Thủy điện Sơn La: Bản hùng ca chinh phục sông Đà

08:58, 23/12/2012

Hôm nay 23/12, Thủy điện Sơn La sẽ chính thức khánh thành. Sự kiện trọng đại này là thành quả lao động quên mình của gần 10.000 cán bộ, công nhân trên công trình thủy điện lớn nhất Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.  

Công trình thế kỷ này về đích sớm 3 năm đã ghi dấu ấn quan trọng của bản hùng ca chinh phục sông Đà, tạo động lực phát triển kinh tế các tỉnh Tây Bắc nói chung và 3 tỉnh: Sơn La, Điện Biên và Lai Châu nói riêng.

 

Thành công từ những quyết định đúng

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định sau 7 năm ròng rã, thành công của dự án chính là sự kết tinh của tinh thần lao động tập thể cần cù, sáng tạo, thể hiện rõ nét sức mạnh trí tuệ của con người Việt Nam. Đây là dự án do người Việt Nam làm chủ từ khâu chỉ đạo, thiết kế, thi công, quản lý đến vận hành, với sự trợ giúp của rất ít chuyên gia nước ngoài trong việc tham gia thiết kế và tổ chức thi công. Các đơn vị tham gia dự án đều có năng lực chuyên môn cao, có nhiều kinh nghiệm trong quản lý, điều hành.

 

Thủy điện Sơn La là dự án quan trọng cấp Nhà nước được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quyết định đầu tư gồm 3 dự án thành phần; trong đó, dự án xây dựng công trình do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư; dự án di dân tái định cư do Ủy ban Nhân dân các tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu làm chủ đầu tư; dự án giao thông vận tải tránh ngập do Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Dự án xây dựng Nhà máy thủy điện có công suất lắp đặt 2.400 MW, gồm 6 tổ máy là bậc thang thứ 2 nằm trên sông Đà, sau Thủy điện Lai Châu và là bậc trên của Thủy điện Hòa Bình.

 

Cùng với việc phê duyệt dự án đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo nhà nước dự án Thủy điện Sơn La do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban, giúp Chính phủ chỉ đạo quá trình thực hiện dự án. Chính phủ cũng ban hành cơ chế đặc thù cho công trình để tạo điều kiện cho các chủ đầu tư, tổng thầu và các đơn vị tham gia xây dựng dự án tiết kiệm nhiều thời gian trong quá trình quản lý và tổ chức thi công. Việc thẩm định thiết kế kỹ thuật trực tiếp do ông Thái Phụng Nê, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước chủ trì; trong đó áp dụng công nghệ thi công bêtông đầm lăn (RCC) cũng rút ngắn được thời gian thi công đập dâng, cho phép tích nước hồ chứa sớm 1 năm so với thi công bằng bêtông thường.

 

Nhằm phát huy nội lực, một tổ hợp các nhà thầu bao gồm các tổng công ty mạnh của Nhà nước đã được chỉ định thầu xây dựng toàn bộ công trình, trong đó Tổng Công ty Sông Đà cũng được chỉ định đứng đầu tổ hợp nhà thầu để phối hợp với chủ đầu tư, các nhà thầu trong tổ hợp thực hiện dự án một cách hiệu quả nhất.

 

Ông Đỗ Đông Xuyên, Vụ trưởng, Tổ trưởng Tổ Tổng hợp Ban Chỉ đạo Nhà nước dự án cho biết từ năm 2004 đến nay, Ban Chỉ đạo Nhà nước đã tổ chức 28 cuộc họp, ban hành, bổ sung đầy đủ, kịp thời các cơ chế, chính sách và hướng dẫn về quản lý, thực hiện các dự án thành phần; trực tiếp chỉ đạo các bộ ngành và địa phương phối hợp thực hiện đồng thời kịp thời tháo gỡ các vướng mắc để đảm bảo các mốc tiến độ của dự án.

