Chất vấn trực tuyến các bộ trưởng

16:09, 21/08/2012

Ngày 21/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã tổ chức phiên họp chất vấn đối với các Bộ trưởng: Bộ Lao động -Thương binh và xã hội (LĐ,TB-XH); Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNNVN) tại Hà Nội và truyền hình trực tuyến tại các tỉnh, thành  trong cả nước.

Tham gia có thành viên của các Ban của QH; các Bộ, ngành liên quan. Về phía điểm cầu Thái Nguyên có các đại biểu QH tỉnh; đại diện Thường trực HĐND tỉnh và các ban của HĐND tỉnh; các ngành liên quan, các doanh nghiệp. Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch QH chủ trì các phiên chất vấn.

 

 

*Tại phiên họp buổi sáng, các thành viên và các đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) các tỉnh đã chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ,TB - XH Phạm Thị Hải Chuyền nhiều câu hỏi xoay quanh vấn đề: đào tạo nghề, nhất là việc thực hiện chính sách đào tạo và tạo việc làm đối với đồng bào dân tộc thiểu số; vấn đề quản lý lao động người nước ngoài tại Việt Nam.

 

Các câu hỏi tập trung vào một số nội dung như: Mối quan hệ về công tác quản lý lao động giữa Bộ LĐ,TB & XH với Bộ Giáo dục và Đào tạo để quản lý thống nhất công tác đào tạo nghề. Vấn đề đào tạo nghề cho lao động nông thôn trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết, nhưng còn nhiều cấp, ngành tham gia nên thiếu tập trung, không đảm bảo chất lượng; biện pháp giải quyết vấn đề này như thế nào để tránh đào tạo dàn trải, không có hiệu quả. Chính sách đào tạo nghề nhằm khắc phục tỷ lệ đào tạo còn thấp và nâng cao chất lượng nguồn lực lao động nói chung và thanh niên dân tộc thiểu số nói riêng; biện pháp giải quyết việc làm ổn định cho lao động nông thôn, người dân tộc thiểu số. Dự báo nhu cầu lao động trong các lĩnh vực trong thời gian tới.

 

Hiện nay, số lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam rất đông nhưng vấn đề quản lý còn nhiều bất cập, Bộ Công an (CA) cần xem xét lại công tác quản lý lao động; giải pháp nào giải quyết lao động phổ thông là người nước ngoài. Bộ Tài chính nêu rõ giải pháp về cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho các lao động bỏ trốn ở các doanh nghiệp.

 

Đại biểu Trương Thị Huệ, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên đề nghị Bộ trưởng Bộ LĐ,TB - XH trả lời ý kiến cử tri nêu: Việc đầu tư các trung tâm dạy nghề dàn trải đều ở các huyện, đặc biệt là các huyện nghèo, miền núi, vùng sâu, vùng xa, trong khi cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học; đội ngũ giáo viên vừa thiếu, vừa yếu, không đồng bộ nên không phát huy hiệu quả, gây lãng phí đầu tư công; giải pháp nào để đầu tư trong lĩnh vực này thực sự có hiệu quả. Bộ trưởng đã trả lời: “ Đây là vấn đề cần xem xét lại, tới đây sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách để đầu tư có hiệu quả”.

 

Qua chất vấn, Bộ trưởng Bộ LĐ,TB và XH, Bộ Công an, Bộ Tài chính đã giải trình nêu rõ kết quả, nguyên nhân, giải pháp và cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các cấp, ngành liên quan nhằm giải quyết tốt các vấn đề nêu trên trong thời gian tới.

 

*Chiều cùng ngày, các đại biểu đã chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Nguyễn Văn Bình về việc xử lý nợ xấu và các giải pháp cần thiết tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) tiếp cận các nguồn vốn; việc thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) trong mối tương quan với an toàn hệ thống và với Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Về nội dung trên, các đại biểu tập trung đề nghị Thống đốc làm rõ: tình hình và nguyên nhân các TCTD có nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu cụ thể; trách nhiệm của Thống đốc NHNN? Giải pháp xử lý nợ xấu? Vấn đề tái cơ cấu các ngân hàng (NH) đã thực hiện đến đâu? hỗ trợ thanh khoản của NH có đúng không? Hiệu quả hỗ trợ ra sao?

 

Thống đốc cũng nhận trách nhiệm để nợ xấu và nêu biện pháp xử lý nợ xấu phải từ tầm vĩ mô (kiềm chế lạm phát) đến giải pháp có liên quan đến hệ thống NH (thay đổi định hướng hoạt động; các quy định về vốn vay chặt chẽ hơn; tăng cường thanh tra, giám sát); biện pháp kinh tế. Ngoài ra, các đại biểu còn nêu nhiều vấn đề về việc DN khó tiếp cận với lãi suất trần 15%/năm; giải pháp nào để DN tiếp cận được nguồn vốn này; kết quả, giải pháp cho vay hộ nghèo, cận nghèo…