(TN) - Chiều 11 và 12-1-2014, giải vô địch bóng đá chuyên nghiệp (V. League) - một giải thi đấu lớn và quan trong bậc nhất của bóng đá quốc nội Việt Nam đã khởi tranh với 6 trận đấu: Hà Nội T&T gặp B. Bình Dương, Thanh Hoá gặp Hải Phòng, Sông Lam Nghệ An gặp Than Quảng Ninh, Đồng Nai gặp Ninh Bình, SHB Đà Nẵng gặp Đồng Tâm Long An, Quảng Nam gặp An Giang. Giải năm nay có sự tham dự của 13 đội, do đó có một đội phải nghỉ thi đấu tại vòng 1 là đội Hoàng Anh Gia Lai.
Theo nhìn nhận của giới chuyên môn và nhiều người hâm mộ thì V. League 2014 khởi tranh trong không khí khá buôn tẻ. Hầu hết các sân vận động đều vắng bóng các cổ động viên. Chỉ duy nhất tại sân của các đội lần đầu tham dự V.League là Than Quảng Ninh, Quảng Nam là có số lượng khán giả khá đông đảo, khoảng trên dưới 10.000 người. Giải đấu cũng không có được sự quan tâm tuyên truyền mạnh mẽ của cac ơ quan truyền thông và các nhà quảng cáo, tài trợ. Lý do chủ yếu mà ai cũng biết đó là bóng đá Việt Nam đang trên đà thụt lùi, nhất là những trì trệ, tiêu cực của các giải thi đấu trong nước, cùng với đó là ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế, các doanh nghiệp không mặn mà với bóng đá… Vậy nên khi mà ngày khai mạc giải rất nhiều người không biết, không đến sân và cũng không xem truyền hình trực tiếp trên ti vi. Tại 2 đô thị lớn nhất nước và cũng là 2 trung tâm bóng đá quan trọng hàng đầu trong nhiều năm là T.P Hồ Chí Minh và Thủ đô Hà Nội thì trong ngày khai mạc, sân vận động Thống Nhất không có trận nào vì Thành phố lớn nhất nước này không có đội nào tham dự. Còn trên sân Hàng Đẫy tuy có sự so tài của 2 đội bóng mạnh nhất Việt Nam hiện nay là Hà Nội T&T và B. Bình Dương, những khán giả cũng rất vắng vẻ.
Bóng đá luôn là môn thể thao của số đông (đông vận động viên và người hâm mộ). Nếu những số đông không có thì bóng đá sẽ là môn thể thao không hồn và tự sẽ thui chột. Chúng ta luôn là một đất nước có nền bóng đá dù chưa phát triển cao nhưng tình yêu bóng đá và tầm ảnh hưởng của bóng đá đến đời sống xã hội không thua kém bất cứ quốc gia nào. Người dân yêu mến bóng đá không chỉ là đến xem, thưởng thức về trình độ chuyên môn mà còn vì sự cảm nhận của văn hoá bóng đá, truyền thống quê hương, truyền thống ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thông qua hình ảnh, tinh thần thi đấu của đội bóng. Vì thế không còn cách nào khác đó là các đội bóng, những người có trách nhiệm với bóng đá phải từng bước chấn hưng nền bóng đá nước nhà ngay từ nhận thức, tư duy, của lãnh đạo, cầu thủ các đội bóng, đội ngũ trọng tài để làm sao bóng đá Việt Nam có những giải thi đấu thật sự trung thực, vì khán giả và vì màu cờ, sắc áo của đội bóng…
Mới qua loạt trận mở màn, giải thi đấu còn dài, thời gian còn để các đội bóng kéo khán giả đến sân cổ vũ. Nếu thực sự cầu thị, chắc chắn từ các vòng thi đấu sau, sân cỏ Việt Nam sẽ sôi động trở lại.