Đất nước ta, nhân dân ta vui mừng, phấn khởi bước vào một mùa xuân mới - Xuân Quý Tỵ 2013 với nhiều niềm tin và kỳ vọng mới. Không khí đón Xuân mới đang tràn về, đến với nhà nhà và khắp mọi miền quê của Tổ quốc. Người người nô nức, hân hoan, phấn khởi chào đón Năm mới; mừng Đảng, mừng Xuân, mừng quê hương, đất nước đạt được nhiều thành tựu trong năm qua.
Hòa quyện với không khí tràn đầy sức sống của cả dân tộc đón Xuân, tôi cũng như bao nhiêu người hành hương về quê, nơi chôn rau, cắt rốn; nơi gắn với quảng đời tuổi thơ mơ mộng, hoài bão một thời; cùng vui Tết, đón Xuân với gia đình, người thân và bạn hữu lâu ngày, nay có dịp hội ngộ. Thật mừng vui khôn xiết, gặp nhau, tay bắt, mặt mừng, ôm chầm lấy nhau, chào hỏi râm ran, chuyện trò không ngớt; và nhất là luôn cầu chúc cho nhau năm mới: nhà nhà luôn an khang, thịnh vượng.
Không khí vui Tết, đón Xuân ở mỗi một miền quê có những sắc thái riêng, theo phong tục cổ truyền. Ấy thế mà, không khí vui Tết, đón Xuân năm nay ở quê tôi có nhiều cái mới, mọi người phấn khởi hơn nhiều so với mấy năm về trước. Cùng với những thuần phong, mỹ tục, tập quán, cổ truyền, các nghi lễ thờ cúng tiên tổ và tổ chức các lễ hội trong dịp vui Tết, đón Xuân; lần này về quê, đến đâu, gặp ai và lúc nào cũng nghe bà con, anh em bàn tán, trao đổi chung quanh việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của quê hương mình. Những câu chuyện thú vị cứ cuốn hút tôi, đưa tôi trở về với những công việc hàng ngày trên mãnh đất đang chuyển mình, cho quê hương ngày càng thêm đổi mới.
Nhân dịp đầu Xuân, tôi đến nhà bác trưởng thôn chúc năm mới, nói là bác trưởng thôn, nhưng thực ra đây là nhà của ông anh trong họ tộc; duyên ngộ và tình cờ lại gặp được 2 bác trưởng thôn trong xã, đã đến chúc Tết và vui chuyện tự lúc nào. Chúng tôi gặp nhau, lâu ngày, anh em hàn huyên, nâng chén rượu xuân chúc tụng, mừng vui trong tình nồng của hương vị mùa xuân đất nước. Biết tôi đi xa, lâu ngày mới về quê, ngoài việc thăm hỏi gia đình, các bác trưởng thôn cứ khêu gợi tôi kể về những mô hình và kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới ở những địa phương khác; trái lại, tôi lại được nghe nhiều câu chuyện hay về xây dựng nông thôn mới ở quê hương mình.
Với những câu chuyện say sưa, đàm đạo, bác trưởng thôn quê tôi cho biết: thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, năm qua, thôn mình đã làm được nhiều công trình và đưa vào sử dụng có hiệu quả. Trước hết, phải kể đến việc hoàn thành những con đường giao thông trong nội bộ của thôn; trong đó, có trục đường chính chạy suốt từ đầu thôn đến cuối thôn và nhiều con đường nhánh nhỏ. Nói là đường nhánh nhỏ, nhưng tiêu chuẩn mới của con đường là làm sao để cho ô tô tải nhỏ, tải vừa đi đến được với đa số các hộ gia đình trong thôn, vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu khi cần thiết. Phải nói là khi mới bắt đầu đưa quy hoạch giao thông để cho nhân dân bàn bạc, thì có rất nhiều ý kiến trái ngược nhau. Nào là nếu làm được, thì chỉ cần bê tông hóa đường trực chính của thôn; nào là làm đường ngõ, mà làm rộng vậy thì rất lãng phí, không cần phải làm đường rộng thêm nữa; nào là lấy kinh phí đâu mà làm được tất cả các tuyến đường giao thông của thôn.v.v….Ấy vậy, mà hôm nay, tuy chỉ mới hoàn thiện bê tông hóa tuyến đường trực chính và một số tuyến đường nhánh nhỏ, hoàn thiện cả hệ thống đường điện, hệ thống truyền thanh, hệ thống đèn điện chiếu sáng công cộng của thôn, ai cũng mừng vui, ngỡ thôn mình đã là phố như huyện và tỉnh.
