Công ty chứng khoán “mắc cạn” hơn 1.500 tỷ đồng nợ khó đòi

15:36, 03/11/2012

Báo cáo tài chính quý III/2012 của các công ty chứng khoán cho thấy, các công ty chứng khoán đang “mắc cạn” với khoản nợ khó đòi lên tới hơn 1.500 tỷ đồng.

Nợ khó đòi hơn 1.500 tỷ đồng

Sử dụng nghiệp vụ giao dịch ký quỹ (margin) cho nhà đầu tư vay tiền để “chơi” chứng khoán, giờ đây, không ít công ty chứng khoán phải “ngậm quả đắng” khi nhà đầu tư “bỏ của chạy lấy người”.

Thống kê từ báo cáo tài chính của 98 công ty chứng khoán đang là thành viên của hai sở giao dịch chứng khoán HOSE và HNX cho thấy, có tới 61/98 công ty đang có những khoản phải thu khó đòi và đã trích lập dự phòng. Còn lại 37 công ty chứng khoán không thấy trích lập dự phòng các khoản phải thu khó đòi.

Theo đó, tổng giá trị phải thu ngắn hạn tính đến 30/9/2012 của 98 công ty chứng khoán nói trên là hơn  22.613 tỷ đồng. Các công ty chứng khoán đã trích lập dự phòng khoản phải thu ngắn hạn khó đòi là hơn 1.574 tỷ đồng, bằng 6,96% tổng các khoản phải thu. Như vậy, có thể coi “tỷ lệ nợ xấu” trong khối công ty chứng khoán đang là 6,96%.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, tỷ lệ này trên thực tế còn cao hơn, vì không phải công ty chứng khoán nào cũng trích lập dự phòng đầy đủ. Trong số 30 công ty chứng khoán có trích lập dự phòng lớn nhất, tỷ lệ trích lập dự phòng khó đòi/tổng phải thu lên tới 12,7%. Tổng số trích lập dự phòng của 30 công ty này là 1.525 tỷ đồng, chiếm 96,89% tổng số trích lập dự phòng của 98 công ty chứng khoán được thống kê.

Phải thu khác hơn 13.000 tỷ đồng

Các khoản phải thu ngắn hạn của khối công ty chứng khoán bao gồm: phải thu của khách hàng, trả trước cho người bán, phải thu nội bộ ngắn hạn, phải thu hoạt động giao dịch chứng khoán và các khoản phải thu khác. Trong số này, đa phần khoản mục “phải thu khác” chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng các khoản phải thu ngắn hạn.

Nhiều chuyên gia tài chính cho biết, đây là khoản mục mà các công ty chứng khoán sử dụng để hạch toán những khoản tiền cho nhà đầu tư vay mượn để mua bán chứng khoán (margin, ứng trước, chậm thanh toán…). Số liệu thống kê cho thấy, tổng các khoản phải thu khác của 98 công ty chứng khoán là 13.014,98 tỷ đồng, chiếm tới 53,42% tổng các khoản phải thu. Cá biệt, ở một số công ty chứng khoán, con số này lên tới 80 - 100%.

Thêm chế tài rút giấy phép hoạt động của công ty chứng khoán

Trong Dự thảo Thông tư Quy chế tổ chức và hoạt động công ty ty chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đề xuất thêm chế tài ra quyết định thực hiện các thủ tục để rút giấy phép hoạt động của công ty chứng khoán.

Ngoài chế tài “tạm ngừng hoạt động” đã được bổ sung vào Thông tư 165/2012 có hiệu lực từ ngày 1/12 tới, trong Dự thảo Thông tư thay thế Quyết định 27/2007, Ủy ban Chứng khoán đề xuất thêm, khi công ty chứng khoán vi phạm các quy định về an toàn tài chính, cũng như có các hành vi vi phạm nghiêm trọng khác, sẽ bị cơ quan quản lý ra quyết định buộc phải thực hiện các thủ tục để rút giấy phép thành lập và hoạt động, trong đó, có việc hoàn tất chuyển tài khoản của khách hàng sang cty chứng khoán khác; thanh toán công nợ; tổ chức đại hội cổ đông để thông qua quyết định giải thể, phá sản…

Dự thảo lần cuối đã được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước hoàn chỉnh và trình Bộ Tài chính xem xét, dự kiến ban hành trong năm nay.