 

Các đường dây 500kV Sơn La-Hòa Bình-Nho Quan, Sơn La-Hiệp Hòa đấu nối Nhà máy Thủy điện Sơn La với hệ thống điện quốc gia cũng được Ban Chỉ đạo Nhà nước sát sao, tháo gỡ nhiều khó khăn, nhất là công tác giải phóng mặt bằng nhằm đảm bảo hoàn thành đồng bộ với tiến độ đưa các tổ máy của Thủy điện Sơn La vào vận hành.

 

Có thể nói, trong suốt quá trình triển khai dự án, phải khẳng định vai trò của EVN đã được thể hiện rõ qua việc biết kết hợp sức mạnh thời đại với phát huy nội lực, chủ động đề xuất các cơ chế và quyết tâm tổ chức thực hiện các cơ chế này. Đó là giao cho các đơn vị trong nước gia công chế tạo chủ đạo thiết bị cơ khí thuỷ công; cơ chế chỉ định thầu; cơ chế tạo thuận lợi tối đa để thu xếp vốn đầu tư…

 

Theo Tổng Giám đốc EVN Phạm Lê Thanh, EVN đã dùng tiền khấu hao làm vốn đối ứng, xin Chính phủ cho vay vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Phát triển Việt Nam để triển khai di dân tái định cư và gia công cơ khí trong nước. Trong những thời điểm khó khăn về thu xếp vốn, EVN đã phải chấp nhận “vay nóng” của Ngân hàng Phát triển Việt Nam với lãi suất cao; đồng thời tích cực làm việc với các ngân hàng thương mại để đảm bảo dự án không ngừng trệ vì thiếu vốn.

 

Đặc biệt, một trong những yếu tố góp phần đẩy nhanh tiến độ dự án là 3 tỉnh Sơn La, Điện Biên và Lai Châu đã ý thức rất rõ cơ hội tốt cho địa phương trong công tác di dân để phát triển, sắp xếp lại dân cư, đổi mới cơ cấu sản xuất, tạo điều kiện khơi dậy tiềm năng vốn có của các tỉnh cho phát triển kinh tế địa phương.

 

Vượt qua rất nhiều trở ngại từ lựa chọn vị trí xây dựng, phương án quy mô công trình, điều kiện thi công khắc nghiệt… đến di dân tái định cư, dự án xây dựng Thủy điện Sơn La đã phát điện tổ máy số 1 vào ngày 25/12/2010, sớm hơn 2 năm so với yêu cầu của Quốc hội và hoàn thành công trình vào năm 2012, sớm 3 năm so với Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

 

Đem lại giá trị kinh tế hàng chục nghìn tỷ đồng

 

Tâm huyết, mồ hôi, công sức của hàng vạn con người đã tạo nên kỳ tích vĩ đại này. Sự kỳ vọng của Đảng, Nhà nước đã đặt đúng chỗ. Niềm tin của nhân dân cả nước nói chung và đồng bào Tây Bắc nói riêng đã được đền đáp xứng đáng.

 

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh Thủy điện Sơn La về đích sớm 3 năm đồng nghĩa với việc dự án cung cấp sớm hơn cho nền kinh tế quốc dân hàng chục tỷ kWh điện, tương đương với giá trị kinh tế hàng chục nghìn tỷ đồng, góp phần quan trọng đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội đất nước.

 

Qủa đúng như vậy, tính đến cuối năm 2012, tổng sản lượng điện sản xuất của Nhà máy đạt khoảng 13,3 tỷ kWh. Từ năm 2013, mỗi năm, Nhà máy sẽ cung cấp sản lượng điện cho đất nước bao gồm cả phần tăng thêm cho Thủy điện Hoà Bình là 10,2 tỷ kWh. Việc đưa nhà máy vào vận hành sớm 3 năm đồng nghĩa với việc cung cấp cho nền kinh tế quốc dân ngoài kế hoạch 30 tỷ kWh, tương đương giá trị 1,5 tỷ USD (nếu tính giá điện tại thanh cái là 5 cent USD/kWh).

