Sau nỗi buồn thất bại của đội tuyển U22 Việt Nam tại SEA Games 29, đã đến lúc Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) cần dũng cảm nhìn vào sự thật, phân tích những nguyên nhân để tìm ra giải pháp tổ chức và xây dựng đội tuyển quốc gia.
Toàn thắng cả ba trận đầu trước các đội bóng yếu hơn ở vòng bảng môn bóng đá nam SEA Games 29, nhưng nhược điểm của U22 Việt Nam thật sự bộc lộ trước các đội bóng mạnh của khu vực. Ðây cũng là nhược điểm đã được nhìn thấy từ nhiều năm và qua nhiều kỳ SEA Games không thành công của bóng đá nước ta gần đây. Không phải đến lúc HLV Hữu Thắng chính thức thừa nhận trách nhiệm và nêu lên một phần nguyên nhân của thất bại, chúng ta mới biết được áp lực tâm lý căng thẳng khiến đôi chân các cầu thủ Việt Nam "bị cóng".
Ðã nhiều năm qua, dường như cứ bước vào các trận đấu mang tính quyết định, bóng đá Việt Nam luôn để lại nỗi thất vọng cho những người hâm mộ. "Áp lực tâm lý" luôn được mang ra để giải thích cho những sai lầm cá nhân và cho cả sai lầm của tập thể đội bóng. Tại sao, cũng là các đội bóng như Thái-lan, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a,... khi bị dẫn trước, họ vẫn chiến đấu kiên cường đến cùng và nhiều lúc lật ngược thế cờ thì đội bóng của chúng ta lại thường lúng túng, dễ sa vào tâm lý bại trận, nhất là khi thời gian không còn nhiều? Lỗi tâm lý lặp đi lặp lại, khó có thể chấp nhận được đối với một đội tuyển quốc gia, với những tuyển thủ chuyên nghiệp được chọn lựa kỹ càng, được đầu tư tập huấn, thi đấu cọ xát hết nước này đến nước khác, cả châu Âu lẫn châu Á. Thẳng thắn nhìn nhận, lỗi lớn nhất của đội tuyển U22 Việt Nam, trước đó là các đội tuyển U23 và đội tuyển quốc gia Việt Nam, đó là thiếu bản lĩnh thi đấu, thiếu quyết tâm và ý chí kiên cường, thiếu khả năng dứt điểm trong những cơ hội quyết định, trong những trận đấu quyết định.
HLV Hữu Thắng đã xin từ chức, đồng thời nói rất rõ về lỗi của anh và ban huấn luyện khi "chưa làm tốt công tác tư tưởng và các liệu pháp tinh thần để cầu thủ giữ được cái đầu lạnh trong một trận đấu quan trọng", để rồi mắc hết sai lầm này đến sai lầm khác. Nhưng, đó chỉ là một phần lý do mà HLV Hữu Thắng chưa nói hết hoặc chưa dám thừa nhận, trong khi giới chuyên môn và dư luận liên tục đề cập. Có hay không những sai lầm trong chiến thuật và cả trong cả cách dùng người? Có hay không áp lực tâm lý từ chính ban huấn luyện, gây ức chế khiến họ chậm chạp và không có được những thay đổi chiến thuật cần thiết trước đối thủ?
Sẽ là không xác đáng nếu chỉ hoàn toàn đổ lỗi cho tâm lý bởi các sai lầm đã được nhận ra từ trước trận gặp U22 Thái-lan. Tại sao chúng ta lại để mất đi thế thượng phong khi đã gần như "chạm một tay vào vòng bán kết" từ trận đấu với đội bóng U22 In-đô-nê-xi-a chơi thiếu người trong suốt hai phần ba hiệp hai. Ðó là sai lầm từ một đội hình gồm những cầu thủ hàng công có thừa khả năng biểu diễn, rê dắt cá nhân mà không đủ khả năng tiếp cận, chọc thủng được hàng phòng ngự của các đội bóng mạnh và ngang cơ (chưa hẳn là giỏi hơn), trong khi chơi thiên về phòng ngự thì chưa đủ tầm ngăn chặn và liên tục mắc sai lầm. Ðể rồi từ đó, U22 Việt Nam rơi vào tình thế buộc phải thắng trước U22 Thái-lan ở trận cuối cùng của vòng bảng SEA Games 29.
Không thấy một lời thừa nhận hay xin lỗi nào về cách dùng người, chỉ biết dựa vào một vài cá nhân được tin tưởng, ít có sự lựa chọn thay thế, cùng một chiến thuật cứng nhắc 4-4-1-1 xuyên suốt các trận, dễ bị đối phương bắt bài, song vẫn không có sự điều chỉnh một cách linh hoạt. Liệu đó có phải là sự bảo thủ hay lối tư duy thiếu nhạy bén trong điều hành, không đưa ra được những chỉ dẫn và quyết định cần thiết? Tương tự là cách tiếp cận trận đấu không hợp lý mà rõ nhất là trong thời điểm khó khăn với các phương án thay người không hiệu quả.
HLV Hữu Thắng cũng không hoàn toàn chịu hết trách nhiệm như anh đã nhận, công bằng hơn đó là sự thất bại của một chiến lược chuẩn bị, xây dựng đội tuyển có quá nhiều sự can thiệp, chi phối cá nhân và cách nhìn nhận cục bộ từ phía những người có trách nhiệm của VFF. Sức mạnh của một nền bóng đá không phải đến trong tức thì hay vài ba năm, đó là cả một quá trình lâu dài, từ chính sức mạnh nội lực, biết nhìn thẳng vào sự thật, nhận ra những sai lầm và cả từ sự cầu thị, mong muốn xây dựng một nền tảng bền vững cho sự phát triển, nếu không muốn bị tụt hậu và mãi là những thất vọng. Ðội tuyển Việt Nam trong tương lai gần sẽ là lứa cầu thủ U22 hiện tại và tiếp tục bổ sung từ những lứa cầu thủ mới từ U15, U17, U19, nhưng hy vọng họ sẽ có được sự dẫn dắt của những "thuyền trưởng" lão luyện, không chỉ am hiểu, biết động viên, khích lệ tinh thần quyết chiến mà phải thật sự là những chiến lược gia về đấu pháp, biết dẫn dắt đội quân của mình đi đến thành công trong các đấu trường khu vực và châu lục.