Theo Phương án phát triển cụm công nghiệp (CCN) thời kỳ 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thái Nguyên có 41 CCN với tổng diện tích 2.067ha. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 27 CCN được thành lập, với tổng diện tích trên 1.000ha, tổng vốn đăng ký 10.798 tỷ đồng, số vốn thực hiện đạt khoảng 3.118 tỷ đồng, trong đó 12 CCN có chủ đầu tư hạ tầng đã đi vào hoạt động, với 62 doanh nghiệp (DN) thứ cấp đang sản xuất, kinh doanh. Trong quá trình đầu tư hạ tầng các CCN, nhà đầu tư phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, cần có sự vào cuộc gỡ khó của các sở, ngành, địa phương.
Cụm công nghiệp Bảo Lý - Xuân Phương (ở huyện Phú Bình, do Công ty TNHH Bê tông xây dựng Việt Cường làm chủ đầu tư hạ tầng) đang được đẩy nhanh tiến độ xây dựng. Ảnh: Mạnh Hùng |
Nhiều vướng mắc trong giải phóng mặt bằng
Các CCN đã đi vào hoạt động gồm: Trúc Mai, Điềm Thụy, Kha Sơn, số 3 cảng Đa Phúc, Nguyên Gon, Khuynh Thạch, An Khánh, Cây Bòng, Phú Lạc 2, Sơn Cẩm 3, Sơn Cẩm 1 và Quang Sơn 1.
TP. Thái Nguyên là địa phương đến thời điểm này có nhiều CCN nhất với 7 CCN; 3/7 CCN đã được thành lập với tổng vốn đăng ký đầu tư 1.728 tỷ đồng. Đến nay, có 2/3 CCN (Sơn Cẩm 1 và CCN Sơn Cẩm 3) đã có DN thứ cấp hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Song vướng mắc nhất vẫn là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB) chậm, UBND TP. Thái Nguyên chưa bố trí được quỹ đất tái định cư. Cụ thể, CCN Sơn Cẩm 1 chủ đầu tư hạ tầng là Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG, diện tích theo quyết định thành lập là 70,53ha, đến nay mới đền bù GPMB được 59,78ha. Hiện, chủ đầu tư đã lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh gia hạn tiến độ thực hiện dự án.
Trên địa bàn TP. Phổ Yên có 4 CCN được quy hoạch với tổng diện tích 244,5ha; 3/4 CCN thành lập với tổng vốn đăng ký đầu tư 943 tỷ đồng. Hiện, CCN số 3 cảng Đa Phúc đã có 25 DN thứ cấp hoạt động sản xuất, kinh doanh. Vướng mắc về GPMB, chưa bố trí được quỹ đất tái định cư (TĐC) cũng khiến CCN Tân Phú 1 và Tân Phú 2 hết tiến độ thực hiện.
Ông Vũ Quốc Huy, Trưởng Ban Quản lý CCN số 3 cảng Đa Phúc (do Công ty CP Tư vấn và chuyển giao công nghệ quốc tế ICT làm chủ đầu tư), cho biết: CCN còn khoảng 11,5% diện tích đất chưa GPMB xong nên chưa đủ điều kiện xây bao tường ranh giới CCN dẫn đến khó khăn trong quản lý. Một số hộ dân xung quanh lấn chiếm đất cây xanh, bồi lấp mương thoát nước chung gây ngập úng cục bộ.
Ngoài khó khăn chung trong công tác GPMB, đại diện Công ty CP Bất động sản và phát triển hạ tầng Hoàng Gia Thái Nguyên - chủ đầu tư CCN Quân Chu (Đại Từ), đề nghị sớm di chuyển đường điện trung thế để đảm bảo tiến độ thi công.
Bên cạnh công tác GPMB, các chủ đầu tư CCN cũng có nhiều kiến nghị khác liên quan, như: Hệ thống hạ tầng kết nối (đường giao thông, điện, cấp thoát nước chung của khu vực) của một số CCN chưa được triển khai sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án (Tân Phú 1, Tân Phú 2, Quân Chu…).
Một số địa phương (Đại Từ, Phú Lương) quy hoạch CCN chồng lấn quy hoạch khoáng sản, năng lượng phải rà soát tìm vị trí khác thay thế. Mặt khác, nhiều hộ trong vùng dự án đề nghị phải có khu TĐC trước thì mới triển khai thực hiện dự án.
Cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1 hiện có 1 doanh nghiệp may hoạt động. |
Các ngành, địa phương cùng vào cuộc
Để tháo gỡ khó khăn cho chủ đầu tư hạ tầng các CCN, mới đây, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh. Tại Hội nghị này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Quang Tiến chỉ đạo UBND các huyện, thành phố làm việc ngay với chủ đầu tư và phải có cam kết giữa chủ đầu tư và các địa phương về mặt tiến độ thực hiện từng công việc cụ thể. Đồng chí nhấn mạnh việc xây dựng các TĐC phải ưu tiên thực hiện trước mới đẩy nhanh tiến độ GPM; yêu cầu các địa phương hoàn thành các các khu TĐC chậm nhất trong năm nay.
Trước những kiến nghị của DN về những khó khăn trong quá trình triển khai CCN trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Tuệ, Phó Chủ tịch UBND TP. Thái Nguyên, khẳng định: TP. Thái Nguyên đang rất nỗ lực trong công tác GPMB, xây dựng đồng thời 3 khu TĐC. Đối với CCN Sơn Cẩm 1, trong tháng 12-2024, địa phương sẽ hoàn thành khu TĐC để DN đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo quy định.
Trên địa bàn huyện Phú Bình có 8 CCN được thành lập; 2 CCN Điềm Thụy và Kha Sơn đã có DN thứ cấp hoạt động. CCN Điềm Thụy và CCN Hạnh Phúc - Xuân Phương đang gặp khó khăn trong công tác GPMB và tái định cư cho 12 hộ dân. Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Bình: UBND huyện đã quy hoạch 3 khu tái định cư, khi nhà đầu tư chuyển tiền chúng tôi triển khai ngay.
Kiến nghị của DN liên quan đến hệ thống đường đấu nối vào các CCN cũng được lãnh đạo Sở Giao thông Vận tải trả lời cụ thể trên tinh thần hỗ trợ, tạo thuận lợi nhất.
Về phía sở chủ quản tham mưu trực tiếp thành lập các CCN, ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương, khẳng định: Để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các CCN, Sở Công Thương sẽ tăng cường hướng dẫn DN cũng như giải quyết hồ sơ thành lập, điều chỉnh quyết định thành lập, gia hạn tiến độ dự án CCN; tiếp tục đôn đốc các chủ kinh doanh hạ tầng CCN đang hoạt động phải hoàn thành hạ tầng kỹ thuật về môi trường, đặc biệt là hệ thống thoát nước, xử lý nước thải tập trung và các thủ tục hành chính về môi trường; kiểm soát chặt chẽ việc thu hút đầu tư, chỉ cho phép thu hút dự án đầu tư có ngành nghề sản xuất phù hợp với quy hoạch ngành nghề CCN và đã hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật về môi trường.
Những khó khăn gần như đã được hóa giải khi các địa phương khác như: TP. Phổ Yên, TP. Sông Công, Đại Từ, Định Hóa… đều “cam kết” sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, DN để tiếp tục rà soát và tính toán phương án để tập trung GPMB, xây dựng các khu TĐC, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN thực hiện các thủ tục pháp lý, đẩy nhanh xây dựng hạ tầng các CCN, thu hút các nhà đầu tư thứ cấp vào đầu tư sản xuất.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin