Hiện tại, việc tìm chuyên gia nước ngoài cho các kình ngư trọng điểm của Việt Nam vẫn đang được Tổng cục Thể dục thể thao (TDTT) xúc tiến. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn kinh phí hạn hẹp, sẽ không dễ tìm được chuyên gia ưng ý dù bơi được xác định là môn chủ lực của thể thao Việt Nam tại SEA Games 31 và ASIAD 2022.
Những cột mốc gắn với thầy ngoại
Một trong những cột mốc của bơi Việt Nam ở sân chơi SEA Games gắn với kình ngư Nguyễn Hữu Việt. Tại SEA Games năm 2005, Nguyễn Hữu Việt giành tấm huy chương vàng (HCV) đầu tiên cho bơi Việt Nam ở nội dung 100m ếch. Cũng nhờ đó, bơi Việt Nam được đầu tư mạnh mẽ hơn để chinh phục các cột mốc khác.
Và, trong thành tích của Nguyễn Hữu Việt, phải kể đến dấu ấn của chuyên gia người Trung Quốc Hoàng Quốc Huy, huấn luyện viên (HLV) "thời vụ" cho đội tuyển bơi Việt Nam trong thời gian chuẩn bị cho SEA Games năm 2005 và xa hơn là chuyên gia Trung Quốc khác của đội tuyển bơi Hải Phòng là Doãn Cử. Sau đó, 2 tấm HCV SEA Games năm 2007 và 2009 của Nguyễn Hữu Việt ở nội dung 100m ếch cũng đều có dấu ấn của hai chuyên gia Trung Quốc này.
Đến ASIAD 2018, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng đặt thêm dấu mốc khác cho bơi Việt Nam khi giành HCB nội dung 1.500m bơi tự do. Thành tích ở nội dung này giúp Nguyễn Huy Hoàng sớm giành chuẩn A tham dự Olympic Tokyo 2020. Và, trong thành công của Nguyễn Huy Hoàng cũng có dấu ấn của chuyên gia người Trung Quốc Hoàng Quốc Huy, người chính thức trở thành HLV đội tuyển bơi Việt Nam, phụ trách nhóm vận động viên (VĐV) nam trọng điểm từ sau SEA Games năm 2015. Riêng ở SEA Games năm 2019, các kình ngư nam Việt Nam dưới sự dẫn dắt của chuyên gia Hoàng Quốc Huy đã giành tới 4 HCV. Đó cũng là kỳ SEA Games mà các kình ngư nam Việt Nam giành nhiều HCV nhất từ trước đến nay.
Cũng phải kể thêm, tại Olympic Tokyo 2020, dù không vào vòng chung kết nhưng Nguyễn Huy Hoàng vẫn là kình ngư châu Á có thành tích tốt nhất ở vòng loại.
Bơi Việt Nam từng cộng tác với chuyên gia Anderson Christopher (Mỹ), Nagy Peter (Hungary)... Họ không để lại dấu ấn rõ nét như chuyên gia Hoàng Quốc Huy nhưng cũng mang đến sự phát triển nhất định cho VĐV như nhận định của ông Đinh Việt Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam.
Rõ ràng, trong hành trình khẳng định mình ở các sân chơi quốc tế của bơi Việt Nam, đặc biệt là các kình ngư nam, có vai trò không thể thiếu của HLV, chuyên gia ngoại.
Bài toán tìm thầy ngoại
Dấu ấn của chuyên gia nước ngoài với thành công của Nguyễn Huy Hoàng và các kình ngư nam khác khiến các nhà quản lý tự tin đặt ra nhiều mục tiêu trong thời gian tới. Đặc biệt, người trong nghề đã nói tới mục tiêu giành HCV ở những nội dung mà Nguyễn Huy Hoàng tham dự tại ASIAD 2022. Thế nhưng, việc HLV Hoàng Quốc Huy qua đời đột ngột vào tháng 8 vừa qua đã đặt các nhà quản lý trước bài toán tìm chuyên gia ngoại cho các kình ngư trọng điểm.
Như nhận định của phụ trách bộ môn Bơi (Tổng cục TDTT) Lê Thanh Huyền thì tìm chuyên gia ngoại cho các kình ngư Việt Nam luôn là vấn đề được quan tâm. Vấn đề là trình độ của chuyên gia ở mức nào? Họ có thể thúc đẩy sự phát triển của các kình ngư đến đâu? Và, quan trọng là làm thế nào để có đủ kinh phí cho việc thuê chuyên gia nước ngoài?
Một chuyên gia ngoại giỏi có thể đáp ứng các yêu cầu của bơi Việt Nam trong hoàn cảnh hiện nay thường có mức lương khoảng 10.000USD/ tháng trở lên. Đó thực sự là vấn đề lớn bởi nguồn lực từ Tổng cục TDTT còn hạn chế. Lúc này, chỉ có thể trông vào nguồn kinh phí xã hội hóa - từ Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam hay các doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay, chưa có tín hiệu khả quan từ những nguồn này.
Dù vậy, theo Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT Trần Đức Phấn, các bên liên quan vẫn đang cố gắng tìm HLV ngoại phù hợp để phát huy tốt khả năng của VĐV. Một trong những phương án được Tổng cục TDTT tính đến là đưa Nguyễn Huy Hoàng và một số kình ngư trọng điểm đi tập huấn ở Hungary sau khi dịch Covid-19 được khống chế, đồng thời thuê chuyên gia ở đó.
Thực sự, không dễ có được một chuyên gia ngoại giỏi, phù hợp tình hình tài chính của bơi Việt Nam như chuyên gia Hoàng Quốc Huy. Bài toán tìm chuyên gia ngoại cho bơi Việt Nam lúc này vẫn ở chế độ chờ. Lời giải phụ thuộc vào sự chung tay vào cuộc mạnh mẽ của Tổng cục TDTT, doanh nghiệp, Hiệp hội Thể thao dưới nước Việt Nam và phần nào đó là các đơn vị chủ quản của VĐV. Nếu không, chúng ta lại phải trông chờ vào sự may mắn trong việc tuyển chọn HLV ngoại, như từng có được với cố HLV Hoàng Quốc Huy.