Trong bối cảnh kinh tế trong nước khó khăn, nhiều dự án đầu tư phải cắt giảm, giãn tiến độ, Công ty CP Lilama 45-1 (Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam - Lilama) đã chuyển hướng tìm kiếm hợp đồng xuất khẩu thiết bị ra nước ngoài.
Những ngày cuối tháng 12/2012, đầu tháng 1/2013, những người thợ Lilama 45-1 bận rộn với hợp đồng chế tạo 500 tấn thiết bị vỏ lò hơi nhà máy nhiệt điện để xuất khẩu sang Trung Đông. Số thiết bị này được chế tạo với quy trình kỹ thuật nghiêm ngặt, bảo đảm độ chính xác cao theo tiêu chuẩn ASME (Hiệp hội Cơ khí Hoa Kỳ). Sau 2 tháng kể từ ngày ký hợp đồng, các thiết bị đã được bàn giao cho khách hàng, cho thấy sự phát triển của doanh nghiệp (DN) cơ khí chế tạo Việt Nam nói chung, thương hiệu Lilama nói riêng.
Câu hỏi đặt ra là DN cơ khí Việt Nam có đủ sức làm nhà thầu những dự án lớn không? Câu trả lời là có. Nhà máy Thủy điện Sơn La, dự án thủy điện lớn nhất Đông Nam Á khánh thành trước tiến độ 3 năm do DN trong nước đảm nhận. Với 6 tổ máy, công suất 2.400MW, Thủy điện Sơn La cung cấp 10 tỷ kWh điện hằng năm, bằng 9% sản lượng điện toàn quốc năm 2012. Cũng là một dự án điện - Nhà máy Nhiệt điện Nhơn Trạch 2 - Lilama với vai trò là tổng thầu EPC, đã được Hiệp hội Điện lực Châu Á trao giải vàng được xây dựng nhanh nhất. Một ví dụ nữa là, Huyndai Engineering& Construction Co.,LtdM, nhà thầu nổi tiếng của Hàn Quốc, từng tham gia nhiều công trình lớn trên thế giới, sau khi trúng thầu cung cấp thiết bị cho dự án nhiệt điện Mông Dương 1, đã ký hợp đồng chế tạo, lắp đặt toàn bộ thiết bị cơ, điện của dự án với tổng giá trị hợp đồng gần 1.600 tỷ đồng. Tổng khối lượng thiết bị cơ điện lắp đặt (chưa kể hệ thống đường ống áp lực) lên tới 81.000 tấn.
Câu chuyện nhà thầu nước ngoài vượt mặt nhà thầu trong nước, nhận EPC ngay trên "sân nhà", sau đó ký hợp đồng thầu phụ với DN trong nước đang là vấn đề, là điểm yếu của DN cơ khí, lĩnh vực công nghiệp chế tạo nói chung.