Giám sát sự cố sạt lở tại mỏ than Phấn Mễ

08:15, 29/04/2012

Chiều 28/4, Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đã tổ chức Hội nghị giám sát về sự cố sạt lở tại bãi thải số 3 Mỏ than Phấn Mễ, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.  

Liên quan đến vụ việc sạt lở tại bãi thải số 3 Mỏ than Phấn Mễ làm 6 người chết, 1 người bị thương, vùi lấp 10 ngôi nhà của dân, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thép Việt Nam Trần Tất Thắng cho biết: So sánh với thiết kế của Viện Khoa học công nghệ mỏ và Quy chuẩn 04/2009 của Bộ Công thương về an toàn trong khai thác mỏ lộ thiên, các thông số kỹ thuật của bãi thải trước khi sạt lở như cốt cao kết thúc thải, phương pháp thải, chiều cao tầng thải, số tầng thải, góc dốc sườn thải, độ dốc mặt bãi thải đều đảm bảo an toàn.

 

Qua phân tích đất nền bãi thải là loại đất sét dẻo quánh, cát sạn bở rời kém bền vững, có chiều dày lớn, toàn bộ đất sét được đẩy đi xa hàng trăm mét và nằm bên trên các đất đá của bãi thải; vật liệu bãi thải sạt lở đẩy sét ở ruộng lúa lên sườn đồi, đồng chí Trần Tất Thắng khẳng định: Từ hiện tượng vụ sạt lở cho thấy, đây không phải là sạt lở thông thường tại các bãi thải. Để có kết luận chắc chắn cần phải tiến hành nghiên cứu một cách khoa học. Tổng Công ty Thép Việt Nam đã yêu cầu Công ty cổ phần gang thép Thái Nguyên, Mỏ than Phấn Mễ tập trung mọi biện pháp nhằm ổn định sản xuất kinh doanh; đồng thời chỉ đạo rút kinh nghiệm cho tất cả các đơn vị có điểm mỏ trong toàn hệ thống, kiểm tra tất cả các điểm mỏ khai thác khoáng sản.

 

Theo đồng chí Nguyễn Cảnh Dương, Phó Tổng cục trưởng Tổng Cục địa chất - khoáng sản, năm 2008, Công ty cổ phần Gang thép Thái nguyên đã thuê Viện Khoa học và Công nghệ mỏ lập thiết kế cơ sở của dự án đầu tư xây dựng công trình khai thác xuống sâu moong lộ thiên Bắc Làng Cẩm – mỏ than Phấn Mễ, trong đó bãi thải số 3 được chọn là khu vực đổ thải và được thiết kế đổ thải đến cốt cao +190m. Như vậy, đến thời điểm xảy ra sự cố, đất đá đổ thải mới đến cao trình +160m, đạt khoảng 75% dung tích bãi thải.

 

Những băn khoăn về công tác quản lý khai thác khoáng sản, việc thiết kế mỏ, thiết kế bãi thải, tường bao xung quanh khu vực bãi thải, đánh giá nền đất khi quy hoạch bãi thải, có hay không chuyện mót than, khai thác cao lanh ở khu vực này... đã được nhiều đại biểu đề cập.

 

Trả lời về các vấn đề trên, đại diện Tổng Công ty thép và Mỏ than Phấn Mễ cho biết, năm 2011, các đơn vị này đã đo cao trình, góc bãi thải, chiều cao tầng, góc dốc mặt thải, khi đổ thải cũng đã để lại 2 mặt tầng an toàn, đối chiếu với tiêu chuẩn của Bộ Công thương thì các thông số đều đảm bảo an toàn. Không có hiện tượng khai thác cao lanh tại đây. Còn việc tận thu than ở bãi thải, đây vẫn là hổng cho tất cả các mỏ. Hàng ngày có từ 70 – 100 người lên bãi thải để mót than nhưng việc ngăn cấm rất khó khăn do lực lượng bảo vệ mỏng, bãi thải rộng, nhiều đường lên, nhiều tầng. Mỏ than Phấn Mễ đã tính đến phương án đề nghị chính quyền xã cử người có chức năng đứng ra quản lý việc nhặt than một cách có tổ chức, tránh tình trạng mạnh ai nấy lên như hiện nay.

 

Không đồng tình với phương án tổ chức việc tận thu than, đại diện Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường đề nghị Mỏ than Phấn Mễ nên thận trọng với việc cho mót than có tổ chức vì có thể gây tai nạn từ việc có tổ chức đó. Trước mắt, cần xây tường bao để ngăn trở người dân vào khu vực bãi thải. Về lâu dài, cần có phương án trồng cây khi bãi thải đã được phong hóa.

 

Tại Hội nghị, lãnh đạo Bộ Tài nguyên – Môi trường và Bộ Công thương cũng thừa nhận đây là bài học lớn trong công tác quản lý nhà nước về cấp phép và kiểm tra sau khai thác khoáng sản. Mỏ than Phấn Mễ đã không nghiêm túc thực hiện yêu cầu của Bộ Tài nguyên – Môi trường trong việc đánh giá tác động môi trường và khai thác mỏ và Bộ cũng thiếu cương quyết trong vấn đề này, nếu cương quyết đình chỉ khai thác thì sẽ không xảy ra hậu quả đáng tiếc vừa qua.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường Phan Xuân Dũng đề nghị, UBND tỉnh Thái Nguyên cần xác định nguyên nhân, trách nhiệm của các tổ chức có liên quan, rút kinh nghiệm trong quản lý nhà nước; khẩn trương di dời dân ở các khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn; làm tốt công tác quản lý hộ khẩu của dân cư trú trong vùng khai thác khoáng sản; rà soát các cơ sở khai thác về thiết kế mỏ; xử lý chất thải để đảm bảo an toàn...