Về chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân, đây là nỗi băn khoăn, trăn trở của nhiều địa phương, cơ sở; khi tôi hỏi về vấn đề này, bác trưởng thôn đã ồ lên một tiếng; đồng thời, cầm chén rượu nâng lên, chúng tôi cũng nâng theo, 4 miệng chén va vào nhau, kêu leng keng, trong trẻo như báo hiệu cho tôi những tin mừng đã được kiểm chứng. Nhấp xong chén rượu, bác trưởng thôn chậm rãi nói: Sau khi đường làng, ngõ xóm được mở rộng, bê tông hóa, ô tô vận tải cở nhỏ, cở vừa có thể được phép vận hành; cùng với việc thôn đã bàn kỹ trong nhiều phiên họp về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khuyến khích thành lập trang trại, gia trại; du nhập ngành nghề mới và phục hồi một số ngành nghề truyền thống đã bị mai một. Một số hộ gia đình đã mạnh dạn và biết chớp lấy thời cơ, phát huy được lợi thế của quê hương mình, bố trí cho con, em đi học ngành, nghề; nay về đầu tư, mua sắm ô tô vận tải làm dịch vụ vận chuyển hàng hóa, vật tư, phân bón. Một số hộ mua máy cày, máy gặt, máy bơm nước, máy xay xát, máy phát điện làm dịch vụ. Một số hộ làm nghề chăn ga, gối nệm; thợ sữa chữa điện tử, điện lạnh, điện dân dụng, tăng âm, loa máy. Một số hộ trở lại phục hồi nghề làm bánh đa, bánh cuốn, giã dò, làm chả. Cùng với việc đẩy mạnh thâm canh rau màu, cây lúa, cây ngô, đầu tư mở rộng chăn nuôi trâu, bò, gà, cá, lợn, vịt, đã hình thành trang trại, gia trại bước đầu cho hiệu quả kinh tế rõ nét. Nông thôn quê tôi đã có nhiều chuyển biến trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân.
Câu chuyện đang hấp dẫn, bổng dừng lại để chủ nhà và chúng tôi đón 2 vị khách là nam, nữ thanh niên đến chơi nhà bác trưởng thôn. Sau màn chào hỏi xã giao, chúc mừng năm mới, cậu nam thanh niên giới thiệu và đưa tấm thiếp mời dự lễ cưới tới bác trưởng thôn, và mời chúng tôi tới dự lễ cưới của đôi uyên ương vào một ngày đầu xuân, năm mới. Không khí vui hẳn lên, mấy bác trưởng thôn chúc mừng và thấy mình như trẻ lại so với thời gian.
Nhân dịp này, tôi tranh thủ tìm hiểu, tôi hỏi, thế sắp tới các cháu tổ chức lẽ cưới như thế nào? Hai cháu thi nhau trả lời: Chúng cháu tổ chúc lễ cưới theo đúng quy định về xây dựng và thực hiện nếp sống mới của thôn và của xã bác ạ. Tôi hỏi, thế quy định ban hành đã lâu chưa? Hai cháu, nói là quy định thì đã ban hành từ lâu, nhưng gần đây đã được nhân dân họp thảo luận, bàn bạc để sửa đổi, bổ sung; nay đã ban hành mới, được nhân dân đồng tình, hưởng ứng và đã thực hiện theo nếp sống mới rồi bác ạ. Tôi hỏi tiếp, vậy cách thức tổ chức lễ cưới như thế nào? Cháu trai đáp từ và lý giải, theo quy định thì có nhiều nội dung bác ạ, nhưng về tổ chức tại buổi chính của lễ cưới, chúng cháu và 2 gia đình đã thống nhất là thực hiện đúng quy định của thôn, và chỉ tổ chức văn nghệ, chúc mừng ngày cưới của đôi tân hôn do đội văn nghệ thôn, văn nghệ của chi đoàn và các bạn của chúng cháu tham gia bác ạ. Tôi hỏi tiếp, thế việc giao lưu giữa hai họ thế nào? Các cháu bảo, bây giờ thực hiện đúng quy định là tổ chức buổi lễ rất long trọng, vui vẻ và phải thực hành tiết kiệm; chính vì vậy, mà đám cưới nào trong thôn cũng chỉ làm mấy mâm cơm đơn giản hơn nhiều so với trước đây bác ạ. Thấy tôi gật đầu đồng thuận, bác trưởng thôn nói luôn, như thông báo cho tôi thêm nhiều thông tin mới của quê hương mình. Chú bận công việc, lâu ngày chưa về quê, ở quê nay có nhiều việc mới rồi chú ạ! Thôn mình có cả đội văn nghệ, mà có những xã trong huyện nhân dịp lễ hội truyền thống của xã, họ đã mời tới biểu diễn và được đánh giá cao, đấy chứ. Đồng thời, thôn mình có 2 đội bóng chuyền, một đội bóng chuyền nam, một đội bóng chuyền nữ; có một đội bóng đá, hàng năm có giao lưu, thi đấu với các đội bóng của xã, có lần cũng đạt được danh hiệu cao của xã đấy.
