Chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ về giải quyết khiếu nại, tố cáo

15:06, 22/08/2012

Tiếp tục phiên chất vấn, ngày 22/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến chất vấn trực tiếp Tổng Thanh Tra Chính phủ (TTCP) Huỳnh Phong Tranh về vấn đề giải quyết khiếu nại, tố cáo (KNTC); giải pháp tổng thể giải quyết các vụ việc khiếu nại (KN) tồn đọng, kéo dài, gây bức xúc trong nhân dân, đặc biệt những vụ liên quan đến đất đai. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN); hiệu quả hoạt động thanh tra đối với các dự án sử dụng vốn tại các tập đoàn (TĐ), tổng công ty (TCT); biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra.

Tham gia phiên họp có ĐBQH của các cơ quan QH; lãnh đạo các Bộ ngành liên quan. Về phía điểm cầu truyền hình Thái Nguyên có đồng chí: Phạm Xuân Đương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh cùng các thành viên trong Đoàn; đại diện Thường trực HĐND tỉnh và các ban của HĐND tỉnh; các ngành liên quan. Đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch QH điều hành  phiên chất vấn.

 

Tại phiên họp, các ĐBQH đã có 19 ý kiến chất vấn Tổng TTCP đề nghị giải trình làm rõ các vấn đề: Tình hình KNTC có xu hướng tăng, trong đó có 528 vụ việc KNTC phức tạp kéo dài, có vụ kéo dài đến 20 năm; tỷ lệ KN liên quan đến đất đai chiếm đến 70%. Vi phạm thanh tra thì nhiều nhưng xử lý còn ít; tình hình thực hiện kết luận sau thanh tra chưa tốt. Vấn đề giải quyết, xử lý một số vụ việc ở một số tập đoàn, tổng công ty (TĐ,TCT) còn có nhiều ý kiến khác nhau, trọng tâm là vụ việc của Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam. Nguyên nhân, giải pháp, trách nhiệm của cơ quan nào khi xử lý thu hồi nguồn vốn thất thoát của 5 TĐ,TCT sau kết luận thanh tra còn đạt thấp.

 

Các cơ quan thanh tra có phát hiện kịp thời; có né tránh, nể nang hay bị áp lực; hoặc đã làm hết trách nhiệm trong quá trình thanh tra? Trách nhiệm giải quyết KNTC của một số cơ quan chưa cao, còn đùn đẩy trách nhiệm, dẫn đến KNTC vượt cấp. Đối với tình hình phòng, chống tham nhũng (PCTN) đang có diễn biến phức tạp nhưng vụ việc tham nhũng phát hiện qua thanh tra, trong đó có các TĐ,TCT còn ít? Công tác PCTN thời gian qua chưa đạt yêu cầu, một số lĩnh vực “nhạy cảm” dễ xảy ra tham nhũng như: đầu tư xây dựng cơ bản; quản lý vốn ở các TĐ,TCT, tài chính, ngân hàng, công tác cán bộ, có giải pháp gì để ngăn chặn? Qua đó, Tổng TTCP đã nêu giải pháp khắc phục trong thời gian tới: nâng cao chất lượng thanh tra; tăng cường thực hiện kết luận sau thanh tra, đặc biệt là sẽ quyết tâm giải quyết các vụ việc bức xúc kéo dài, xử lý từng vụ việc, nhất là các vụ việc KN đông người. Đối với các vụ việc tham nhũng cần tăng cường giám sát việc kê khai tài sản thu nhập; giảm bớt cơ chế “xin, cho” ở một số lĩnh vực; tăng cường phát hiện, xử lý kiến quyết các vụ việc tham nhũng. Lãnh đạo các Bộ: Tài chính,Tài nguyên và Môi trường trả lời làm rõ thêm các ý kiến có liên quan đến lĩnh vực phụ trách.

 

Đồng chí Phó Chủ tịch QH kết luận: Trong thời gian tới, TTCP cần tham mưu cho Chính phủ tiếp tục ban hành các văn bản để thực hiện tốt các công tác trên; phối hợp với các Bộ ngành liên quan giải quyết các vụ việc kéo dài; tăng cường công tác thanh tra để phát hiện và xử lý nghiêm các vụ việc vi phạm...