Cầu thủ bán độ, tự họ đã bỏ nghề

10:37, 28/08/2014

(TN) - Chuyện cầu thủ bán độ các trận đấu bóng đá đang được bàn luận khá sôi nổi trên các phương tiện thông tin đại chúng và dư luận xã hội. Nhiều ý kiến cho rằng việc các cầu thủ bán độ sau khi bị xử lý lại được tham gia vào môi trường bóng đá chuyên nghiệp đã vô hình chung làm cho các cầu thủ không sợ các hình thức kỷ luật đó, vì không đủ sực răn đe. Và việc bán độ của các cầu thủ vẫn tiếp tục diễn ra, thậm chí còn ở quy mô lớn hơn, nghiêm trọng hơn. Chính vì vậy việc xử lý các cầu thủ bán độ trong bóng đá nên được thực hiện như thế nào để bóng đá Việt Nam thực sự có môi trường tốt, trong sạch để phát triển đang được dư luận quan tâm.

Trước hết khi tham gia bán độ, các cầu thủ sẽ bị xử lý theo pháp luật, đó là có thể bị phạt hành chính, ngồi tù tuỳ theo mức độ vi phạm. Tuy nhiên trong bóng đá có luật chơi riêng. Đây là luật mang tính chất tổ chức xã hội nghề nghiệp. Dư luận rất đồng tình với việc Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) trong nhiệm kỳ này đã tỏ thái độ rất nghiêm khắc với những hành động tiêu cực trong bóng đá để thực hiện quyết tâm làm trong sạch môi trường bóng đá, từng bước chấn hưng bóng đá nước nhà. Những hành động thi đấu bạo lực, thiếu tích cực, nhường điểm hay những sai sót của trọng tài trong mùa giải vừa qua đã bị Ban Tổ chức giải xử lý mạnh tay, được dư luận đồng tình ủng hộ.

 

Vì vậy trước những hành vi bán độ trong bóng đá của các cầu thủ dư luận cũng đang rất trông chờ vào một quyết định xử lý nghiêm, đủ sức răn đe của những cơ quan quản lý bóng đá nhằm ngăn chặn hiệu quả hành vi bán độ của các cầu thủ. Theo chúng tôi thì việc các cầu thủ lấy ngay nghề của mình là đá bóng để bán độ chính là họ đã từ bỏ nghề nghiệp của mình, và việc loại bỏ vình viễn khỏi môi trường trường bóng đá chuyên nghiệp với các cầu thủ bán độ sẽ là giải pháp hữu hiệu, phù hợp và đủ sức răn đe nhất với các hành vi bán độ của cầu thủ.

 

Các cầu thủ hiện nay tham gia bán độ không phải họ túng thiếu, không phải họ không hiểu pháp luật mà cái chính là họ luôn coi thường pháp luật, coi thường khán giả và quan trong hơn cả là họ đã coi thường luôn cả cái nghề đá bóng của chính họ. Vậy để những đối tượng đó hoạt động trong môi trường bóng đá liệu họ sẽ mang lại được lợi ích gì cho bóng đá. Hãy để họ là những việc khác cho phù hợp hơn.

 

Trên thế giới tại những quốc gia có nền bóng đá phát triển thì việc các cầu thủ bán độ dù không đến mức phải ra toà, chỉ phải xử phạt hành chính, nhưng về nghề nghiệp, thì đa số sẽ bị loại bỏ khỏi môi trường bóng đá chuyên nghiệp. Điển hình cho việc xử lý này là tại giải bóng đá Italia. Các cầu thủ tại Italia khi tham gia bán độ hầu hết bị cấm thi đấu tại môi trường bóng đá chuyên nghiệp. Còn ở khu vực gần chúng ta là Malaysia cũng đã loại cùng một lúc 50 cầu thủ, trong đó có cả các tuyển thủ quốc gia tham gia bán độ ra khỏi môi trường bóng đá chuyên nghiệp. Qua việc làm này, bóng đá Malaysia đã có bước phát triển nhanh, họ đã liên tục đoạt được nhiều thành tích tại các giải thi đấu chính thức trong khu vực Đông Nam Á. Đây là những cách làm mà bóng đá Việt Nam cần học tập, áp dụng để ngăn chặn tiêu cực, từng bước đưa bóng đá nước nhà hội nhập và phát triển với khu vực và thế giới.