Đồng bằng Sông Cửu Long xuất khẩu hơn 88.000 tấn gạo

16:33, 21/01/2013

Theo ngành công thương các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, đến ngày 20/1, các tỉnh trong vùng đã xuất 88.632 tấn gạo, trị giá 41,4 triệu USD.

Giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện vẫn ổn định. Giá lúa khô tại kho (loại thường) từ 5.350-5.500 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.550-5.700 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm từ 7.250-7.400 đồng/kg tùy từng địa phương, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm là 7.100-7.250 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương.

 

Giá gạo thành phẩm 5% tấm không bao bì từ 8.200-8.300 đồng/kg; gạo 15% tấm giá 7.800-7.900 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng 7.450-7.600 đồng/kg tùy chất lượng và địa phương, người trồng thu lãi từ 30% trở lên.

 

Năm nay, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có kế hoạch xuất khẩu từ 6,5-6,8 triệu tấn gạo. Để hoàn thành chỉ tiêu này, các tỉnh triển khai kế hoạch dự báo thị trường, tổ chức tốt việc thu mua nguyên liệu, chế biến và bảo quản tốt nhằm bảo đảm chất lượng gạo.

 

Các tỉnh chỉnh đốn tình trạng bán phá giá của một số doanh nghiệp, đồng thời nâng cao tính chuyên nghiệp, trách nhiệm với người sản xuất bằng cách gia tăng số lượng doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu chuyên canh, đáp ứng yêu cầu cung ứng lúa gạo chất lượng cao tăng lên.

 

Hệ thống thương lái và xay xát được tổ chức lại theo hướng gắn kết với các doanh nghiệp xuất khẩu và mua lúa gạo theo giá thị trường, bảo đảm cho người trồng có lãi không dưới 30%.

 

Các địa phương mở rộng diện tích cánh đồng một giống ở những tổ hợp tác, trang trại, hợp tác xã, tạo thuận lợi cho việc gieo sạ đồng loạt, khống chế dịch bệnh và thực hiện quy trình cơ giới hóa đồng bộ nhằm giảm bớt hao hụt trong quá trình thu hoạch, tăng diện tích gieo sạ giống chất lượng cao lên từ 65-70%, nhằm đáp ứng nhu cầu xuất khẩu mặt hàng lúa gạo đang tăng cao.

 

Các tỉnh cũng quay vòng 1,8 triệu hécta đất lúa từ 2-3 vụ lúa, đưa diện tích trồng lúa trong năm lên 4,15 triệu ha, phấn đấu đạt sản lượng từ 24-25 triệu tấn nhằm góp phần cung ứng đủ nguyên liệu để chế biến phục vụ xuất khẩu; sử dụng giống mới, kháng sâu bệnh mạnh, thích nghi với từng vùng sinh thái đồng thời cho năng suất cao, chất lượng gạo ổn định.

 

Các tỉnh tiếp tục chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật đến nông dân như gieo sạ đúng lịch thời vụ, xuống giống đồng loạt, né rầy, mở rộng áp dụng các biện pháp “3 giảm 3 tăng,” “1 phải 5 giảm,” IPM nhằm hạn chế đến mức thấp nhất sâu bệnh gây hại lúa, bảo đảm đạt sản lượng đề ra.

 

Năm 2012, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã xuất hơn 6,8 triệu tấn gạo, giá trị đạt 3,1 tỷ USD.