Cái cách K+, vốn là "con đẻ" của Đài truyền hình Việt Nam (VTV), có bản quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh (EPL), khiến nhiều người hâm mộ tỏ ra bức xúc.
“Vở kịch” sẽ còn tiếp diễn?
Gần nửa năm qua, câu chuyện liên quan tới bản quyền truyền hình EPL 2013-2016 đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt từ dư luận. Bắt đầu từ việc VTV khẳng định việc họ đã chủ động “đi đường riêng” liên hệ với Ban tổ chức giải Ngoại hạng Anh từ tháng 6.2012 để đấu giá, mua bản quyền EPL cho các đơn vị truyền hình trả tiền của mình, trong đó có K+; tới việc VTV không thể cạnh tranh nổi và “đánh mất” bản quyền vào tay Tập đoàn IMG (Mỹ).
Các nhà đài sẽ phải chi đậm nếu muốn được K+ chia sẻ bản quyền EPL?
|
Gần nhất là những cuộc hội họp, văn bản qua lại giữa Bộ Thông tin và Truyền thông, Hiệp hội truyền hình trả tiền Việt Nam (HHTHTTVN) với các nhà đài.., để thống nhất quan điểm: Không mua bản quyền EPL 2013-2016 nếu giá tăng quá 5% so với giai đoạn 2010-2013 (19 triệu USD-PV). Nếu mua thì các đài cùng nhau mua hoặc không mua thì cùng nhau không mua.
Chính lãnh đạo VTV cũng đã lớn tiếng khẳng định quan điểm nói trên khi trả lời báo chí hồi đầu tháng 2.2013. Nhưng đúng vào thời điểm tất cả đang sẵn sàng “nói không” với EPL nếu IMG vẫn giữ cách chào hàng với giá… trên trời (37,5 triệu USD), các nhà đài trong nước cũng đặt hết niềm tin vào vai trò “thủ lĩnh” của VTV, thì “cú sốc” mang tên K+ lại tới.
Cách "lập luận" người mua bản quyền EPL là Canal Plus - đối tác giữ 49% cổ phần trong liên doanh VSTV (K+) với VTV, chỉ khiến nhiều người cảm thấy bi hài.
K+ sẽ mất lòng tin từ phía người tiêu dùng?
|
Ông Trần Song Hải, Phó Chủ tịch Hội cổ động viên Việt Nam, cho biết: “Tôi thất vọng với kiểu “nói một đằng làm một nẻo” của VTV. Tôi không tin việc K+ có bản quyền EPL 2013-2016 là hồi kết của câu chuyện, và đang chờ xem những người trong cuộc sẽ tiếp tục “diễn” thế nào?”.
K+ sẽ bị phản ứng dữ dội?
Câu hỏi đặt ra là không biết trong những toan tính kinh doanh của mình, những người trong cuộc, mà cụ thể là K+ có nghĩ tới cái hại lớn nhất là mất lòng tin của người tiêu dùng.
“Có thể họ sẽ giành được những thắng lợi ban đầu nhờ cách làm có phần khuất tất để sở hữu bản quyền EPL, nhưng về lâu dài, chắc chắn sẽ phải đau đầu bởi chính cách làm ấy. Ba năm trước, K+ đã đứng trước làn sóng phản ứng mạnh mẽ từ dư luận, và phía trước, có lẽ mọi thứ sẽ còn dữ dội hơn”, ông Trần Song Hải bày tỏ.
Ông Trần Song Hải: “Ba năm trước, chúng tôi đã phát động chương trình 1 triệu chữ ký phản đối K+ độc quyền các trận đấu EPL ngày chủ nhật. Và chỉ trong có 5 ngày, chúng tôi đã thu được 350.000 chữ ký. Điều đó đủ để hiểu sự bức xúc trong dư luận lớn thế nào”. |
Sau đó các đài sẽ phải đồng loạt tăng giá thuê bao để bù lại số tiền đã chi ra để có bản quyền EPL. Kết quả, chỉ có người dân vốn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, sẽ thêm một lần nữa phải oằn mình chịu phí nếu muốn không muốn mất món ăn tinh thần EPL.
Ông Vũ Quang Huy, Phó Tổng Giám đốc Đài truyền hình kỹ thuật số VTC, nói chung chung: “Khi sự việc diễn ra không như những gì VTV đã nói, thì VTV phải có công văn giải thích rõ ràng với các đài đã đặt niềm tin vào họ”.
Theo ông Huy, vì VTV chưa có công văn gì khẳng định đã có bản quyền EPL, cũng không biết họ phải trả bao nhiêu để có “món hàng” này (giá 40 triệu USD mới chỉ dừng ở dạng tin đồn)… nên VTC rất khó đưa ra bình luận: “Hiện chúng tôi đang chờ cuộc họp đầu tiên giữa các thành viên ban đàm phán với hy vọng mọi thứ được làm rõ”, ông Huy chốt lại.