Vẫn chưa thể là số một

11:00, 25/08/2014

(TN) - Trong lộ trình chấn hưng bóng đá nước nhà, công tác đào tạo tài năng trẻ được xác định là khâu quan trọng bậc nhất. Vì thế cách làm của Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) khi liên kết với Câu lạc bộ danh tiếng của Anh quốc- Arsenal khi thành lập Học viện bóng đá HAGL- Arsenal được xem như một mô hình mới, một cách làm bạo tay, có tính đột phá để chúng ta có bước tiến vững chắc trong lộ trình chấn hưng, hội nhập bóng đá Việt Nam với quốc tế.

Trải qua 8 năm cho lứa tài năng trẻ đầu tiên được lựa chọn, đào tạo rất bài bản theo mô hình đào tạo của câu lạc bộ Arsenal, lứa cầu thủ đầu tiên của Học viện HAGL- Arsenal đã ở độ tuổi 18-19 và đang là những trụ cột của đội tuyển U-19 quốc gia. Qua những đợt tập huấn và tham dự các giải thi đấu của khu vực, đội U-19 Việt Nam đã thể hiện được các tố chất của một đội bóng có chất lượng. Các cầu thủ đã có trình độ kỹ thuật tốt, khéo léo trong các tình huống xử lý bóng; khả năng tư duy chiến thuật khá tốt. Trong số những tài năng mà theo như nhận định của các nhà chuyên môn thì phải chọn từ hàng nghìn tài năng trẻ mới có được một đội hình như U-19 Việt Nam, hiện tại chúng ta còn có những cầu thủ được các câu lạc bộ châu Âu để mắt, đánh giá cao như: Công Phượng, Xuân Trường…

 

Chúng ta hy vọng những tài năng đó sẽ tiếp tục được rèn rũa để họ trở thành những cầu thủ lớn, những tuyển thủ quốc gia có chất lượng trong những năm tới. Những người làm bóng đá trẻ của Học viện HAGL- Arsenal và nhiều người hâm mộ cũng rất kỳ vọng vào vào lứa tài năng trẻ này sẽ hình thành một đội bóng số 1 của khu vực Đông Nam Á và hơn thế sẽ là đội bóng có thể đủ sức thi đấu ngang ngửa với các đội trong khu vực châu Á, khi mà các cầu thủ này đã ở độ chín về tài năng. Công bằng mà nói thì các cầu thủ tuyển U-19 Việt Nam hiện nay là một tập thể tốt nhất mà ta từng có. Họ đang được chăm sóc chu đáo, đào tạo bài bản để phục vụ cho tương lai. U-19 Việt Nam đã vượt qua vòng bảng để được tham dự vòng chung kết U-19 châu Á tại Myanmar vào cuối năm nay, 2 lần lọt vào trận chung kết lại giải U-19 Đông Nam Á và U-22 Đông Nam Á. Đây là kết quả không dễ gì đạt được và rất đáng được tôn vinh. Tuy nhiên điều mà mọi người hâm mộ bóng đá Việt Nam trông đợi đó là đội U-19 Việt Nam phải là số 1 Đông Nam Á để rồi tiến ra tranh tài tại châu Á là chưa thể thành hiện thực. Xét trên nhiều phương diện chúng ta vẫn chưa thể là số 1 trong khu vực Đông Nam Á.

 

 

Trước hết tại giải U-19 Đông Nam Á năm 2013, đội U-19 Việt Nam đã bị U-19 Indonesia đánh bại trong trận chung kết. Trận đó ta thua họ rõ ràng về thể lực, thể hình. Các cầu thủ của chúng ta không thể thắng đối thủ khi tranh chấp tay đôi trong các pha bóng. Tại  trận chung kết mới đây nhất là trận đấu với U-19 Myanmar tại giải U-22 Đông Nam Á, U-19 Việt Nam vẫn bộc lộ những thua kém đối thủ. Thứ nhất chúng ta thua họ về thể hình, thể lực. Myanmar nghèo hơn Việt Nam, tố chất con người Myanmar cũng tương tự như Việt Nam, nhưng các cầu thủ của họ lại rất khoẻ, dẻo dai và cao lớn hơn ta. Vậy nên tất cả các pha bóng bổng họ đều thắng các cầu thủ Việt Nam trong tranh chấp tay đôi. Về kỹ thuật, Myanmar cũng rất khéo léo không kém ta, nhưng các pha xử lý bóng của họ lại rất hiệu quả, không rườm ra như các cầu thủ Việt Nam. Họ thi đấu không hề bạo lực nhưng luôn mạnh mẽ, áp sát đối phương. Về lối chơi của các cầu thủ trẻ Myanmar cũng rất hiện đại với chiến thuật linh hoạt, bóng và người di chuyển rất nhanh, nhiều lúc tốc độ rất cao, mạnh mẽ. Xem Myanmar thi đấu chúng ta có cảm giác họ muốn ghi bàn là sẽ làm được.

 

Và thực tế đã chứng tỏ điều đó khi tại giải đấu này họ đã ghi 3 bàn thắng trong một trận đấu và ghi 4 bàn vào lưới đội được xem là rất mạnh- đội U-19 Việt Nam. Về phía đội U-19 Việt Nam, tuy đã có những cải thiện đáng kể về thể lực, nhưng đây vẫn là điểm yếu cốt lõi cần phải được quan tâm hơn nữa, bởi bóng đá là môn thể thao cần nhiều sức mạnh, sự dẻo dai của các cầu thủ. Về lối chơi, chúng ta cũng đã có bước tiến khi đã có những đường chuyền bất ngờ vượt tuyến để tạo ra bàn thắng; các pha bóng cố định đã nguy hiểm hơn với sự phối hợp đá phạt để tạo cơ hội ghi bàn. Tuy nhiên nhìn tổng  thể thì lối chơi của U-19 Việt Nam vẫn quá rườm rà, tốn sức và dễ bị phá sản khi đối thủ thi đấu áp sát, mạnh mẽ trong tranh chấp. Một lối chơi như của đội U-19 Myanmar là điều chúng ta cần phải hướng tới. Mặt khác, trong các pha xử lý bóng của các cầu thủ trẻ Việt Nam cũng thường giữ bóng lâu nên khó tạo bất ngờ. Vì vậy cách xử lý bóng theo kiểu 1 đến 2 lần chạm để có lối chơi nhanh, tạo bất ngờ là điều mà các tuyển thủ U-19 Việt Nam cần phải tập luyện và áp dụng nhiều hơn trong các trận đấu, nhất là thi đấu với các đối thủ có thể hình, thể lực tốt hơn chúng ta.

 

Biết được những điểm còn yếu để nhanh chóng khắc phục là một con đường đi duy nhất, hiệu quả nhất cho sự tiến bộ thay vì tìm nguyên nhân lý giải, bao biện cho thất bại của một trận đấu.