Sự phụ thuộc quá lớn vào các ông bầu đã khiến bóng đá Việt như quả bóng bị xì hơi khi bầu gặp khó. Một năm với vô số xáo trộn, kết cục là thất bại của tuyển Việt Nam cùng với hàng loạt CLB giải thể khiến mùa giải mới phải lùi lại hai tháng. Cũng may, thất bại đã soi rõ hạn chế để có những bước đi căn cơ hơn.
Ông bầu hứa hão
Sự ra đời của Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) với nòng cốt là các ông bầu máu mê tưởng như là liều “thuốc tiên” giúp bóng đá Việt Nam cất cánh, nhưng chỉ sau chưa đầy 12 tháng, tất cả đều nhận thấy cái vỏ hào nhoáng này không thể che lấp nổi những vấn đề cốt lõi .
Bước đi đầu tiên của các ông bầu là thành lập Hội đồng bảo trợ bóng đá Việt Nam gồm mười doanh nghiệp lớn với phần đóng góp năm tỷ đồng/năm đối với mỗi doanh nghiệp. Con số này dự định tăng lên 7,5 tỷ rồi mười tỷ đồng ở năm thứ ba của hợp đồng, và nếu khoản tiền này là có thực thì bóng đá Việt sẽ giải được bài toán khó nhất là thiếu tiền, để từ đó khai thông các mảng chuyên môn khác (?)
Tuy nhiên, cơ sở tồn tại của Hội đồng nói trên chỉ dựa trên các mối quan hệ cá nhân. Khi cá nhân tạo dựng mối quan hệ đó không còn nằm trong VPF thì Hội đồng được kỳ vọng này cũng tan như bóng xà phòng. Con số năm tỷ đồng/năm được quy về các clip quảng cáo đã được phát ròng rã trên VTV và VTC cho mười doanh nghiệp, nhưng đến nay vẫn có doanh nghiệp chưa trả tiền.
Trong mùa giải mới, chín trong số mười doanh nghiệp đã ra đi không lời từ giã và đến thời điểm này VPF mới chỉ tìm được đúng hai nhà bảo trợ cũng là của các ông bầu đang giữ vị trí trụ cột ở VPF là bầu Võ Quốc Thắng và Đoàn Nguyên Đức.
Không thể kiếm ra khoản tiền bán bản quyền truyền hình tối thiểu là 50 tỷ đồng/năm như lời hứa khi thành lập, các ông bầu đang khiến VPF đối mặt với tương lai u ám. Tất nhiên, khi nguồn thu không đảm bảo thì VPF buộc phải cắt giảm chi tiêu để cân bằng cán cân thanh toán.
Đến cả các trọng tài, vốn được mệnh danh là ’’vua sân cỏ’’ cũng bị giảm thu nhập đáng kể. Chẳng hạn, trọng tài chính ở mùa trước được nhận tám triệu đồng sau mỗi trận đấu thì nay chỉ còn sáu triệu đồng, còn trợ lý trọng tài từ năm triệu đồng chỉ còn bốn triệu đồng. Thu nhập của các quan chức VPF cũng bị cắt giảm để phù hợp với tình hình chung.
Tình trạng này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tổ chức đầu não của bóng đá Việt Nam là VFF.
Trước đây, khi còn tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp, VFF còn có đồng ra, đồng vào.
Nay khi chuyển giao giải đấu cho VPF, VFF rơi vào tình trạng ’’móm’’ thực sự. Đến nỗi mà khi tập trung Đội tuyển quốc gia, VFF đã phải dùng quyền cấp trên để yêu cầu VPF phải chuyển ngay mười tỷ như lời hứa trước đây làm kinh phí hoạt động. Vừa qua, VFF cũng phải cắt giảm lương nhân viên từ 15-20%, đồng thời tiền thưởng Tết chỉ bằng 1/3 so với năm trước.
Và bầu tháo chạy
Khó khăn chung của nền kinh tế ảnh hưởng trực tiếp đến túi tiền của các ông bầu và điều này kéo theo nhiều đội bóng rơi vào tình trạng ngắc ngoải.
Chỉ trong vòng vài tháng sau khi kết thúc mùa giải 2012 đã có đến tám CLB ở V.League và hạng Nhất giải thể vì không còn kinh phí hoạt động. Rất nhiều CLB khác vẫn tồn tại ở mùa giải này, nhưng không ai dám chắc họ còn duy trì sự sống ở mùa sau hay không. Thậm chí, bầu Hoàng Mạnh Trường của Vissai Ninh Bình đã khẳng định chỉ đầu tư thêm một năm nữa trước khi rút hoàn toàn khỏi bóng đá.
Các CLB còn tồn tại cũng đều phải cắt giảm tiền lương, lót tay của cầu thủ. Một năm trước, nhiều cầu thủ nội có mức lương 40-50 triệu đồng/tháng, cá biệt có trường hợp lên tới 70 triệu đồng/tháng, nhưng đến mùa này các CLB đều ’’ép’’ các cầu thủ phải ký lại hợp đồng với mức giảm từ 30-50%. Những cầu thủ không đồng ý với mức giảm nói trên đều đối mặt với nguy cơ bị thanh lý hợp đồng.
Tiền lót tay của cầu thủ vốn là ’’gánh nặng ngàn cân’’ đối với ngân sách các CLB trước đây thì nay cũng bị giảm chóng mặt. Trước đây, tiền lót tay của các cầu thủ khoác áo Đội tuyển quốc gia tối thiểu cũng phải đạt mức hai-ba tỷ đồng/năm thì nay cỡ cầu thủ xuất sắc như Trọng Hoàng cũng chỉ được SLNA ký với giá 1,5 tỷ đồng/năm. Sa sút chóng mặt nhất là trường hợp Công Vinh khi mới mùa trước về CLB bóng đá Hà Nội với khoản lót tay lên tới 13 tỷ đồng thì sau khi đội bóng này giải tán, anh chỉ được trả giá có 500 triệu đồng/mùa.
Tuy nhiên, trào lưu giảm giá để đưa cầu thủ về giá trị thực chất là điều cần thiết để duy trì sức sống cho các CLB. Thậm chí, mức lương hiện tại của phần lớn các cầu thủ vẫn còn quá cao so với mặt bằng, bởi ngoài tiền lương vài chục triệu đồng mỗi tháng, họ còn được nhận tiền lót tay, tiền thưởng mà nếu quy số tiền đó ra từng tháng thì mỗi người cũng được nhận cả trăm triệu đồng mỗi tháng. Con số này là quá nhiều nếu so với những đóng góp của họ với xã hội, trong đó thước đo rõ nhất chính là số lượng khán giả lèo tèo ở các sân bóng.
Khi ’’bong bóng vỡ’’ với sự tháo chạy của các ông bầu đã trả lại bộ mặt thực cho bóng đá Việt Nam, dù buồn với thực tế không mấy sáng sủa nhưng đó lại là cơ hội đề bóng đá Việt Nam xây dựng những bước đi căn cơ, bài bản hơn nhằm tránh hiện tượng phát triển quá nóng và thiếu định hướng như những năm qua. Nếu biết rút ra bài học từ những ’’đổ vỡ" vừa qua thì thất bại đó sẽ là mẹ của thành công.