Chiến lược phát triển dự trữ quốc gia đến năm 2020 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, sẽ tăng cường tiềm lực dự trữ quốc gia, đảm bảo đến năm 2015, tổng mức dự trữ quốc gia đạt khoảng 0,8-1% GDP và đến năm 2020 đạt khoảng 1,5% GDP.
Về danh mục hàng dự trữ quốc gia đến năm 2020, Chiến lược xác định 5 nhóm mặt hàng gồm: nhóm hàng bảo đảm an ninh kinh tế, an sinh xã hội; nhóm hàng phục vụ ứng phó thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn; nhóm hàng phục vụ an ninh, quốc phòng, bảo vệ biên giới, biển, đảo và động viên công nghiệp; nhóm hàng phòng, chống dịch bệnh và cấp cứu cho người; nhóm hàng phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi và cây trồng.
Trong đó, mức dự trữ lương thực đến năm 2015 giữ mức ổn định khoảng 500.000 tấn (quy thóc); sau năm 2015, căn cứ tình hình thực tế để quyết định mức tăng cụ thể.
Mức dự trữ xăng dầu đến năm 2020 là đáp ứng nhu cầu cho 10 ngày sử dụng (khoảng 500.000 m3, tấn xăng dầu thành phẩm) và 700.000 tấn dầu thô.
Đối với hạt giống cây trồng các loại, dự trữ hạt giống lúa đạt 10.000 tấn/năm, hạt giống ngô 1.500 tấn/năm, hạt giống rau 130 tấn/năm...
Dự trữ quốc gia đối với thuốc bảo vệ thực vật đến năm 2020 giữ mức ổn định khoảng 600 tấn; vắc xin đạt 10 triệu liều, thuốc sát trùng phòng chống dịch bệnh gia súc 1 triệu lít và thuốc sát trùng phòng bệnh thủy sản 2.000 tấn...
Chiến lược nêu rõ, sẽ nghiên cứu, áp dụng công nghệ tiên tiến vào bảo quản hàng dự trữ quốc gia, chuyển giao công nghệ bảo quản tiên tiến của các nước trong khu vực nhằm bảo đảm chất lượng hàng dự trữ quốc gia; cơ giới hóa trong quá trình nhập, xuất, bảo quản nhằm kéo dài hơn thời hạn bảo quản, hạ thấp tỷ lệ hao hụt, nâng cao năng suất lao động và bảo vệ môi trường. Đối với bảo quản lương thực, đến năm 2020, kéo dài thời hạn bảo quản gấp 1,5 lần so với năm 2010.