Chuyên nghiệp vẫn xa vời với bóng đá Việt

10:20, 05/11/2015

Bóng đá Việt Nam đã gần 15 năm thực hiện theo hướng chuyên nghiệp hoá. Giải vô địch bóng đá quốc gia (V. League) cũng được gọi tên là giải chuyên nghiệp. Tuy nhiên về thực chất, các hoạt động của bóng đá Việt Nam vẫn còn xa với những tiêu chí của một nền bóng đá chuyên nghiệp.

Trước tiên về mô hình tổ chức, tuy đã có Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đứng ra tổ chức, kinh doanh các giải thi đấu V. League và giải hạng nhất hằng năm, nhưng chất lượng hoạt động của tổ chức này chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Sự ràng buộc, chồng chéo giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và VPF trong thời gian qua đã làm cho hiệu quả hoạt động, quản lý điều hành nền bóng đá Việt Nam thiếu sự đột biến, quyết đoán cần thiết. Bóng đá Việt Nam có dấu hiệu chững lại, thậm chí đi xuống cả về chất lượng và số lượng các câu lạc bộ; chất lượng các đội tuyển quốc gia cũng vì thế mà không phát triển.

 

Tuy mang danh là một câu lạc bộ chuyên nghiệp, nhưng các đội bóng của Việt Nam không thể sống được nhờ bóng đá, mà vẫn phải dựa vào sự chu cấp của các doanh nghiệp và ngân sách của địa phương. Tiền bán bản quyền truyền hình các giải thi đấu tại Việt Nam cũng rất khiêm tốn. Do không tự chủ về kinh phí, tài chính eo hẹp và phụ thuộc, nên các câu lạc bộ không có tiếng nói quyết định trong nhiều vấn đề hệ trọng để đội bóng đó phát triển. Khi thiếu tiền, các hiện tượng tiêu cực cũng có đất để “sinh sôi, nẩy nở” với những ì xèo về trọng tài, nhường điểm, cho điểm tại một số trận đấu. Cũng do thiếu tiền, một hiện tượng rất lạ nhưng có thật của bóng đá Việt Nam là: nhiều đội bóng không muốn vô địch mà chỉ mong trụ hạng, bởi nếu vô địch sẽ phải mất nhiều tiền để làm nhiệm vụ tham dự các giải thi đấu trong khu vực và châu lục theo quy định. Cũng chính từ hệ luỵ của việc không biết cách và không đủ năng lực để tự chủ về tài chính nên các câu lạc bộ bóng đá Việt Nam không thể làm tốt việc quảng bá thương hiệu, hình ảnh của đội bóng, không thu hút được các cầu thủ ngoại chất lượng cao, các huấn luyện viên giỏi để đầu quân. Qua đó chất lượng các giải thi đấu bóng đá của Việt Nam không những không được nâng lên mà còn ngày càng sa sút, thụt lùi sau mỗi mùa giải.

 

Nhìn sang Thái Lan, một quốc gia có nền bóng đá phát triển nhất khu vực cho thấy họ thực sự hơn chúng ta rất nhiều về tính chuyên nghiệp. Giải vô địch quốc gia chuyên nghiệp của Thái Lan (Thai. League) có số tiền bản quyền truyền hình lên tới 57 triệu USD cho 3 mùa bóng (2013- 2014, 2014-2015, 2015-2016)), một con số khổng lồ so với V. League. Riêng hãng Toyota mới ra hạn tài trợ cho Thai. League 8 triệu USD, cao hơn 6 lần so với mức tài trợ cho V. League. Chỉ riêng với 2 khoản trên, các câu lạc bộ bóng đá của Thái Lan đã hùng mạnh hơn các câu lạc bộ của Việt Nam rất nhiều về tài chính để nâng cao ảnh hưởng trong các hoạt động bóng đá. Ngoài ra, các đội bóng của Thái Lan cũng luôn có nguồn thu rất lớn từ quảng cáo và bán các đồ lưu niệm liên quan đến các cầu thủ và đội bóng để có nguồn thu nhập dồi dào… Chỉ với so sánh như trên cho thấy con đường thực hiện chuyên nghiệp hoá bóng đá Việt Nam vẫn còn rất nhiều gian nan.