Thuyền viên bị cướp biển Somalia bắt cóc gọi điện kêu cứu

14:38, 01/02/2012

Thông tin gia đình các nạn nhân cho biết, hải tặc nói cho phép thuyền viên điện về nhà lần này là lần cuối nếu không sớm trao tiền chuộc tàu và người…

Như tin đã đưa, ngày 25/12/2010, tàu cá FV Shiuh Fu-1 của Đài Loan (với 26 thuyền viên Việt Nam và Trung Quốc) bị cướp biển Somalia bắt giữ trên biển Madagascar (Ấn Độ Dương). Trong đó, có 10 thuyền viên quê Nghệ An và 2 thuyền viên quê Hà Tĩnh.

 

Nhận được tin các thuỷ thủ trên tàu được gọi điện về nhà kêu cứu, sáng 31/1, chúng tôi đã về tận quê các thuỷ thủ để tìm hiểu thực hư.

 

Có mặt tại gia đình của thuyền viên Trần Minh Trí, xóm Minh Thành, xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) sáng 31/1, chúng tôi được gặp ông Trần Đình Trương (bố của thuỷ thủ Trí). Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, vợ chồng ông Trương ngồi buồn rầu kể lại những phút giây được gặp con trai của mình qua điện thoại.

 

Ông Trường nhớ lại từng chi tiết, hôm đó vào trưa ngày 21/1/2011 (28 Tết Nhâm Thìn), chuông điện thoại reo, nhấc máy lên nghe giọng thằng Trí nghẹn nghào: “Bố mẹ có khoẻ không, con Trí đây! Con được 5 phút để gặp bố mẹ qua điện thoại thôi, không biết có được về gặp bố mẹ nữa không…”

 

Rồi Trí kể tiếp với bố mẹ: “Con tàu đã bị hư hỏng nặng. Hải tặc đã đưa tất cả các thuyền viên trên tàu lên bờ để giam giữ, yêu cầu chủ tàu chuyển tiền chuộc cho chúng. Hiện nay do chủ tàu chậm nộp tiền chuộc tàu nên hải tặc đã chặt đứt một cánh tay của thuyền trưởng và liên tục đánh đập thuyền trưởng và thuyền phó. Có khả năng chủ tàu không chuộc tàu nữa, do tàu đã bị hư hỏng nặng. Hải tặc nói cho phép thuyền viên điện về nhà lần này là lần cuối nếu không sớm trao tiền chuộc tàu và người…”.

 

Được biết, do gia đình khó khăn nên học xong lớp 9, Trí bàn với bố mẹ vay vốn để đi xuất khẩu lao động với mơ ước giúp gia đình đổi đời. Ai ngờ chưa ra đến ngõ đã gặp hải tặc!

 

Cùng chung cảnh ngộ với gia đình ông Trường, ở xã Quỳnh Long, huyện Quỳnh Lưu còn có 3 gia đình thuyền viên khác gồm: Thuyền viên Vũ Văn Ba (1991), Hồ Xuân Hương (1989) trú tại xóm Minh Thành và thuyền viên Nguyễn Văn Hải trú tại xóm Thành Công, xã Quỳnh Long(Quỳnh Lưu, Nghệ An).

 

Giữa trời rét căm căm, ông Hồ Xuân Ngữ (bố thuyền viên Hồ Xuân Hương) kể lại trong nước mắt: “Đã hơn 2 năm trôi qua từ khi con tàu bị bắt cóc, mãi đến ngày sát Tết gia đình tôi mới nhận được điện thoại của thằng Hương gọi về kêu cứu. Chỉ 5 phút qua điện thoại ngắn ngủi, bố con tôi chỉ biết hỏi nhau mấy câu nghẹn ngào trong nước mắt thì đã bị cúp máy. Bây giờ gia đình tôi chỉ biết tha thiết cầu cứu cơ quan chức năng sớm tìm giải pháp để cứu con tôi và các thuyền viên về.

 

Ngồi bần thần trong góc nhà, bà Bùi Thị Huyền (mẹ anh Hương) hai hàng nước mắt lăn dài: “Bọn chúng chỉ cho con tôi gọi điện về nhà gặp người thân đúng 5 phút để kêu cứu. Tôi chưa kịp hỏi thăm về sức khoẻ của con thì đã bị ngắt máy rồi, đau xót quá!. Bây giờ gia đình tôi biết chạy đi đâu để cứu được con mình….”.

 

Cũng theo bà Huyền: “khi hợp đồng thì phía công ty môi giới ký trả mỗi tháng 700 USD, mỗi tháng trừ lại 20 USD để đặt cọc, sau khi hết hạn hợp đồng sẽ thanh toán. Nếu theo hợp đồng thì mỗi tháng gia đình thuyền viên sẽ nhận được 14triệu tiền Việt, sau khi đã trừ chi phí. Vậy mà từ khi con tôi bị cướp biển bắt giữ đến nay phia công ty môi giới chỉ trả mỗi quý 10 triệu hai trăm ngàn đồng”.

 

Tất cả 4 gia đình có thuỷ thủ bị bắt cóc quê ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) cho biết, vào ngày mai họ sẽ liên hệ với các gia đình thuỷ thủ khác cùng ở Nghệ An và Hà Tĩnh rồi cử đại diện sẽ lên đường ra Hà Nội gửi đơn đến Bộ lao động thương binh và xã hội để trình bày sự việc để tìm biện pháp sớm giải cứu con em họ./.