 

Ông Thái Phụng Nê chia sẻ, cuối năm nay, cả nước vui mừng chào đón sự kiện có ý nghĩa lịch sử đối với dân tộc khánh thành Thủy điện Sơn La -  dự án 3 nhất của Việt Nam: công suất đặt lớn nhất, dung tích hiệu ích hồ chứa lớn nhất và số lượng di dân lớn nhất. Trong năm nay, hai Nhà máy Thủy điện là Nậm Chiến và Bản Chát cũng phát điện.

 

Cùng với Thủy điện Hòa Bình và Nậm Chiến 2 đang vận hành, những người xây dựng Thủy điện Việt Nam đã hoàn thành khai thác trên 20.000 triệu kWh, đạt 77% năng lượng bậc thang Thủy điện sông Đà.

 

Đến năm 2016, khi Thủy điện Lai Châu vào vận hành, sẽ hoàn thành khai thác toàn bộ bậc thang với tổng điện năng gần 27.000 triệu kWh, vượt hơn so với mức năng lượng bậc thang được duyệt là 4,5%, nhờ ứng dụng các sáng kiến cải tiến trong giai đoạn thiết kế kỹ thuật các công trình Thủy điện Sơn La và Lai Châu.

 

Thành công của dự án Thủy điện Sơn La trước hết phải kể đến sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo Nhà nước dự án, sự tham gia tích cực của các bộ, ban ngành liên quan, các tỉnh, địa phương nằm trong vùng dự án, sự ủng hộ của hơn 20.000 hộ dân là đồng bào dân tộc 3 tỉnh đã nhường đất cho Thủy điện Sơn La. Thành công của dự án cũng đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của đội ngũ xây dựng Thủy điện nói riêng, đội ngũ cán bộ, công nhân Việt Nam nói chung. Kinh nghiệm thành công của dự án Thủy điện Sơn La đang tiếp tục được phát huy ở dự án Thủy điện Lai Châu và tiếp theo sẽ còn các dự án quan trọng khác.

 

Ông Hoàng Trí Thức, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho rằng Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành Trung ương đã và đang tạo hành lang pháp lý cũng như về cơ chế chính sách bảo vệ vùng đầu nguồn Nhà máy Thủy điện Sơn La, để không bị bồi lấp nhanh, chống lũ ống, lũ quét.

 

Ban Chỉ đạo và các bộ ngành cũng đôn đốc các công ty vận hành khai thác Thủy điện nộp thuế VAT, thuế tài nguyên và phí trồng rừng cho các tỉnh Tây Bắc đồng thời xây dựng và giám sát thực hiện các chính sách để các tỉnh trong vùng được hưởng nguồn lợi từ hiệu quả công trình này mang lại. Ban Chỉ đạo đang xây dựng chi tiết quy hoạch phát triển kinh tế vùng Tây Bắc, trong đó nhấn mạnh đến tính liên kết vùng hoàn chỉnh, đảm bảo sự phát triển bền vững.

 

Theo tính toán, một nguồn kinh phí trích từ lợi nhuận trong hoạt động sản xuất kinh doanh của công trình cũng sẽ giúp các tỉnh Tây Bắc đầu tư vào công cuộc xóa đói giảm nghèo. Đây sẽ là một trong những yếu tố then chốt để công trình Thủy điện Sơn La đóng góp xứng đáng vào phát triển kinh tế-xã hội của 3 tỉnh, tạo động lực cho vùng Tây Bắc từng bước xóa đói giảm nghèo, chuyển mình trong tương lai.

 

Thời khắc lịch sử sắp điểm. Công cuộc chinh phục sông Đà đang dần hoàn thành đã đưa những công trình điện thế kỷ trở thành biểu tượng sinh động cho sự nghiệp công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước.