8 giờ ngày 15/2 (mùng 6 Tết), chùa Hương chính thức khai hội. Trong ngày mở hội, theo thống kê sơ bộ của ban tổ chức lễ hội chùa Hương, đã có 150.000 lượt khách tham quan. Cảm giác của du khách vẫn như mọi năm - nghẹt thở vì quá đông
Dù năm nay, thời tiết ngày khai hội không thuận lợi do mưa cả ngày nhưng lễ hội chùa Hương được coi là lễ hội mở đầu của Năm Du lịch quốc gia đồng bằng sông Hồng nên không khí có phần rầm rộ hơn mọi năm. Ban Tổ chức (BTC) dự tính sẽ đón tiếp khoảng 1,5 triệu lượt khách trong mùa lễ hội này, một kỷ lục từ trước đến nay.
Vượt quá năng lực đón tiếp
Trong ngày khai hội, theo ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức - TP Hà Nội, không có sự cố nào đáng tiếc dù lực lượng thanh tra văn hóa cũng vừa xử lý vài trường hợp lẻ tẻ chèo kéo khách, tự ý nâng giá dịch vụ.
Công tác bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường, cảnh quan ở những điểm tham quan chính đã có nhiều tiến bộ. Tuy nhiên, do lượng khách ngày khai hội quá đông nên nỗ lực của BTC vẫn chỉ như “muối bỏ bể”. Cũng theo ông Hậu, công tác chuẩn bị lễ hội từ nhiều tháng qua chỉ góp phần cải thiện tình trạng chưa thật tốt của những năm trước. Lượng khách tham quan chùa Hương vẫn vượt quá năng lực đón tiếp của BTC.
Công tác bảo đảm an toàn giao thông cũng được chú ý hơn khi lực lượng CSGT huyện Mỹ Đức cùng thanh tra giao thông, cảnh sát cơ động của Hà Nội đã hình thành nhiều tổ công tác và chốt trên tuyến đường từ trung tâm TP đến khu di tích Hương Sơn. Tuy nhiên, trên suối Yến, do lượng khách ngày đầu quá đông nên nhiều chủ đò vẫn cố tình chở nhiều người, không bảo đảm an toàn. Hơn 4.800 phương tiện thuyền đò được cấp phép hoạt động nhưng chưa thể trang bị áo phao cho du khách. Ngoài ra, theo quy định của BTC, vé tham quan là 50.000 đồng kèm vé đi đò 35.000 đồng/lượt đi và về. Tuy nhiên, du khách còn phải trả thêm cho chủ đò khoảng 100.000 đồng/người mới được chở vào đến suối Yến.
Nhiều quy định “cho vui”
Trong ngày khai hội, nhiều hình ảnh không đẹp đập vào mắt du khách. BTC lễ hội đã quy định: Ném rác xuống suối Yến, du khách bị phạt 300.000 đồng. Tuy nhiên, trong ngày khai hội, rác vẫn lềnh bềnh trên dòng suối thơ mộng.
Tại các chùa dọc đường lên chùa Hương Tích và trong động Hương Tích đều ghi rõ du khách không nhét tiền vào tay các tượng Phật nhưng do không có người kiểm soát nên quy định này chỉ “đề ra cho vui”.
Tại ga cáp treo, nhiều người vẫn thả tiền, phớt lờ quy định vì cho rằng đây là khu vực bắt đầu của suối Giải Oan. Giá dịch vụ ở đây bị đẩy lên cao khiến những du khách lần đầu đi chùa Hương, dù được cảnh báo trước nhưng vẫn không tránh khỏi ngỡ ngàng. Chị Vũ Bích, một du khách đến từ quận Cầu Giấy - Hà Nội, cho hay một bát mì “không người lái” phải trả 60.000 đồng, giá một quả trứng vịt cũng lên đến 15.000 đồng.
Ông Nguyễn Văn Hậu khẳng định huyện Mỹ Đức cấm quảng cáo và tổ chức các dịch vụ ăn uống chế biến từ động vật hoang dã trong khu vực lễ hội. Những năm trước, hình ảnh xẻ thịt động vật trước cửa chùa xảy ra phổ biến. Năm nay, tình trạng này vẫn diễn ra. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Chí Thanh, Phó BTC lễ hội chùa Hương năm 2013, toàn bộ số động vật được các hàng quán bày bán ở đây là vật nuôi chứ không phải thú hoang dã nên BTC không thể xử phạt.