Có thể nói trong nhiều thập kỷ qua, thể thao nói chung và bóng đá nói riêng thì Thái Lan luôn là số 1 của khu vực Đông Nam Á. Vì thế mục tiêu của Thể thao Việt Nam trong nhiều năm qua luôn ngầm đề ra là làm thế nào và nhanh nhất có thể đuổi kịp Thái Lan, trong đó môn bóng đá được nhiều người quan tâm nhất.
Tại cấp độ đội tuyển quốc gia, Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á(AFF Suzuki Cúp) 2016 đã kết thúc. Kết quả không quá bất ngờ khi Thái Lan đoạt chức vô địch một cách dễ dàng và cũng là quốc gia có 5 lần đoạt cúp trong tổng số 11 lần giải được tổ chức. Đội tuyển Việt Nam tham dự giải lần này rất được kỳ vọng sẽ có thể đánh bại các đối thủ để lên ngôi vô địch lần thứ 2. Tuy nhiên, kỳ vọng chỉ là kỳ vọng, đội tuyển Việt Nam đã bị loại tại vòng bán kết, không thể thực hiện chỉ tiêu lọt vào trận chung kết. Và theo nhận định của các nhà chuyên môn thì dù có lọt vào trận chung kết thì đội tuyển Việt Nam cũng khó có cơ hội để đánh bại đội tuyển Thái Lan để đoạt chức vô địch. Như vậy ở cấp độ đội tuyển quốc gia, đã từ rất lâu, Việt Nam không thể có được chiến thắng trước Thái Lan ở tất cả các sân chơi dù là giao hữu hay các giải thi đấu chính thức.
Vậy muốn đuổi kịp Thái Lan, bóng đá Việt Nam đã xác định phải làm thật tốt công tác đào tạo trẻ, ngõ hầu trong thời gian không qúa dài, lứa cầu thủ trẻ sẽ trưởng thành và chúng ta có một đội tuyển quốc gia đủ sức cạnh tranh vị thế đứng đầu của Thái Lan trong khu vực. Về lô gic thì đúng như vậy, nhưng thực tế còn nhiều vấn để phải bàn. Chúng ta tiến lên, nhưng đối thủ cũng không đứng im. Vậy để đuổi kịp chúng ta phải tiến nhanh hơn họ. Việt Nam đã có những người rất tâm huyết với bóng đá, không tiếc công sức, tiền của để đào tạo ra những tài năng trẻ nhằm vươn lên đuổi kịp Thái Lan. Nổi bất nhất, đáng hy vọng nhất là công tác đào tạo tại đội Hoàng Anh Gia Lai. Sau gần 10 năm, câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai đã cho ra lò lứa cầu thủ trẻ tài năng đầu tiên. Hiện nay một số cầu thủ trẻ đó đã là những nòng cốt của đội tuyển quốc gia và đội tuyển U-21, U-22, U-23 quốc gia. Nổi bật nhất là những cầu thủ: Lương Xuân Trường, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Văn Thanh. Đây thật sự là những hy vọng lớn để bóng đá Việt Nam tiến lên trong tương lai. Tiếp theo đó, một lứa cầu thủ trẻ hơn nữa(đội tuyển U-19 Việt Nam) cũng thuộc các trung tâm đào tạo trẻ của các câu lạc bộ bóng đá trong nước đào tạo đã vừa đoạt được chiếc vé tham dự vòng chung kết U-20 thế giới tổ chức vào năm 2017 tại Hàn Quốc. Chúng ta có thể đặt niềm tin vào lứa cầu thủ tài năng này sau 3 đến 5 năm nữa sẽ tỏa sáng, đủ sức cạnh tranh vị trí cao nhất tại khu vực Đông Nam Á. Những nỗ lực trong đào tạo trẻ của bóng dá Việt Nam đã cho qủa ngọt đầu tiên, rất đáng trân trọng. Tuy nhiên như trên đã nói, ta tiến nhưng đối thủ cũng tiến, thậm chí còn nhanh hơn ta. Xin đơn cử một ví dụ gần nhất là tại Giải bóng đá quốc tế U-21 vừa diễn ra tại T.P Hồ Chí Minh. Cả 2 đại diện tốt nhất cho thế hệ cầu thủ trẻ của Việt Nam là U-21 Hoàng Anh Gia Lai và U-21 Việt Nam đều không thể vượt qua vòng bán kết. Hai đại diện lọt vào trận chung kết lại là U-21 Thái Lan và U-21 Yokohama. Hơn nữa, cả 2 đội khách nêu trên dù mang danh là U-21, nhưng thực tế là những cầu thủ chỉ ở độ tuổi từ 18 đến19 tuổi. Điều này đủ thấy về trình độ tài năng trẻ, chúng ta tiến bộ, nhưng quốc gia mạnh nhất thể thao của khu vực là Thái Lan lại còn tiến bộ nhanh hơn ta.
Chúng ta đang đi đúng hướng, nhưng có lẽ trong thời gian gần thể thao nói chung, bóng đá nói riêng của Việt Nam chưa thể đuổi kịp Thái Lan. Vậy nên những nhận định nóng vội, chủ quan sẽ chỉ làm cho lộ trình chấn hưng thể thao Việt Nam thêm nhiều trở ngại mà thôi.