Với việc dẫn dắt đội tuyển karate Việt Nam thi đấu đặc biệt thành công tại Giải vô địch Karate châu Á (tháng 12-2021), huấn luyện viên Lê Tùng Dương được vinh danh là gương mặt tiêu biểu của thể thao Việt Nam năm 2021. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về bí quyết thành công trong nghiệp huấn luyện viên, ông Lê Tùng Dương chia sẻ: “Càng khó khăn, người thầy càng phải quan tâm vận động viên như người anh, người cha”…
- Ông có thể chia sẻ đôi điều khi trở thành huấn luyện viên tiêu biểu của thể thao Việt Nam năm 2021?
- Thực sự vinh dự và tự hào, bởi đó như một sự ghi nhận của các nhà quản lý và chuyên môn đối với sự nỗ lực tập luyện, thi đấu trong năm 2021 của cả ban huấn luyện và tập thể vận động viên đội tuyển karate quốc gia. Sự nỗ lực đó đã mang lại thành quả đặc biệt là việc giành 3 Huy chương vàng, 1 Huy chương đồng, xếp thứ 6 trong tổng số 21 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự Giải vô địch Karate châu Á. Đặc biệt, lần đầu tiên Việt Nam đã giành được Huy chương vàng nội dung đồng đội nữ kumite (đối kháng) - vốn là nội dung do Iran, Nhật Bản, Kazakhstan luân phiên "thống trị". Thành quả của đội cho thấy dù gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng các vận động viên vẫn duy trì được trạng thái tinh thần tốt, thi đấu đầy bản lĩnh, thể hiện được ý chí kiên cường và năng lực. Thể lực của các em cũng rất tốt, cho dù có ngày phải thi đấu liền từ 6 đến 7 trận cả cá nhân và đồng đội.
- Gắn bó với nghiệp huấn luyện viên từ năm 2000 đến nay, nhưng thực ra, ông đã có đến 34 năm gắn bó với thể thao, trưởng thành từ một vận động viên năng khiếu được tuyển chọn vào đội tuyển karate Hà Nội, từng giành rất nhiều huy chương quý giá tại các đấu trường tầm cỡ châu Á. Hẳn ông có rất nhiều bài học kinh nghiệm quý dành cho các học trò của mình?
- Với môn võ có tính đối kháng cao như karate, việc tập luyện gian khổ, phải đối mặt với nguy cơ chấn thương ảnh hưởng tới sức khỏe, rồi phải xa gia đình triền miên… là những khó khăn thường trực. Vì vậy, một khi là vận động viên chuyên nghiệp, bắt buộc phải có ý chí, nghị lực, đặc biệt là niềm đam mê đối với môn thể thao mình đã chọn. Tôi cũng đánh giá cao tầm quan trọng của công tác tâm lý, kịp thời động viên khích lệ các vận động viên. Đặc biệt, càng khó khăn, người thầy càng phải quan tâm vận động viên như người anh, người cha, bởi các môn võ đều đề cao tinh thần tôn sư trọng đạo, sự kết nối thầy trò vô cùng quan trọng.
Lứa vận động viên hiện nay của đội tuyển karate quốc gia là sự kết hợp giữa kinh nghiệm thi đấu và sức trẻ. Nếu được thi đấu nhiều giải tầm cỡ thế giới, chắc chắn các em sẽ tiến bộ nhanh. Yếu tố quan trọng để có được thành công, đó là các em phải có nền tảng kỹ thuật, thể lực, chiến thuật, được tuyển chọn kỹ càng. Cùng với đó là ý chí, nghị lực, bản lĩnh thi đấu và sự thông minh. Trong đó, bản lĩnh thi đấu phải được trui rèn qua việc thi đấu thường xuyên, không bị ngợp khi ra đấu trường lớn.
- Ông có thể cho biết mục tiêu của karate Việt Nam trong năm 2022?
- Chúng ta phấn đấu đạt chỉ tiêu giành 4 Huy chương vàng SEA Games 31 và nỗ lực cao nhất để có huy chương tại đấu trường ASIAD 19. Trong bối cảnh thích ứng, linh hoạt với dịch Covid-19, phương án hiệu quả nhất là cần bảo đảm nguồn kinh phí để tập huấn và thuê chuyên gia, đầu tư cho các vận động viên đi thi đấu quốc tế; lấy thi đấu làm cơ sở điều chỉnh, phát huy điểm mạnh, khắc phục điểm yếu, học hỏi chiến thuật.
- Để có một Lê Tùng Dương gắn bó và đam mê với karate như hiện nay chắc chắn phải có sự chia sẻ, hậu thuẫn rất lớn từ hậu phương là gia đình, người thân, thưa ông?
- Hai con tôi được đặt tên là Toàn Thắng (sinh năm 2003), Trung Hiếu (sinh năm 2007) đều gắn liền với những chiến thắng lớn của karate Việt Nam tại SEA Games 22-2003 và SEA Games 24-2007. Sự động viên, chia sẻ từ gia đình, vai trò chăm sóc, nuôi dạy con cái của vợ tôi thực sự là động lực giúp tôi yên tâm, nỗ lực nhiều hơn trong hành trình huấn luyện, đào tạo vận động viên, cống hiến cho thể thao Việt Nam.
- Trân trọng cảm ơn ông!