Diễn đàn Doanh nghiệp năm nay có chủ đề “Tăng cường sự năng động của nền kinh tế Việt Nam”.
Ngày 3/12, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Ngân hàng Thế giới, Tổ chức tài chính quốc tế tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2012 với chủ đề “Tăng cường sự năng động của nền kinh tế Việt Nam”.
Tại diễn đàn, đại diện các hiệp hội doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều có chung nhận định: Niềm tin kinh doanh của các doanh nghiệp đã giảm đáng kể trong thời gian qua.
Theo khảo sát của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam được công bố tại diễn đàn, gần 8.200 doanh nghiệp tư nhân trong nước và hơn 15.000 doanh nghiệp nước ngoài không có ý định mở rộng kinh doanh trong thời gian tới. Điều này thể hiện mức độ lạc quan của các doanh nghiệp đã giảm xuống mức thấp nhất trong 8 năm kể từ khi Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam bắt đầu thực hiện Khảo sát này.
Trước thực trạng đó, Chính phủ đã có một số giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: giảm, giãn thuế cho doanh nghiệp, hỗ trợ bốn nhóm doanh nghiệp tiếp cận vốn...
Tuy nhiên, ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng thời gian tới, cần tiếp tục có các giải pháp đồng bộ để hỗ trợ doanh nghiệp.
“Bên cạnh các giải pháp cải cách thể chế, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và nhóm các giải pháp cấp bách ngắn hạn nhằm giảm chi phí và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng thì các biện pháp để nâng cao năng lực quản trị cho doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng. Nâng cao năng lực quản trị trước hết là chính trách nhiệm của mỗi doanh nghiệp, của các hiệp hội doanh nghiệp và thiết chế hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, định hướng và sự hỗ trợ của Chính phủ cũng rất cần thiết. Tôi đề nghị cần bổ sung thêm nguồn lực và tăng cường sự phối hợp, nâng cao hiệu quả của các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ, các chương trình xúc tiến thương mại và đầu tư hiện có”. – ông Lộc nói.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nêu rõ: Năm 2012 với nhiều giải pháp quyết liệt và đồng bộ của Chính phủ, lạm phát được kiềm chế ở mức 1 con số, tăng trưởng kinh tế đạt khoảng 5,2% bội chi ngân sách giảm, lãi suất cho vay giảm và thanh khoản của hệ thống ngân hàng được cải thiện vấn đề vàng hóa và đô la hóa được hạn chế…
Tuy nhiên cũng còn nhiều thách thức cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Chính vì vậy hiện nay Chính phủ Việt Nam đã và đang chỉ đạo các bộ ngành đẩy mạnh tái cơ cấu các ngân hàng thương mại, nhất là những ngân hàng yếu kém, tái cơ cấu các tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty nhà nước theo hướng tập trung vào những ngành nghề kinh doanh chính quy mô phù hợp với thị trường năng lực quản trị và khả năng tài chính.
Phó Thủ tướng khẳng định, phải nhất quán thực hiện các giải pháp kiềm chế lạm phát ổn định kinh tế vĩ mô và huy động mọi nguồn lực xã hội để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội.
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị, các bộ ngành xem xét tiếp thu các khuyến nghị hợp lý, chính đáng của các doanh nghiệp để đề ra các giải pháp hữu hiệu nhằm hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh.