Do những ảnh hưởng chủ quan và khách quan tại kỳ Paralympic đặc biệt Tokyo 2020, đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam không đặt mục tiêu huy chương cho các vận động viên (VĐV) mà chỉ quyết tâm vượt qua thành tích của chính mình, nỗ lực giành được kết quả cao nhất tại Thế vận hội.
Đoàn thể thao người khuyết tật (TTNKT) Việt Nam sẽ tham dự Paralympic Tokyo 2020 với 15 thành viên, trong đó có 7 vận động viên tranh tài ở 3 môn cử tạ, bơi, điền kinh, 3 huấn luyện viên; 5 cán bộ, phiên dịch, bác sĩ.
Đoàn do Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao - Nguyễn Hồng Minh làm Trưởng đoàn.Các vận động viên tham gia tranh tài tại Paralympic Tokyo 2020 gồm: Châu Hoàng Tuyết Loan, Lê Văn Công (cử tạ); Võ Thanh Tùng, Trịnh Thị Bích Như, Đỗ Thanh Hải (bơi); Cao Ngọc Hùng, Nguyễn Thị Hải (điền kinh).
Đây đều là những VĐV có thành tích tốt nhất của TTNKT Việt Nam, đã được Uỷ ban Paralympic quốc tế (IPC) chấp thuận và phê chuẩn giành quyền tham dự Thế vận hội sau khi có kết quả phân loại thương tật đảm bảo thời gian và quy định của IPC.
Tuy nhiên, so với lần tham dự Thế vận hội 2016, các VĐV của chúng ta được đánh giá là khó có được thành tích tốt nhất. Nguyên nhân là do 2 năm qua chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh nên không thể tham dự các giải đấu quốc tế, thậm chí các giải đấu trong nước cũng bị dừng tổ chức; các VĐV không có cơ hội giao lưu, cọ sát để nâng cao thành tích. Thêm vào đó, nhiều VĐV đã lớn tuổi lại dính chấn thương khiến phong độ thi đấu có phần giảm sút. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến Đoàn TTNKT Việt Nam không đặt nặng vấn đề huy chương khi tham dự Thế vận hội.
Đoàn TTNKT Việt Nam sẽ lên đường sang Tokyo vào ngày 19/8 và tiến hành làm các thủ tục theo quy định để gia nhập làng VĐV tại Nhật Bản vào ngày 20-8.
Đến nay, theo ông Nguyễn Hồng Minh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Trưởng đoàn TTNKT Việt Nam tham dự Paralympic Tokyo 2020: Mọi công tác chuẩn bị cho đoàn đã hoàn tất và sẵn sàng cho ngày lên đường. Đoàn đã nhận được thẻ PCA cho 15 thành viên để thay thế visa vào Nhật. Công tác hậu cần như chuẩn bị trang phục, hỗ trợ các VĐV làm thủ tục, chuẩn bị thuốc men, ăn uống dọc đường, công tác xét nghiệm, tiêm vaccine… đều đã được phân công cụ thể cho các cán bộ đoàn.
Thế vận hội Người khuyết tật Mùa hè 2020 (Paralympic Tokyo 2020) là một sự kiện thể thao đa môn quốc tế dành cho người khuyết tật được tổ chức từ ngày 24-8 đến ngày 5-9 ở Tokyo (Nhật Bản).
Ban đầu được dự kiến diễn ra từ ngày 25/8 đến ngày 5/9/2020, sự kiện này đã bị hoãn lại vào tháng 3 năm 2020 do ảnh hưởng của đại dịch Đại dịch COVID-19. Mặc dù được dời lại vào năm 2021, sự kiện này vẫn giữ tên Tokyo 2020 nhằm mục đích tiếp thị và xây dựng thương hiệu. Đây là lần đầu tiên Thế vận hội bị hoãn và lên lịch lại, thay vì hủy bỏ. Đây sẽ là lần thứ hai Tokyo đăng cai tổ chức Paralympic, sau lần đầu tiên tổ chức vào năm 1964.
Với sự góp mặt của khoảng 4.400 VĐV. BTC nước chủ nhà đã lên các phương án để đảm bảo tổ chức Thế vận hội an toàn và thành công. Cũng giống như Olympic, BTC nước chủ nhà quyết định khán giả sẽ không được dự khán các trận thi đấu trực tiếp mà sẽ theo dõi qua kênh truyền hình, phát sóng trực tiếp tất cả các môn thi tại Thế vận hội.
Cùng với đó, ghi lễ rước đuốc Paralympic Tokyo 2020 trên các tuyến đường và tại quảng trường trung tâm thành phố Tokyo cũng sẽ bị hủy do lo ngại về ca mắc COVID-19 gia tăng với biến chủng mới vô cùng nguy hiểm. Thay vào đó, các buổi lễ châm đuốc (truyền lửa) sẽ được BTC tiến hành ngắn gọn, giảm tối đa số người tham dự nhằm ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh COVID-19.
Được biết, những người đặt chân đầu tiên đến Nhật Bản tham dự Paralympic là 13 thành viên, trong đó có 8 VĐV đội tuyển Bơi của Pháp. Họ đã được BTC đưa tới trung tâm huấn luyện ở thành phố Kanazawa, miền Trung Nhật Bản, sau khi giới quan chức xác nhận toàn bộ thành viên đội tuyển đều có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.