Nghe bác trưởng thôn nói vậy, tôi hỏi lại, thế là cả đời sống vật chất và đời sống tinh thần của nhân dân thôn mình khá hơn nhiều rồi, đúng không? Bác trưởng thôn nói tiếp: Chú thấy đấy, trước đây, thôn mình thuộc thôn nghèo, chỉ đếm trên đầu ngón tay được mấy cái nhà xây, mái ngói gọi là kiên cố, khá giả, còn lại toàn là nhà tranh, vách đất, phên nứa. Nay, đã có nhiều nhà 2 tầng, nhà mái bằng, nhà đổ mái via, cấu trúc rộng rãi, khang trang, trang bị nội thất khá hiện đại. Ở thôn mình bây giờ nhiều nhà sử dụng máy điều hòa, tủ lạnh, máy giặt, tivi led rồi chú ạ. Chỉ còn một vài hộ còn khó khăn do điều kiện, hoàn cảnh éo le, bệnh tật, ốm đau lâu ngày, nhưng được hưởng chính sách hộ nghèo của Nhà nước, và nhất là được các tổ chức trong thôn và bà con thôn mình thường xuyên quan tâm giúp đỡ, chăm nom, nên cuộc sống cũng ổn định.
Nghe đến đây, tôi liền quay sang hỏi, tình hình thôn Thượng Nguyên và thôn Đào Nguyên của 2 bác đón năm mới thế nào? Bác trưởng thôn Thượng Nguyên nói: tình hình chung của các thôn trong xã cũng như vậy cả đấy chú ạ, nhưng mỗi thôn có cái riêng của nó. Thôn Thượng Nguyên là vùng có núi, nên chúng tôi vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho phù hợp với vùng đất có rừng, có suối, có hồ và có đất canh tác. Tôi hỏi thế mạnh của thôn Thượng Nguyên là cái gì? Bác trưởng thôn cho biết: Nhờ diện tích đất vườn, đất rừng của các hộ gia đình khá rộng, thôn đã tập trung vận động các hộ dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng bằng cách cải tạo, phá bỏ cây tạp, cây có giá trị thấp, thay vào đó là cây có giá trị kinh tế cao, như: cây chè, cây cam, cây quýt, cây hương liệu, cây cảnh; gia đình nào có rừng, vườn rộng thì đầu tư lâu dài về trông cây lấy gỗ. Một số hộ tập trung đầu tư chăn nuôi bò, dê, nhím, thỏ, nuôi ba ba.v.v…Đến nay, trong thôn đã có mô hình trang trại chăn nuôi bò, chăn nuôi dê; trang trại chuyên trồng cây ăn quả.v.v...
