Phong độ và đẳng cấp

14:44, 15/12/2014

Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á năm 2014 (AFF Suzuki Cup) sắp hạ màn. Nhà vô địch cũng sắp được định danh, đó là Thái Lan hoặc Malaysia. Đây là 2 quốc gia có nền bóng đá phát triển nhất trong khu vực trong cả hiện tại và quá khứ. Cả Thái Lan và Malaysia đều đã từng vô địch AFF- Suzuki Cup và vô địch bóng đá SEA Games. Điều đó đã nói lên đẳng cấp của một đội bóng. Và chính thành tích đã được khẳng định qua sự ổn định của một nền bóng đá đã tạo nên đẳng cấp của một đội bóng.

Còn với Việt Nam, bóng đá luôn được rất nhiều người dân ưa thích. Bóng đá cũng đã là môn thể thao sớm du nhập vào Việt Nam. Từ thời thuộc Pháp và sau này cho tới những năm nửa đầu thế kỷ XX, bóng đá Việt Nam luôn là đội bóng có đẳng cấp hàng đầu khu vực và là quốc gia có nền bóng đá tầm châu lục khi sánh ngang với các nước: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên….

 

Tuy nhiên khi mà nền bóng đá thế giới, trong đó có Đông Nam Á, châu Á phát triển mạnh theo hướng chuyên nghiệp hoá, thì bóng đá Việt Nam đã cho thấy sự tụt hậu, chậm phát triển do chiến tranh và cơ chế bao cấp. Sau khi hội nhập trở lại với bóng đá khu vực và thế giới, nền thể thao nói chung và bóng đá Việt Nam nói riêng cũng đã thu được những kết quả nhất định, trở thành một trong những quốc gia có nền bóng đá khá phát triển trong khu vực Đông Nam Á. Chúng ta cũng đã có một số lần được lọt vào trận chung kết môn bóng đá của SEA Games, AFF Cúp, nhưng mới chỉ duy nhất một lần được đứng trên bục cao nhất đó là chức vô địch AFF- Suzuki Cup năm 2008. Kết quả mà bóng đá Việt Nam đạt được trên sân cỏ quốc tế qua những giải thi đấu chính thức tuy đã nói lên sự tiến bộ, nhưng xét về nhiều mặt thì vẫn còn ở một đẳng cấp thấp hơn so với 2 đội bóng hàng đầu của Đông Nam Á là Thái Lan và Malaysia. Đội tuyển bóng đá Việt Nam ở cả cấp độ đội tuyển quốc gia hay đội Olympic có thể có những trận đấu rất hay, chiến thắng cả những đội bóng rất mạnh như: Hàn Quốc, Iran, Tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE)…, nhưng sau đó lại thi đấu khá mờ nhạt, thiếu sự ổn định và kết quả cuối cùng của một giải thi đấu thường không đạt cao. Những trận thắng đó thực tế chỉ là kết quả của một trận đấu mà chúng ta có phong độ tốt, gặp may mắn mà có được chứ không phải là kết quả của một đội bóng có đẳng cấp vượt trội thật sự.

 

Nhìn nhận lại những giải thi đấu của bóng đá Việt Nam trong thời gian qua cho thấy đội có thể thắng tưng bừng một vài trận nhưng lại thất bại cay đắng ở những trận đấu quyết định. Điển hình là các trận thua trước đội tuyển Malaysia, Thái Lan. Ngay chiếc Cúp vô địch AFF năm 2008 cũng cho thấy tại giải đó đội Việt Nam đã không phải là đội bóng mạnh nhất, có đẳng cấp cao nhất, mà đoạt Cup vô địch còn do may mắn. Vì vậy để tạo nên một đội tuyển quốc gia có đẳng cấp chính là điều cần làm mang tính chiến lược cho cả một nền bóng đá. Bóng đá Việt Nam phải thừa nhận một điều: chúng ta chưa phải là những đội hàng đầu khu vực. Chiến thắng của bóng đá Việt Nam thời gian qua chỉ là sự thăng hoa của từng trận đấu, từng phong độ nhất thời của các cầu thủ mà thôi. Cái cần là chúng ta phải tạo ra một nền bóng đá có đẳng cấp hàng đầu khu vực như Thái Lan hay Malaysia đã làm được.

 

Vậy nên cho dù đội tuyển Việt Nam không thể vượt qua Malaysia để vào chung kết AFF Cup 2014, theo chúng tôi đó là một thất bại cần thiết, đánh giá đúng bản chất, thực lực của bóng đá Việt Nam hiện tại. Bóng đá Việt Nam có sự tiến bộ, các đội tuyển quốc gia có sự tiến bộ dưới thời HLV Miura. Vì vậy một thất bại cần thiết sẽ là mở đường cho chiến lược dài hơi để chúng ta xây dựng một nền bóng đá có đẳng cấp hàng đầu Đông Nam Á trong thời gian tới.