Xây dựng nông thôn mới: Tránh “bệnh” phong trào

17:20, 24/08/2011

Một xã nông thôn mới phải là xã giảm tối đa tỷ lệ hộ đói nghèo, có một môi trường nông thôn lành mạnh cả về văn hóa, tinh thần lẫn vật chất.  

Một phong trào rộng khắp đang được khơi dậy ở tất cả các miền quê trong cả nước hướng đến một nông thôn mới văn minh hơn, hiện đại hơn và những người dân sống trong đó có cuộc sống tốt đẹp hơn. Đó là xây dựng nông thôn mới. Phong trào này đang kỳ vọng đem lại một nông thôn giàu đẹp cho triệu triệu hộ gia đình nông dân. Thế nhưng, khi bước vào triển khai thực hiện đang nảy sinh hàng loạt vấn đề cần tháo gỡ.

 

Bộ Tiêu chí quốc gia về nông thôn mới theo quyết định số 491/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ gồm 19 tiêu chí và được chia thành 5 nhóm cụ thể: nhóm tiêu chí về quy hoạch, về hạ tầng kinh tế - xã hội, về kinh tế và tổ chức sản xuất, về văn hóa - xã hội - môi trường và về hệ thống chính trị.

 

Chỉ riêng nhóm tiêu chí về quy hoạch cũng có nhiều vấn đề cần bàn. Quy hoạch nông thôn là việc phải làm trước, làm cơ sở cho các kế hoạch sản xuất, phát triển hạ tầng, văn hoá, môi trường… Thế nhưng có thể thấy ngay những vướng mắc từ khâu triển khai thực hiện.

 

Theo sổ tay hướng dẫn xây dựng nông thôn mới của Bộ NN&PTNT, quy hoạch gồm 3 nội dung chủ yếu: một là quy hoạch xây dựng mạng lưới điểm dân cư nông thôn và phân vùng sản xuất nông nghiệp (gọi chung là quy hoạch chung nông thôn mới); hai là quy hoạch chi tiết xây dựng trung tâm cụm xã và điểm dân cư nông thôn tập trung và ba là quy hoạch chi tiết hệ thống thuỷ lợi và giao thông nội đồng. Tuy nhiên, nội dung quy hoạch theo thông tư hướng dẫn của Bộ Xây dựng chỉ bao gồm quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết. Vậy phải thực hiện theo hướng nào đang khiến các địa phương loay hoay.

 

Thêm nữa là vấn đề kinh phí. Hiện tại, kinh phí dành cho công tác quy hoạch trung bình là 150 triệu đồng/xã. Số tiền này chỉ tạm đủ để xây dựng quy hoạch chung (không kể đo vẽ) và nếu thực hiện thêm quy hoạch chi tiết, nguồn kinh phí phải cần số tiền tương ứng. So sánh với 11 xã điểm có thể thấy rất rõ, số tiền đầu tư cho công tác quy hoạch ở một xã điểm xấp xỉ là 700 triệu đồng. Những xã miền núi, địa bàn rộng, phức tạp, việc đầu tư kinh phí cho công tác quy hoạch đương nhiên còn bị đội lên rất nhiều lần.

 

Một vấn đề nữa, theo chủ trương, công tác quy hoạch nông thôn mới được giao cho cấp xã tự làm. Song trên thực tế, nhiệm vụ này vượt quá năng lực của nhiều xã, do vậy hầu hết phải thuê đơn vị thiết kế. Điều đáng nói là các đơn vị thực hiện thiết kế quy hoạch nông thôn hiện nay vừa thiếu lại vừa yếu. Tình trạng “bê nguyên” quy hoạch của xã này áp dụng cho xã khác rất dễ xảy ra. Những bản quy hoạch theo kiểu nhân bản đã và đang “sinh đôi”, “sinh ba”, thậm chí “sinh năm”, “sinh bảy”. Hệ lụy khó tránh là tình trạng lặp lại, đơn điệu, xa lạ với đặ tính văn hóa, đại lý, dân tộc… của nhiều vùng miền khác nhau. Va như thế sẽ thật sự đáng lo ngại khi không còn nhận ra những nét văn hóa rất riêng biệt của các miền quê Bắc bộ, Trung bộ, Nam bộ.

 

Việc áp dụng tiêu chí mỗi xã đều phải có chợ nông thôn cũng là điều cần xem xét cho hợp lý. Ví dụ ở khu vực miền núi, chợ phiên vùng cao chỉ diễn ra một, hai lần trong tháng. Việc đi chợ của người vùng cao là một nét văn hóa rất riêng. Đến chợ là để giao lưu, tâm tình và như thế chợ là sợi dây nối liền quan hệ đời sống văn hóa tinh thần của người dân của các xã miền núi với nhau. Chợ miền núi thường được xây dựng cho vài xã hay một cụm xã. Xét về lâu dài, khi kinh tế phát triển việc giao lưu thông thương trao đổi hàng hóa là vô cùng cần thiết, song ở thời điểm hiện tại, nếu áp theo đúng tiêu chí này thì sẽ không ít chợ xây ra rồi lại bỏ không, rất lãng phí.

 

Tương tự, việc xây dựng khu văn hóa- thể thao cho mỗi xã cũng như vậy! Không thể cứ “chiểu’’ theo bộ tiêu chí mà áp đặt một cách máy móc gây lãng phí, không phù hợp với các vùng nông thôn.

 

Mục tiêu xây dựng nông thôn mới phải đi đến cái đích cuối cùng là nâng cao thu nhập để người dân có cuộc sống tốt hơn.. Một xã nông thôn mới phải là xã giảm tối đa tỷ lệ hộ đói nghèo, có một môi trường nông thôn lành mạnh cả về văn hóa, tinh thần lẫn vật chất mới thực sự là mơ ước của hàng triệu cư dân nông thôn.

 

Xây dựng nông thôn mới đang nhận được sự ủng hộ của đại đa số quần chúng nhân dân. Thế nhưng, không phải vì “chạy” theo thành tích, theo phong trào mà làm bừa, làm ẩu. Những bước đi thận trọng, cân nhắc kỹ càng, sẽ bớt đi những lãnh phí không đáng có, và như thế cái đích hướng về người dân nông thôn sẽ được trọn vẹn, đúng với ý nghĩa của chương trình này.