Sáng 7/3, tại Hà Nội, Học viện Công nghệ Bưu chính-Viễn thông tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Anh hùng Lao động.
Tới dự và phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, một trong những cơ sở có thể trở thành trung tâm an ninh mạng lớn nhất của cả nước là Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (CNBCVT).
Phó Thủ tướng cho biết, đối với nguồn nhân lực phục vụ cho ngành An toàn thông tin theo “Quy hoạch phát triển an toàn thông tin số quốc gia đến năm 2020”, đến năm 2015 Việt Nam phải đào tạo được 1.000 lao động ở cấp độ chuyên gia và theo tiêu chuẩn quốc tế. Điều này cho thấy thị trường lao động trong nước đang “khát” nhân lực công nghệ thông tin (CNTT) trong lĩnh vực an toàn thông tin.
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, để trở thành một trong những trung tâm an ninh mạng có uy tín thì Học viện CNBCVT cần chú trọng phát triển đội ngũ nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội. Học viện cần trang bị cho sinh viên kiến thức nền tảng về CNTT, cùng với các kỹ thuật và công cụ đảm bảo an toàn, bảo mật thông tin cho hệ thống mạng máy tính, kỹ thuật mật mã, an toàn hệ điều hành, an toàn cơ sở dữ liệu, an toàn các ứng dụng web và Internet, các kỹ thuật phòng thủ, chống tấn công xâm nhập mạng…
Các sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp không chỉ giỏi về lĩnh vực chuyên môn mà còn phải thành thạo ngoại ngữ để có thể làm việc ở bất kỳ môi trường sử dụng ngoại ngữ ở trong và ngoài nước.
Song song với công tác giảng dạy, nhà trường cần phải nâng cao chất lượng đào tạo gắn với nghiên cứu khoa học về lĩnh vực CNTT. Ngoài ra, nhà trường cần chủ động trong tự chủ tài chính, tự chịu trách nhiệm trong quản lý, giảng dạy; phấn đấu tăng số lượng Giáo sư, Tiến sĩ lên 15-20%/giảng viên.
Mở ngành đào tạo An toàn thông tin
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã trao quyết định được mở ngành đào tạo An toàn thông tin trình độ đại học hệ chính quy cho Học viện CNBCVT.
Như vậy, Học viện CNBCVT trở thành trường đại học đầu tiên trong hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam triển khai đào tạo ngành An toàn thông tin
Theo thống kê của Công ty An ninh mạng Bkav, trong năm 2012, hơn 2.200 website của các cơ quan và doanh nghiệp Việt Nam bị tấn công, chủ yếu thông qua các lỗ hổng trên hệ thống mạng.
Hệ thống giám sát của Bkav cũng phát hiện trong năm 2012 có hơn 34.000 mẫu virus lây lan trên di động, hơn 9 lần so với năm 2011. Các hacker đã tạo ra những phần mềm giả mạo có chứa mã độc rồi đẩy lên các chợ ứng dụng không chính thống và lừa người dùng tải về.
An ninh điện thoại di động ngày càng diễn biến tiêu cực, trung bình mỗi ngày có tới 9,8 triệu tin nhắn rác được gửi tới điện thoại di động của người dùng Việt Nam. Điều đáng lo ngại nhất là nhiều phần mềm nghe lén trên điện thoại di động đang được rao bán tràn lan trên mạng. Thực trạng này cho thấy an ninh mạng chưa được quan tâm đúng mức và thiếu những trung tâm giám sát, đảm bảo an ninh theo tiêu chuẩn kỹ thuật hiện đại.
Trước thực trạng các website bị hacker tấn công ngày càng tinh vi, gây thiệt hại lớn đến đời sống kinh tế-xã hội và các cơ quan, doanh nghiệp, Việt Nam cần có những cơ sở, trung tâm đảm bảo an ninh mạng./.