Để tìm ra cho bóng đá Việt Nam một hướng đi, một lối chơi vừa hiện đại, hiệu quả, vừa phù hợp với tố chất của người Việt Nam luôn là một vấn đề khó, phải kiên trì và cần sự sáng suốt.
Trong nhiều năm qua, nhất là từ khi bóng đá Việt Nam chuyển sang cơ chế hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, nhiều huấn luyện viên Việt Nam đã đi tu nghiệp ở nước ngoài và cũng không ít huấn luyện viên người nước ngoài tìm đến việt Nam để lập nghiệp. Riêng đội tuyển bóng đá quốc gia và đội U-23 Việt Nam đã có tới gần 10 huấn luyện viên đến từ các quốc gia có nền bóng đá phát triển của Nam Mỹ, Châu Âu đến làm việc. Người có thời gian làm huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam dài nhất là ông A. Rield (gần 8 năm) và người có thành tích cao nhất là ông H.Calisto (đoạt huy chương Vàng AFF Cúp năm 2008).
Đánh giá chung về bóng đá Việt Nam trong hơn một thập kỷ qua thì thành tích đạt được là không đáng kể, chưa đáp ứng được sự mong đợi của người hâm mộ, chưa tương xứng với thực lực hiện có. Đặc biệt, trong thực hiện chuyên nghiệp hoá, bóng đá Việt Nam chưa định hình rõ một hướng đi hiệu quả, phù hợp với con người Việt Nam. Tình trạng chạy theo thành tích tại các giải thi đấu trong nước cũng như quốc tế đã dẫn đến sự nóng vội; các cầu thủ ngoại tham dự các giải thi đấu trong nước quá nhiều, thiếu sự chọn lọc. Đội tuyển quốc gia và đội U-23 không ổn định về ban huấn luyện nên thiếu đi sự ổn định về lối chơi, thiếu bản sắc của một nền bóng đá hiện đại, hiệu quả và phù hợp với con người Việt Nam. Sau nhiều năm dậm chân tại chỗ, trong mấy năm trở lại đây, bóng đá Việt Nam đã bộc lộ sự yếu kém, tụt hậu so với chính mình trước đây và với các quốc gia trong cùng khu vực Đông Nam Á. Từ chỗ luôn là một trong 4 nước có nền bóng đá hàng đầu khu vực, đội tuyển quốc gia và đội U-23 Việt Nam thi đấu rất yếu kém, không lọt vào tốp 4 đội mạnh nhất tại giải vô địch Đông Nam Á và SEA Games trong những năm gần đây.
Để chấn hưng bóng đá nước nhà, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam sau khi có những thay đổi mạnh về nhân sự đã có những quyết sách được cho là khá mạnh, phù hợp và được sự đồng tình của người hâm mộ. Trước hết, hướng đi của bóng đá Việt nam đã được xác định theo mô hình của bóng đá Nhật Bản. Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã có những xúc tiến mạnh mẽ với Liên đoàn Bóng đá Nhật Bản để tăng cường hợp tác, qua đó có sự giúp đỡ nhiều hơn từ Nhật Bản đối với sự chấn hưng bóng đá Việt Nam. Hiện nay Trưởng ban tổ chức giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam đã được giao cho một chuyên gia người Nhật Bản đảm nhiệm. Gần đây nhất, ông Toshiya Miura - một huấn luyện viên trẻ, nhiều tiềm năng, được đào tạo tử tế đã được Liên đoàn Bóng đá Việt Nam chọn là huấn luyện viên trưởng đội tuyển quốc gia và đội tuyển U-23 Việt Nam. Như vậy có thể nói từ hệ thống các giải trong nước đến cấp độ đội tuyển quốc gia và đội tuyển trẻ của bóng đá Việt Nam đã có những chuyên gia Nhật Bản đảm nhiệm các vị trí rất quan trọng.
Về bóng đá Nhật Bản ai cũng biết đây là một nền bóng đá hùng mạnh nhất châu Á. Nhật Bản đã nhiều lần là đoạt chức vô địch bóng đá châu lục. Đội tuyển quốc gia liên tục nhiều lần tham dự World Cúp. Đội tuyển bóng đá nữ Nhật Bản cũng đang là đương kim vô địch thế giới. Đội tuyển bóng đá Quốc gia Nhật Bản hiện nay đang tích cực luyện tập để tham dự World Cúp vào tháng 6 tới đây tại Brazil.
Theo mô hình phát triển và học hỏi từ bóng đá Nhật Bản là một hướng đi đúng của những người có tránh nhiệm với bóng đá Việt Nam, bởi Nhật Bản là một quốc gia hiện đang có nền bóng đá phát triển mạnh, hiện đại và hiệu quả. Con người Nhật Bản cũng có nhiều điểm tương đồng với người Việt Nam, nhất là ở sự khéo léo, dẻo dai, nhanh nhẹn và thông minh. Tuy nhiên trong bóng đá người Nhật lại hơn hẳn các cầu thủ Việt Nam ở tính chuyên nghiệp, tính kỷ luật và bản lĩnh thi đấu, kinh nghiệm trận mạc. Vì vậy người hâm mộ rất ủng hộ cách chọn hướng đi của bóng đá Việt Nam theo mô hình bóng đá Nhật Bản và mong rằng chúng ta không nóng vội về thành tích mà cần kiên định, bản lĩnh để có được sự phát triển thực chất, bền vững.