn hoá Trà Tân Cương.
Các võ sinh Võ cổ truyền biểu diễn tại Không gian văn hoá Trà Tân Cương.

Việc kết hợp võ cổ truyền trong các sự kiện du lịch văn hóa sẽ tạo nên sức hấp dẫn riêng, thu hút du khách trong và ngoài nước. Võ cổ truyền có thể được biểu diễn tại các điểm du lịch như một phần của chương trình trải nghiệm văn hóa, giúp du khách hiểu hơn về tinh thần thượng võ của một Việt Nam hùng cường và tinh thần người xứ trà thượng võ.

Quảng bá võ cổ truyền như một phần của văn hóa Thái Nguyên không chỉ giúp bảo tồn di sản mà còn tạo ra sự khác biệt cho du lịch địa phương. Võ cổ truyền có thể trở thành một “thương hiệu” văn hóa độc đáo, khiến du khách nhớ đến Thái Nguyên không chỉ vì chè, đồi núi mà còn vì tinh thần võ thuật mạnh mẽ và truyền thống lâu đời.

Với tiềm năng quảng bá du lịch văn hóa, võ cổ truyền Việt Nam tại Thái Nguyên không chỉ là một di sản cần được bảo tồn mà còn là một công cụ mạnh mẽ để phát triển du lịch. Sự kết hợp giữa võ thuật và các giá trị văn hóa, lịch sử sẽ tạo nên một Thái Nguyên vừa truyền thống, vừa hiện đại, thu hút không chỉ khách trong nước mà cả bạn bè quốc tế.

Sứ mệnh của võ cổ truyền tại Thái Nguyên

Võ cổ truyền không chỉ là môn võ mà còn là linh hồn văn hóa Việt Nam. Tại Thái Nguyên, nhiệm vụ quan trọng nhất là bảo tồn những bài quyền, kỹ thuật và tinh thần võ học, tránh nguy cơ mai một. Để làm được việc này, các võ sư, huấn luyện viên bộ môn võ cổ truyền và những người đam mê cần phối hợp với cơ quan chức năng để xây dựng các chương trình lưu giữ di sản võ học.

Đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chủ trì họp báo triển khai Kế hoạch phát triển Võ cổ truyền Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2025.
Đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, chủ trì họp báo triển khai Kế hoạch phát triển Võ cổ truyền Việt Nam trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên năm 2025.

Thái Nguyên có thể tạo ra nét riêng biệt trong võ cổ truyền, kết hợp giữa truyền thống võ thuật và đặc trưng văn hóa địa phương. Việc phát triển các bài quyền mang màu sắc vùng núi, lấy cảm hứng từ lịch sử và thiên nhiên Thái Nguyên, sẽ làm phong phú thêm di sản võ học nước nhà.

Việc tổ chức các lớp học võ thuật, xây dựng hệ thống huấn luyện chuyên nghiệp và tạo điều kiện để các võ sinh tham gia nhiều giải đấu là nhiệm vụ không thể thiếu. Đây là cách để không chỉ giữ lửa mà còn lan tỏa giá trị của võ cổ truyền đến thế hệ trẻ, giúp họ hiểu rõ hơn về truyền thống dân tộc.

Võ cổ truyền Việt Nam tại Thái Nguyên đang đứng trước vận hội mới. Với sự quan tâm của chính quyền, tinh thần nhiệt huyết của cộng đồng và sự độc đáo trong văn hóa địa phương, Võ cổ truyền tới đây có thể trở thành biểu tượng văn hóa - thể thao của tỉnh. Sứ mệnh lớn lao của võ cổ truyền tại Thái Nguyên không chỉ là bảo tồn di sản mà còn lan tỏa tinh thần Việt Nam đến mọi miền đất nước và thế giới.

Những mục tiêu đề ra tại Kế hoạch phát triển võ cổ truyền Việt Nam năm 2025 trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên:

Kế hoạch cũng nêu rõ các nhiệm vụ giải pháp chung nhằm hoàn thành các chỉ tiêu đã nêu trên: