Khép lại một mùa bóng không nhiều thành công

16:27, 21/09/2015

Mùa bóng 2015 với nhiều kỳ vọng vào một sự chấn hưng bóng đá nước nhà đã khép lại với không nhiều bất ngờ và cũng chưa đạt được mong muốn của những nhà tổ chức và người hâm mộ.

Trước mùa bóng 2015, bóng đá Việt Nam được xem là đã lún sâu vào khủng hoảng. Số các đội bóng tham dự giải vô địch quốc gia tại V. League-1 và V. League-2 đã sụt giảm khá nhiều về số lượng cũng như mức độ đầu tư về tài chính. Để giảm bớt áp lực cho các đội, Ban Tổ chức giải đã đưa ra điều lệ cho V. League 2015 cả giải 1 và 2 chỉ có 1 đội phải xuống hạng. Các đội thi đấu tại V. League-1 cũng chỉ có 2 cầu thủ ngoại và 1 cầu thủ nhập tịch được ra sân để giảm sự đầu tư cho các đội, đồng thời cũng tạo điều kiện cho các cầu thủ Việt Nam cơ hội được ra sân nhiều hơn. Còn tại V. League-2, các đội sẽ không có cầu thủ ngoại tham dự. Các nhà tổ chức bóng đá cũng đề ra nhiều giải pháp nhằm ngăn chặn tiêu cực, chấn chỉnh công tác trọng tài, quyết tâm chống bạo lực sân cỏ, thiết lập lại văn hoá cổ vũ trong bóng đá …

 

Kết thúc mùa giải với khoảng 7 tháng thi đấu cho V. League-1  và V. League-2, những mục tiêu về: Chức vô địch, các vị trí có huy chương, suất thăng hạng và suất phải xuống hạng đã được xác định. Giải hạng nhất và chuyên nghiệp không bị đổ vỡ và cũng không có đội bóng bỏ dở cuộc chơi giữa chừng như một số mùa bóng trước. Đó có thể là những cái được đáng chú ý nhất mà mùa bóng 2015 mang lại. Như vậy trong mùa bóng 2016, số các đội tham dự V. League-1 sẽ có 14 đội và V. League- 2 sẽ có 12 đội theo đúng như lộ trình đề ra. Những kết quả nêu trên theo nhận định của người hâm mộ đó là những hiện hữu dễ nhìn thấy của giải đấu, còn những mục tiêu khác mà người hâm mộ kỳ vọng không đạt được như mong đợi.

 

Thứ nhất, chất lượng các trận đấu có sự giảm sút về chuyên môn do chất lượng cầu thủ tham dự không cao, một số đội còn quá yếu so với mặt bằng chung của các đội tham dự giải. Do vậy tính chất cọ sát của giải đấu không cao. Chức vô địch vì thế thiếu đi sự cạnh tranh gay gắt. Ngay từ đầu giải, chức vô địch gần như đã chỉ thuộc về 1 đội, đó là đội đương kim vô địch B. Bình Dương. Và trên thực tế, đội B. Bình Dương gần như không có đối thủ trong cuộc đua đến chức vô địch. Tương tự như giải chuyên nghiệp, giải hạng nhất cũng cho thấy chất lượng các đội tham dự kém hơn nhiều so với các giải trước. Tính chất đua tranh không cao, kém hấp dẫn.

 

Về vấn nạn tiêu cực, cho dù không có bằng chứng, nhưng dư luận người hâm mộ cho rằng vấn nạn xin điểm, cho điểm vẫn chưa được ngăn chặn. Những đội bóng thi đấu thất thường ở những trận đấu “nhậy cảm” đã bị khán giả la ó, thậm chí kêu gọi VFF phải điều tra làm rõ. Một số trận đấu đáng chú ý vào cuối mùa bóng đã làm mất đi sự hấp dẫn của giải do kết quả đã được dự báo trước do nghi ngờ tiêu cực. Vì vậy trong cuộc đua đến vị trí trụ hạng, tránh xuống hạng theo nhận định của người hâm mộ là không sòng phẳng, những đội bóng có mối quan hệ tốt sẽ có nhiều thuận lợi trong cuộc đua tránh xuống hạng. Đây là vấn đề tồn tại muôn thủa của bóng đá Việt Nam và còn chưa biết đến bao giờ mới khắc phục được.

 

Tiếp đó, vấn nạn về bạo lực sân cỏ cũng chưa cho thấy có dấu hiệu tích cực, mặc dù Ban Tổ chức giải, VFF đã ra tay khá nghiêm khắc. Mùa giải 2015 kết thúc với không ít các pha bóng bạo lực, nổi bật nhất là cú vào bóng triệt hạ đối phương của hậu vệ tuyển thủ quốc gia đang thi đấu cho đội Sông Lam Nghệ An Quế Ngọc Hải đã làm cho cầu thủ Anh Khoa của đội Đà Nẵng có nguy cơ phải từ bỏ sự nghiệp. Điều này cho thấy văn hoá thi đấu, văn hoá cổ vũ của bóng đá Việt Nam vẫn còn nhiều lạc hậu, lỗi thời và chưa được giải quyết có hiệu quả.