Có thể nói từ khi đội tuyển bóng đá quốc gia đoạt chức vô địch AFF cúp (vô địch Đông Nam Á) năm 2008 đến nay là khoảng thời gian đi xuống của bóng đá Việt Nam. Đội tuyển quốc gia và đội tuyển U-23 đều thi đấu không thành công như mong đợi, không có được một danh hiệu nào đáng kể trên các giải đấu tại khu vực Đông Nam Á - khu vực mà bóng đá Việt Nam được xem là sân chơi vừa tầm. Sự đi xuống của bóng đá Việt Nam ở cấp độ các đội tuyển cho thấy không phải các đối thủ trong khu vực tiến nhanh mà thực chất là chúng ta ngày càng yếu đi.
Tìm hiểu nguyên nhân trên sẽ có rất nhiều ý kiến. Nào là chúng ta chưa có được lộ trình đào tạo trẻ tốt, chưa có được huấn luyện viên giỏi, chưa có được lối chơi hiệu quả, phù hợp với tố chất người Việt Nam, chưa có được chế độ đãi ngộ tốt cho các tuyển thủ… Tuy nhiên theo chúng tôi thì nguyên nhân chính, cần phải nhanh chóng khắc phục đó là đội tuyển phải được xây dựng từ một nền bóng đá thực chất, của ta, của các cầu thủ người Việt Nam. Các cầu thủ đó được đào tạo, tôi rèn từ những huấn luyện viên giỏi, một giải thi đấu có tính chất cọ sát cao và thường xuyên.
Chúng ta không thể có một đội tuyển mạnh khi mà tại giải vô địch bóng đá quốc gia có rất nhiều cầu thủ ngoại tham dự. Nhiều đội bóng khi ra sân kể cả cầu thủ nhập tịch có đến 7- 8 cầu thủ người nước ngoài. Hơn nữa, trên sân các vị trí quan trọng đều do các cầu thủ người nước ngoài đảm nhận. Các cầu thủ người Việt Nam được ra sân không thường xuyên và cũng thường bị xếp vào các vị trí dự bị. Như vậy một giải thi đấu hạng cao nhất của bóng đá nước nhà do những cầu thủ người nước ngoài thao túng, chiếm giữa các vị trí then chốt thì thử hỏi khi tập trung đội tuyển quốc gia làm sao có thể có được đội hình mạnh, có được các cầu thủ có bản lĩnh, tinh thần thi đấu tốt nhất. Cũng chính vì không được trao cơ hội, không được cọ sát thường xuyên nên các tài năng trẻ không được tôi rèn, phát huy nên trượt đi vài năm họ tự mất đi bản năng cũng như phẩm chất vốn có và trở thành một cầu thủ bình thường. Với một nguồn cầu thủ như vậy thì đội tuyển quốc gia đi xuống là lẽ đương nhiên.
Không ai phủ nhận khi mà có các cầu thủ người nước ngoài tham gia thi đấu tại giải bóng đá trong nước, chất lượng giải đấu sẽ cao hơn, hấp dẫn hơn, nhưng nếu quá nhiều thì đến một lúc nào đó, giải đấu sẽ không còn được người hâm mộ quan tâm bởi không còn là một sân chơi, nơi thi thố tài năng của các cầu thủ người Việt Nam nữa. Vì vậy, để chấn hưng bóng đá nước nhà nói chung và làm mạnh lên các đội tuyển quốc gia thì trước hết cần phải hạn chế các cầu thủ ngoại thi đấu tại giải vô địch quốc gia. Chỉ có giải vô địch hạng chuyên nghiệp mới nên có các cầu thủ ngoại thi đấu và cũng chỉ nên có tối đá 2 cầu thủ người nước ngoài được ra sân (kể cả cầu thủ nhập tịch). Các giải khác chỉ có cầu thủ người Việt Nam thi đấu.
Với thiết chế này, các đội bóng sẽ phải lựa chọn cầu thủ nước ngoài thật sự chất lượng, lấy chất lượng thay cho nhiều. Vì thế các cầu thủ người Việt Nam vẫn có cơ hội được cọ sát, học hỏi các cầu thủ giỏi thật sự, lại vừa có cơ hội ra sân thi đấu, rèn luyện phẩm chất, bản lĩnh. Khi các cầu thủ Việt Nam thường xuyên được ra sân thi đấu, chắc chắn chúng ta sẽ có nhiều sự lựa chọn và có được đội hình với nhiều cầu thủ tốt khi thành lập đội tuyển quốc gia. Và, nếu đội tuyển lại được huấn luyện bởi một huấn luyện viên giỏi, các chế độ đãi ngộ hợp lý, khuyến khích sự cống hiến của các tuyển thủ, Việt Nam sẽ dần lấy lại vị thế là một trong những quốc gia có nền bóng đá hàng đầu khu vực Đông Nam Á như vốn có.