Theo HSBC, các doanh nghiệp Việt Nam đang giảm dần lệ thuộc của mình vào ngân hàng trong vấn đề tài trợ thương mại.
Theo Báo cáo triển vọng kết nối giao thương Việt Nam của Ngân hàng HSBC vừa công bố, năm qua, Hoa Kỳ đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Đặc biệt, từ khi ký kết Hiệp ước Thương mại song phương Việt – Mỹ, và gia nhập WTO năm 2007, Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp mặt hàng quần áo và giầy dép lớn thứ hai cho thị trường Hoa Kỳ (sau Trung Quốc).
Việt Nam đã trở thành nhà cung cấp mặt hàng quần áo và giầy dép lớn thứ hai cho thị trường Hoa Kỳ
HSBC nhận định: “Trái ngược với xu thế suy giảm của hầu hết các nước láng giềng, Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức 2 con số trong 9 tháng đầu năm 2012”.
Một điều đáng lưu ý là, trong những năm trở lại đây, điện thoại di động và các phụ kiện liên quan dần trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam (sau quần áo), chiếm hơn 10% sản lượng xuất khẩu.
Dẫn đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), HSBC cho biết đến năm 2013, mặt hàng này sẽ vượt qua sản phẩm may mặc trở thành nguồn doanh thu xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
HSBC lý giải rằng, do nhu cầu về quần áo và giầy dép ít bị ảnh hưởng từ sự biến động kinh tế toàn cầu so với các hàng hóa khác và điều này, kết hợp với tốc độ tăng trưởng nhanh trong việc xây dựng thị phần trong ngành viễn thông của Việt Nam, đã giúp bảo vệ Việt Nam tránh khỏi ảnh hưởng từ sự sụt giảm về nhu cầu hàng hóa trên toàn thế giới trong thời gian gần đây.
Xuất khẩu của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tăng trưởng ở mức trên 10%/năm cho đến cuối năm 2030 với xuất khẩu sang các nước mới nổi còn lại của Châu Á, khu vực Trung Đông và Châu Phi tăng trưởng ở mức 2 con số.
Đặc biệt, đến năm 2030, Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành đối tác xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc vẫn sẽ là những thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam. Khả năng thu hút và giữ chân các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư sản xuất các sản phẩm có giá trị cao như: điện tử, máy vi tính và điện thoại là một lợi thế của Việt Nam
Cùng với việc xuất khẩu tăng mạnh, Việt Nam cũng sẽ trở thành nhà nhập khẩu với quy mô lớn, cả về nhập khẩu vốn để đáp ứng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng và nhập khẩu hàng tiêu dùng để đáp ứng cho thị trường tiêu dùng đang phát triển nhanh.
Báo cáo về Chỉ số Tin cậy Thương mại của HSBC gần đây cũng cho thấy, các thương nhân Việt Nam có cái nhìn kém lạc quan hơn so với khảo sát 6 tháng trước đây khi được hỏi về những vấn đề liên quan đến tình hình kinh tế toàn cầu. Chỉ 34% dự đoán về tăng trưởng dưới các hình thức khác nhau, trong khi đó, con số này trong 6 tháng đầu năm là 51%.
Tuy nhiên, HSBC cũng đánh giá rằng, các doanh nghiệp Việt Nam đang giảm dần lệ thuộc của mình vào ngân hàng trong vấn đề tài trợ thương mại (32%) và 37% cho biết rằng họ muốn tự thực hiện các nghĩa vụ tài chính trong hợp đồng.
“Thị trường nội vùng sẽ là cốt lõi trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc Đại lục, Đông Nam Á và phần còn lại của Châu Á là những đối tác thương mại lớn nhất và ngày càng gia tăng thị phần trong hoạt động xuất nhập khẩu với Việt Nam”- HSBC lưu ý.