Xây dựng nền hành chính vì dân phục vụ

Hoàng Hải 09:13, 04/05/2024

Kết quả xếp thứ 2 toàn quốc về Chỉ số SIPAS năm 2023 được Bộ Nội vụ công bố mới đây cho thấy, Thái Nguyên tiếp tục nỗ lực thực hiện mục tiêu "Vì sự hài lòng của người dân đối với cơ quan hành chính Nhà nước". Đây không chỉ là năm thứ 2 liên tiếp tỉnh giữ vững vị trí này mà quan trọng hơn là Thái Nguyên đã có sự vươn lên ở các chỉ số thành phần.

Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ làm việc tại Thái Nguyên năm 2023.
Đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ làm việc tại Thái Nguyên năm 2023.

Theo đánh giá Chỉ số SIPAS (Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước) năm 2023, Thái Nguyên đạt 90,29%, tăng 4,03% so với năm 2022. Trong khi đó, kết quả trung bình toàn quốc là 82,66%. Đây là kết quả ấn tượng, khẳng định sự quyết tâm, nỗ lực của tỉnh trong giải quyết công vụ cũng như thái độ phục vụ của các cán bộ, công chức làm việc tại các cơ quan hành chính Nhà nước.

Trong kết quả Chỉ số SIPAS của tỉnh, nhiều chỉ số thành phần có sự cải thiện rõ rệt so với năm trước, cụ thể như: Chỉ số nội dung mức độ hài lòng đối với việc xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách đạt 89,89%, tăng 4,17%. Ở chỉ số này có nhiều chỉ tiêu thành phần tăng như: Mức độ hài lòng đối với trách nhiệm giải trình của chính quyền; Mức độ hài lòng đối với cơ hội tham gia vào quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện chính sách; Mức độ hài lòng đối với kết quả tác động của chính sách…

Bên cạnh đó, chỉ số mức độ hài lòng đối với việc cung ứng dịch vụ hành chính với các chỉ tiêu: Mức độ hài lòng của người dân đối với tiếp cận dịch vụ, thủ tục hành chính; mức độ hài lòng với công chức và kết quả giải quyết thủ tục hành chính… đều đạt trên 90% (tăng từ 3-4% so với năm 2022).  

Thái Nguyên đứng thứ 2 toàn quốc về Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với cơ quan hành chính Nhà nước năm 2023.
Thái Nguyên đứng thứ 2 toàn quốc về Chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người dân đối với cơ quan hành chính Nhà nước năm 2023.

Những kết quả trên đều do Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện trong phạm vi cả nước, trong đó có Thái Nguyên. Hoạt động này được triển khai độc lập nhằm đánh giá khách quan chất lượng phục vụ người dân của cơ quan hành chính Nhà nước.

Theo đó, năm 2023, Bộ Nội vụ đã triển khai đo lường sự hài lòng, lắng nghe ý kiến phản hồi của 39.765 người dân thuộc mọi thành phần nhân khẩu từ khắp mọi vùng, miền. Từ đây, Bộ tổng hợp, phân tích dữ liệu và xây dựng bộ chỉ số gồm 45 chỉ số phản ánh nhận định, đánh giá; 51 chỉ số phản ánh mức độ hài lòng và 10 chỉ số phản ánh nhu cầu mong đợi của người dân.

Đặc biệt, có 9 nhóm chính sách công quan trọng, có ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của người dân gồm: phát triển kinh tế; khám, chữa bệnh; giáo dục phổ thông; điện, nước sinh hoạt; trật tự, an toàn xã hội; giao thông đường bộ; an sinh, xã hội và chính sách CCHC Nhà nước được lựa chọn để người dân đánh giá.

Còn đối với dịch vụ hành chính công, người dân đánh giá các dịch vụ được cung ứng tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và bộ phận một cửa ở địa phương.

Bên cạnh vị thứ 2 về Chỉ số SIPAS, Chỉ số cải cách hành chính (CCHC - PAR INDEX) của tỉnh năm 2023 cũng tăng 3 bậc (vươn lên vị trí thứ 6 toàn quốc). Theo đánh giá, Thái Nguyên đạt 90,76% (tăng 3,39% so với năm 2022). Đây là năm thứ 3 liên tiếp Chỉ số CCHC của tỉnh nằm trong nhóm 10 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước.

Trong đó, một số lĩnh vực đạt cao như: Công tác chỉ đạo điều hành CCHC đạt 89,47%; Cải cách thể chế đạt 94,83%; Cải cách thủ tục hành chính đạt 99,42%; Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số đạt 89,62%; Tác động của CCHC phát triển kinh tế - xã hội đạt 88,96%...

Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh hoạt động chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của nhân dân.
Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh hoạt động chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của nhân dân.

Đây cũng là một trong những chỉ số liên quan mật thiết đến “thước đo” về sự hài lòng của người dân đối với nền hành chính của tỉnh. Chỉ số CCHC cấp tỉnh được đánh giá ở 8 lĩnh vực, 37 tiêu chí, 88 tiêu chí thành phần. Về phương pháp, việc đánh giá có sự tham gia thẩm định của các cơ quan được Chính phủ giao chủ trì ở từng nội dung; đánh giá đa chiều với sự kết hợp của các cơ quan hành chính Nhà nước và sự tham gia đánh giá của người dân, tổ chức và ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình đánh giá, đảm bảo chính xác, khách quan, công bằng.

Để triển khai, đánh giá xác định Chỉ số CCHC năm 2023, Bộ Nội vụ đã tiến hành khảo sát hơn 89 nghìn phiếu (trong đó có gần 40 nghìn phiếu của người dân, trên 49,4 nghìn phiếu của công chức, lãnh đạo, quản lý). Theo đánh giá, đây là cuộc điều tra xã hội học có quy mô lớn, toàn diện, đa dạng, đa chiều.

Có thể khẳng định, những kết quả mà Thái Nguyên đã đạt được về Chỉ số SIPAS và CCHC năm qua tiếp tục cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cơ quan hành chính Nhà nước từ tỉnh đến cơ sở trong việc đáp ứng sự hài lòng của người dân. Một trong những minh chứng cho điều này là hằng năm UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch CCHC, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị, địa phương; thành lập đoàn công tác kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất về CCHC, kết quả thực hiện nhiệm vụ do Chủ tịch UBND tỉnh giao và việc thực hiện công vụ của cán bộ, công chức, viên chức tại các cơ quan, đơn vị, địa phương… Từ đó kịp thời nhắc nhở, chấn chỉnh những hạn chế, bất cập cũng như lắng nghe khó khăn, kiến nghị, đề xuất để có giải pháp khắc phục.