Tôi quan sang hỏi, bác trưởng thôn Đào Nguyên, thế thôn của bác thế nào? Bác trưởng thôn đáp ngay: thôn Đào Nguyên là vùng chiêm trũng của xã, nên ngoài việc tập trung chỉ đạo, phát động và tổ chức thực hiện phong trào “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới đến tận các đoàn viên, hội viên và nhân dân để làm đường giao thông nông thôn, đường nội đồng, kênh mương tưới tiêu, xây dựng nhà văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng dân cư của thôn; chi bộ còn phân công cho cán bộ, đảng viên và các đoàn thể trong thôn đảm nhận các phần việc rất cụ thể, như: hướng dẫn cho nhân dân chỉnh trang cảnh quan, khuôn viên của các hộ gia đình; đăng ký đảm nhận việc giữ gìn vệ sinh môi trường; đăng ký, ký kết bảo đảm an ninh trật tự; đăng ký giúp đỡ và hướng dẫn cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, hộ nghèo biết chuyển đổi cơ cấu kinh tế, hỗ trợ, giúp đỡ vốn, cây con giống để sản xuất, chăn nuôi vươn lên ổn định cuộc sống. Đồng thời, thực hiện nghị quyết của đảng ủy, chi bộ thôn Đào Nguyên đã tập trung chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu và đưa giống lúa mới có năng suất, chất lượng cao, thay thế giống cũ; kết hợp trồng lúa với việc thả cá rô phi đồng, cá chuối, cá chép trên đất lúa; hoặc thả cá chim trắng, cá chép, cá trắm.v.v…ở những hồ nước lớn. Vì vậy, dịp này nhiều hộ thu hoạch được hàng chục triệu đồng tiền cá đấy chú ạ. Trước khi ngắt lời, bác trưởng thôn còn nhã ý và tha thiết mời tôi nhân dịp đầu xuân mới đến thăm thôn Đào Nguyên để chứng kiến những đổi thay của một vùng quê chiêm trũng, nghèo khó trước đây của xã.
Nghe thấy có lời mời, bác trưởng thôn quê tôi gợi ý thêm, nếu đến thăm thôn Đào Nguyên là có tất cả mọi người chúng ta đang ngồi ở đây đấy nhé, mọi người vui cười, hứa hẹn trong không khí của mùa xuân mới. Những câu chuyện về xây dựng nông thôn mới cứ cuốn hút tôi, tôi khen ngợi các bác trưởng thôn tâm huyết với dân mình, và có nhiều cách làm sáng tạo, đã cùng với nhân dân làm thay đổi diện mạo của nông thôn. Tôi đang trao đổi đôi lời, thì bác trưởng thôn đã ngắt lời và nói: Các thôn trong xã đạt được kết quả như ngày hôm nay, trước hết là nhờ có chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đúng đắn, hợp với lòng dân, được đông đảo nhân dân đồng tình hưởng ứng đấy chú ạ.
Đồng thời, đảng ủy, chính quyền, các ngành, các đoàn thể từ xã, đến thôn quan tâm chỉ đạo sâu sát, cụ thể; phân công trách nhiệm cho từng tổ chức và cán bộ, đảng viên phụ trách theo từng lĩnh vực; phụ trách đến từng công việc và từng hộ gia đình. Tổ chức truyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, họp dân, lấy ý kiến nhân dân, tạo nhận thức và sự đồng thuận, nhất trí cao trong nhân dân. Cả hệ thống chính trị và các tổ chức từ xã đến thôn đều rất coi trọng công tác dân vận, nhân dân hưởng ứng, không khí trong dân sôi nổi; xã đã coi nhân dân là chủ thể của phong trào xây dựng nông thôn mới, chính nhân dân đã đề ra phương châm: nhân dân làm, nhà nước hỗ trợ.
Thực hiện phong trào “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới, nhiều hộ gia đình đã tự tháo dỡ các công trình nằm trong diện quy hoạch của thôn; hiến hàng chục mét vuông đất để mở rộng đường giao thông; đóng góp vật liệu xây dựng và hàng ngàn ngày công. Các hộ gia đình trong thôn và con cháu đang công tác ở xa quê tham gia đóng góp xây dựng nông thôn mới lên đến hàng trăm triệu đồng. Xây dựng nông thôn mới đã thực sự trở thành phong trào cách mạng, sâu rộng của các tầng lớp nhân dân. Thôn nào, nhân dân chưa vào cuộc, chưa thể đạt được kết quả xây dựng nông thôn mới, như thôn ta đâu chú ạ. Nói đến đây, bác trưởng thôn tạm dừng câu chuyện về xây dựng nông thôn mới và mời chúng tôi đi ra nhà văn hóa của thôn để cùng với nhân dân tham dự lễ hội chào Xuân mới.
Chúng tôi đi trong nắng ấm của mùa xuân mới đang về, của phong trào “Dân vận khéo” trong xây dựng nông thôn mới. Nông thôn mới - sắc xuân mới, đến với mọi người, mọi nhà, mang theo niềm hân hoan, phấn khởi, chào đón một mùa Xuân mới tràn đầy niềm tin và hy vọng.